Chuyện ‘hồi sinh’ một cựu chiến binh

TP - Từ bài báo “Mong ước một mái nhà của cựu chiến binh nghèo” đăng tải trên Tiền Phong, cuộc đời cựu tù Phú Quốc - ông Phương Văn Phín đã sang trang mới, ấm áp tình người.

Gia đình cơ cực

Cựu tù Phú Quốc Phương Văn Phín vì cơ cực, bí bách trong cuộc sống đã 3 lần nhảy xuống sông Kỳ Cùng tự tử song không thành. Báo Tiền Phong số ra ngày 15/10/2015 đăng tải về số phận của người cựu chiến binh Phương Văn Phín (SN 1950, dân tộc Tày) ở thôn Phạc Giàng, xã Hùng Việt, huyện Tràng Định, tỉnh Lạng Sơn làm nhiều người cảm động.

Chỉ nửa ngày sau khi báo xuất bản, anh chị Yến Thủy, chủ nhiệm CLB thiện nguyện “Thắp sáng niềm tin” (thành phố Lạng Sơn) đến Văn phòng thường trú báo Tiền Phong tại Lạng Sơn ngỏ ý muốn chung tay, giúp sức để cứu giúp người cựu binh đáng thương. “Trước hết, hãy xây cho ông Phín một cái nhà. Chúng tôi thấy cái túp lều tồi tàn như vậy sẽ không trụ được lâu, bởi mùa mưa bão sắp ập đến”, anh chị Yến Thủy đề xuất.

Phóng viên Tiền Phong cùng một số thành viên chủ chốt của CLB “Thắp sáng niềm tin” vượt hai con sông Kỳ Cùng, Bắc Khê và cuốc bộ gần 2 tiếng đồng hồ mới đến được nơi ở của ông bà Phín nhằm khảo sát, lên kế hoạch xây nhà.

Chuyện ‘hồi sinh’ một cựu chiến binh ảnh 1

Ông Phín nhận nhà mới, tác giả Nguyễn Duy Chiến (bìa trái).     Ảnh: Duy Chiến

Hình ảnh người cựu tù còn ám ảnh chúng tôi mãi. Thấy người lạ đến, ông Phín hom hem chui từ túp lều xiêu vẹo, chào chúng tôi. Ông cho biết, thằng con trai lớn đang phải chạy thận ở Bệnh viện Đa khoa Lạng Sơn, còn hai đứa con gái ngớ ngẩn, nhiều ngày nay lang bạt nơi đâu chưa về...

Vợ ông Phín trở về từ góc đồi với bó củi trên vai. Bà đi dáng liêu xiêu, tong teo trong ánh chiều tà. Bà Phín nói: “Các cô chú đến nhà, không có ấm chén, nước sôi mời, chúng tôi ngại lắm”. Anh chị Yến Thủy quay mặt đi, cố ghìm nước mắt.

Để phá vỡ bầu không khí đang chùng xuống, tôi khơi chuyện chiến đấu chống Mỹ thì ông Phín bỗng nhiên linh hoạt hẳn. Ông sang sảng kể, năm 1968, ông tình nguyện tòng quân vào Nam đánh giặc, được biên chế vào Đại đội 2, Đoàn 26, Bộ tư lệnh miền Đông. Sau đó, trong một trận đánh ác liệt ở ấp Long Phi, huyện Bình Cầu, tỉnh Tây Ninh thì bị thương và địch bắt nhốt ở Nha Cảnh sát Sài Gòn - Gia Định, sau đó là nhà tù Biên Hòa. “Tôi được coi là tên tù binh cứng đầu, không chịu khai nên chúng chuyển tôi ra Nhà tù Phú Quốc, tra tấn dã man, chết đi sống lại nhiều lần. Đến khi Hiệp định Paris ký kết, tôi được trao trả tù binh bên sông Thạch Hãn. Sau thời gian an dưỡng thì được phục viên”.

