Hiện tượng này nguyên do là tại một số vùng nông thôn miền Bắc Trung Quốc, có một phong tục tồn tại hàng mấy thế kỷ qua là “Quang côn bất nhập tổ phần” (đàn ông độc thân không được vào phần mộ của tổ tiên). Để tránh “khi chết không có nơi chôn cất”, nhiều đàn ông độc thân đã lựa chọn “âm hôn” (kết hôn với người phụ nữ đã chết), những năm gần đây còn nổi lên hiện tượng “nhất nhật hôn” (hôn nhân một ngày), tức là thuê người phụ nữ làm đám cưới và trở thành vợ mình trong một ngày nhưng chỉ làm lễ gia tiên, không có giấy chứng nhận hôn nhân và không dộng phòng. Người làm “cô dâu một ngày” này có thể kiếm được 3000 đến 4000 NDT (10,5 triệu đến 14 triệu VND) cho mỗi cuộc hôn nhân và những người làm nghề mai mối có thể kiếm được 40.000 đến 50.000 NDT mỗi năm nhờ phí trung gian nên đã trở thành một nghề mới nổi ở các vùng nông thôn.
Cô dâu chú rể trong đám cưới “hôn nhân một ngày” |
Tuần báo Phượng Hoàng đưa tin, Tống Đại Chí, 61 tuổi, là một trong những đàn ông độc thân lớn tuổi trong làng, những năm ông còn trẻ, đám phụ nữ chê ông nghèo, đừng nói đến chuyện lấy vợ sinh con. Ở các vùng nông thôn miền Bắc Trung Quốc, đàn ông không có vợ bị coi là kẻ thất bại nhất. Sau khi cha mẹ ông lần lượt qua đời, Tống Đại Chí hoảng sợ sau khi chết sẽ không thể vào mộ tổ tiên, đối với ông, điều đó có nghĩa là sẽ không thể đoàn tụ với cha mẹ dưới âm phủ. Cách đây không lâu, có người đề nghị Tống Đại Chí tìm một người phụ nữ để kết hôn làm vợ trong một ngày, không cần giấy chứng nhận, không động phòng tân hôn, chỉ cần tổ chức hôn lễ coi như kết hôn, để có thể nhập mộ tổ tiên sau khi chết.
Được biết, kiểu “hôn nhân một ngày” này đã ngấm ngầm tồn tại từ nhiều năm nay ở địa phương và các vùng nông thôn. Ngô X, một bà mối, nhớ lại khoảng 5 hoặc 6 năm trước, có người gọi điện cho bà nói rằng muốn có một cô dâu “hôn nhân một ngày”. Đó là lần đầu tiên bà nghe thấy từ này. Ngày nay, giá “hôn nhân một ngày” qua bà Ngô là 3.600 NDT cho cô dâu (khoảng 12,6 triệu VND), cộng với 1.000 NDT (3,5 triệu VND) cho phí môi giới và mấy trăm tệ cho phù rể và phù dâu.
Theo Tuần báo Phượng Hoàng, đám cưới của Tống Đại Chí được tổ chức hồi giữa tháng 6. Trước đám cưới, chú rể chưa từng gặp mặt cô dâu mà chỉ biết cô dưới 50 tuổi. Cô dâu Điền Lệ Lệ 48 tuổi không mặc lễ phục, cũng không ôm hoa tươi hay khăn đỏ trùm đầu. Là cô dâu chuyên nghiệp “hôn nhân một ngày”, cô không nhớ mình đã cưới chồng bao nhiêu lần, nhưng cô biết chỉ cần hoàn thành nghi lễ, hoàn thành nhiệm vụ là có thể kiếm được ba bốn nghìn tệ. Trong khi là chủ một quán massage, cô chỉ có thể kiếm được vài nghìn tệ mỗi tháng.
Toàn bộ đám cưới, Tống Đại Chí trả cho bà mối 5.600 nhân dân tệ, trong đó Điền Lệ Lệ nhận được 3.600 tệ, bà Ngô lấy 1.000 tệ, phù rể và phù dâu mỗi người được 500 tệ. “Cả đời chỉ có một lần lấy vợ, cũng đáng!”. Tống Đại Chí nghĩ rằng điều đó thật tốt. Ông đã nhận được mấy nghìn tệ tiền mừng cưới và số tiền tiết kiệm của ông hầu như không suy suyển. “Cưới vợ kiểu này tiết kiệm chi phí hơn nhiều so với âm hôn”. Tống Đại Chí cẩn thận lồng bức ảnh chụp chung ông và “người vợ một ngày” Điền Lệ Lệ trong khung kính; góc ảnh in dòng chữ “Bạch niên hảo hợp” (Trăm năm hòa hợp). “Sau khi tôi chết, hãy đặt tấm ảnh này vào trong quan tài, đây là thứ chứng minh tôi đã kết hôn, có vợ”.
Ngày 12/7, một số nhà báo đã gọi điện hỏi lãnh đạo Cục Dân chính thành phố Lang Phường và một số quận, huyện về vấn đề này, họ đều nói rằng họ không nghe nói đến vụ này. Sự việc này sau khi được báo chí đăng tải đã gây nên các ý kiến trái ngược nhau trên mạng. Một số cư dân mạng cho rằng đây là một hủ tục lạc hậu, cần nghiêm cấm; một số cư dân mạng lại cho rằng nếu là hai bên tự nguyện, không tồn tại tình tiết lừa đảo hôn nhân thì vẫn có thể chấp nhận được.
Về vấn đề này, ông Phó Kiện, Giám đốc Công ty luật Trạch Cận, tỉnh Hà Nam cho rằng, rất khó để đánh giá từ quan điểm pháp lý liệu “hôn nhân một ngày” có vi phạm trật tự công cộng và thuần phong mỹ tục hay không, tức là liệu đó có phải là “hủ tục” hay không. Tuy nhiên, xét từ góc độ tình cảm và lý trí , việc không được vào mồ mả tổ tiên khi chưa kết hôn là trái với trật tự, thuần phong mỹ tục; còn việc tự nguyện tổ chức “hôn nhân một ngày” để “làm hình thức” chỉ là một sản phẩm phát sinh để phục vụ cho hủ tục nói trên. Muốn loại bỏ tận gốc hủ tục này phải bắt đầu từ việc tuyên truyền giáo dục những người đàn ông độc thân.
“Nguyên nhân có hiện tượng “hôn nhân một ngày” là do hủ tục không cho phép người độc thân vào mồ mả tổ tiên. Hủ tục này thực chất là vi phạm nhân phẩm”. Ông Phó Kiện đề nghị các cơ quan có thẩm quyền vào cuộc xử lý chấn chỉnh hủ tục đối xử với những người đàn ông độc thân và sau đó thuyết phục, khuyên giải những người ủng hộ và tham gia tổ chức kiểu “hôn nhân một ngày”.