Đó là một buổi làm việc bình thường như bao ngày, của phóng viên Tiền Phong. Nhưng kết thúc cuộc làm việc, lại là chuỗi sự việc bất thường. Bối cảnh xảy ra ở Ủy ban Nhân dân phường Phạm Đình Hổ, trung tâm quận Hai Bà Trưng, Hà Nội.
VỪA BÌNH THƯỜNG VỪA BẤT THƯỜNG
Đầu tháng 1/2018, báo Tiền Phong nhận được đơn thư của bà Nguyễn Thị Thảo ở số 10 phố Hàng Chuối, phường Phạm Đình Hổ, quận Hai Bà Trưng phản ánh việc vi phạm trật tự xây dựng của hộ ông Ngô Minh Quang cùng số nhà. Công trình vi phạm từ chiều cao đến qui mô xây dựng, bất chấp pháp luật. Trong khi nhà số 10 Hàng Chuối là biệt thự nhóm 3, muốn sửa chữa cải tạo lớn đều phải xin phép và có sự kiểm soát chặt chẽ.
Mang đơn thư trực tiếp đến tòa soạn trình bày, bà Thảo đặc biệt băn khoăn việc: Công trình cải tạo của ông Quang từng bị phường đình chỉ xây dựng nhưng sau ba năm lại tiếp tục. Bà cùng hộ dân khác thắc mắc thì được ông Phó Chủ tịch phường tên là Hoàng Anh Tuấn giải thích: Đã có công văn của thành phố cho phép ông Quang tiếp tục cải tạo, xây dựng. Nên coi như xong việc rồi!
Bà Thảo cho biết, cất công nhờ báo chí vào cuộc vì nhiều lần lên phường đề nghị giải thích nhưng không có được câu trả lời rõ ràng.
Nhận được đơn thư, phóng viên ban Thời sự Chính trị bèn liên hệ với ông Hoàng Anh Tuấn, Phó Chủ tịch phụ trách xây dựng của phường để hẹn gặp làm việc. Ông Tuấn nói sẽ thu xếp lịch nhưng không nói rõ thời gian nào.
Ngày 8/2/2018, báo Tiền Phong cử hai phóng viên đến phường Phạm Đình Hổ làm việc. Nghe hai phóng viên vừa tự giới thiệu vừa trình giấy giới thiệu của cơ quan và nói rõ mục đích gặp, Phó Chủ tịch phường - ông Hoàng Anh Tuấn đề nghị lên tầng trên gặp Chủ tịch phường Dương Tuấn Anh, Chủ tịch có chỉ thị thì ông mới tiếp.
Hai phóng viên làm theo: gặp Chủ tịch phường và nói rõ mục đích tìm hiểu vụ việc theo đơn thư bạn đọc để có căn cứ trả lời bởi từ lúc nhận đơn đến nay đã hơn một tháng, mà điện thoại liên hệ thì không được phường xếp lịch.
Phải kể hơi chi tiết, theo trình tự thời gian không gian, bởi đó quả là cuộc làm việc ban đầu bình thường nhưng về cuối lại bất thường!
Được Chủ tịch phường chỉ thị, ông Phó Chủ tịch Hoàng Anh Tuấn dẫn hai phóng viên gặp hai cán bộ - người còn trẻ tên Quân, là cán bộ Địa chính của phường còn người cứng tuổi tên Cường, cán bộ Đội Thanh tra Xây dựng quận Hai Bà Trưng, Tổ trưởng Tổ công tác đặt tại địa bàn phường Phạm Đình Hổ.
Ông Tuấn cho biết sự việc ở số 10 Hàng Chuối không hoàn toàn như đơn thư bà Thảo phản ánh, còn ông Cường thông tin: Việc sửa chữa cải tạo của ông Quang ở số 10 Hàng Chuối đã được hợp thức hóa, thành phố cho phép hết rồi, cho nên “chúng tôi đành chịu”.
Khi phóng viên đề nghị cung cấp tài liệu quanh vụ việc, nhất là kết luận của Thanh tra Thành phố để có căn cứ trả lời đơn thư bạn đọc thì phường chỉ cho phép chép lại tài liệu mà không cung cấp bản chụp. Nên hai phóng viên vừa phải tìm hiểu trực tiếp vừa ngồi tại chỗ chép những tài liệu này.
Đáng lưu ý, mặc dù hai phóng viên đã trình giấy giới thiệu của cơ quan nhưng cán bộ xây dựng phường vẫn yêu cầu đưa giấy giới thiệu để mang đi chụp, cả thẻ nhà báo và chứng minh nhân dân. Đây là việc chưa từng xảy ra trong quá trình tác nghiệp trước nay của phóng viên Tiền Phong, chưa có tiền lệ nhưng nghĩ chắc không vấn đề gì nên vẫn vui lòng đưa các giấy tờ công vụ và tùy thân cho cán bộ phường cầm đi.
“NHẬN DIỆN KỀN KỀN”, THẾ NÀO?
Khoảng 21 giờ tối 8/2, một trong hai phóng viên vừa có cuộc làm việc ban sáng ở phường Phạm Đình Hổ được đồng nghiệp cùng ban Thời sự Chính trị gọi điện thông tin: “Trên mạng Facebook tên Diễn đàn Độc giả trẻ đang đưa bản chụp thẻ nhà báo của một phóng viên và bản chụp giấy giới thiệu có tên cả hai người. Giấy giới thiệu in rành rành tên cơ quan báo Tiền Phong, có chữ ký của Phó Tổng biên tập!”. Đi kèm hai bản chụp này là bài viết có tít Nhận diện kền kền, mở đầu như sau:
“Một vụ tranh chấp dân sự về vi phạm xây dựng xảy ra giữa hai láng giềng sát vách. Nhà A dùng kền kền làm một bài viết từ một tờ báo vô danh để mượn cớ cho chính quyền vào cuộc. Nhà B cũng dùng kền kền đập lại nhà A”...
Bên dưới viết rất chi tiết, có cả con số hẳn hoi: “Giá mỗi bài viết từ 20 đến 40 triệu đồng. Có con kền kền đã cho gia chủ B xem bài nhưng lại tống tiền bên A đã ra giá gấp đôi nếu B chịu chi cao hơn thì mới cho đăng. Bây giờ, từ chuyện bé tí đã tốn hàng trăm triệu đồng chi cho kền, những con khác vẫn đang bay tới...”.
Phần cuối rất đanh thép, đe dọa sẽ tung tiếp bài viết về “sự thật thối nát của quyền lực truyền thông bẩn: Phóng viên đếm tầng”.
Thật giật gân, câu khách! Đầy quyền uy, thế lực. Và như cách nói bà con ưa thích bây giờ - “Nói/viết như đúng rồi”! Thảo nào mới tung một vài giờ đã thu hút hàng loạt “diễn đàn viên” bấm nút “thích” loạn xạ, bình luận rôm rả!
Lập tức, hai phóng viên nhận định: Không đâu khác, duy nhất phường Phạm Đình Hổ là nơi khởi phát biến cố này, nơi giấy tờ công vụ của mình bị tung trái phép lên mạng xã hội. Nhưng nguyên nhân vì đâu, động cơ là gì, thì chưa thể xác định được ngay.
Nguyên nhân, động cơ cuối cùng cũng sáng tỏ. Và nói chung “sự đời không đơn giản”. Đó là điều chúng tôi sẽ thông tin ở những kỳ sau.
(Còn nữa)
Trước khi đến phường Phạm Đình Hổ, hai phóng viên đến số 10 Hàng Chuối để khảo sát hiện trạng xây dựng tại đây, bước đầu nhận định khiếu nại của công dân Nguyễn Thị Thảo là có cơ sở.
Bốn cán bộ (trong đó có hai lãnh đạo phường) trực tiếp gặp gỡ làm việc sáng 8/2/2018 đều thừa nhận sự “đúng mực, nghiêm túc” của hai phóng viên hôm đó. Thế mà kết cục lại là sự vu khống, bôi nhọ vô căn cứ.
Như vậy, một buổi làm việc bình thường, trong bối cảnh không quá bất thường ngoại trừ tình tiết đòi cung cấp giấy tờ công vụ và cả tùy thân mang đi, lát sau quay lại trả- thế rồi sau chưa đầy nửa ngày đã mọc ra cái gọi là “sự thật thối nát của quyền lực truyền thông bẩn” trên mạng xã hội! Hoàn toàn vô căn cứ, trái pháp luật nhưng lập tức đầy người hưởng ứng. Hoan hỉ “hóng” phần bóc phốt tiếp theo. Chuyện cứ như đùa. Nhưng đó là đời sống mạng bây giờ?