Khi về địa phương, chiến tranh, lũ lụt liên miên, thất lạc giấy tờ nên ông Phín không được hưởng bất cứ chế độ chính sách nào suốt thời gian gần nửa thế kỷ. Gia đình bất hạnh, khánh kiệt vì bệnh tật, nghèo đói, nợ nần tiền chữa bệnh cho con trai làm ông suy sụp, không thiết sống. “May mà tờ báo Tiền Phong đăng tải về tôi, nhiều đồng đội cũ đã tìm cách liên lạc, động viên, giúp đỡ”, ông Phín nói.

Ông Nguyễn Phi Hùng, nguyên Đại đội trưởng đội 2, Đoàn 26, Bộ tư lệnh miền Đông kể lại, ông Phín là chiến sỹ do ông trực tiếp chỉ huy. Sau khi nghe tin đồng đội cũ của mình đang gặp khó, ông Hùng cùng một vài cựu chiến binh thời kỳ chống Mỹ lặn lội đi xe máy từ thành phố Lạng Sơn đến Phạc Giàng thăm và tìm mọi cách lo thủ tục giấy tờ để ông Phín được hưởng chế độ, chính sách theo quy định. “Sau gần một năm làm giấy tờ, ông Phín đã được hưởng chế độ người có công với nước”, ông Hùng thuật lại.

Chuyện ‘hồi sinh’ một cựu chiến binh ảnh 2 Ông Phín (gia) xúc động trước khi động th xây dng nhà mi
Trở lại câu chuyện làm nhà cho ông Phín. Với kinh phí huy động ban đầu hạn hẹp, địa hình xa xôi, cách trở, chúng tôi dự định sẽ làm ngôi nhà rộng 24m2 xây gạch ba banh, lợp ngói proximăng với số tiền khoảng 70 triệu đồng. Tuy nhiên, nhìn gia cảnh ông Phín, báo Tiền Phong quyết định “làm một lần cho xứng”, cho dù đến thời điểm đi khảo sát xây dựng vẫn chưa hề có đồng nào.

May mắn thay, sau đó, nhờ sự quan tâm, giúp đỡ của các cấp, các ngành, doanh nghiệp, nhà hảo tâm nên căn nhà rộng 42m2, mái tôn lạnh đã hiện lên vững chãi, đẹp đẽ giữa những quả đồi ngút ngàn. Món quà ý nghĩa này đến với ông Phín đúng dịp ngày thành lập Quân đội NDVN 22/12/2015.

Nghĩa tình bền lâu

Ngày khánh thành, bàn giao đông vui, náo nhiệt như ngày hội. Ai cũng phấn khởi mừng vui cùng ông Phín. Không chỉ ngôi nhà mới, qua báo Tiền Phong, nhiều tổ chức, cá nhân chăm lo, giúp đỡ để gia đình ông Phín có đầy đủ đồ dùng, bếp, sân... Hôm vào nhà mới, ông Phín còn được nhận thêm hơn 50 triệu đồng tiền mặt.

Bà Nông Thị Lâm, Chủ tịch Ủy ban MTTQVN tỉnh Lạng Sơn cho rằng, Tiền Phong đi sâu, đi sát cơ sở nên đã phản ánh chân thật về đời sống của người có công với Tổ quốc. Từ việc này, cấp ủy, chính quyền địa phương cũng rút kinh nghiệm trong việc rà soát, quan tâm đến các đối tượng chính sách. Khi biết Tiền Phong chủ xướng việc xây nhà giúp ông Phín, Ủy ban MTTQVN tỉnh Lạng Sơn đồng hành, chung tay góp 20 triệu đồng cùng nhiều hiện vật khác. “Chúng tôi mong Tiền Phong tiếp tục quan tâm và có nhiều chương trình thiết thực, tốt đẹp hơn nữa”, bà Lâm nói trong lễ khánh thành, bàn giao nhà.

Trong số những đơn vị tích cực tham gia công việc thiện nguyện cùng Tiền Phong có CLB ô tô xe địa hình Lạng Sơn. Nhóm bạn trẻ này dành nhiều ngày để trực tiếp thiết kế, thi công mái tôn, giảm bớt được kinh phí xây dựng. Sự chân tình, trách nhiệm, theo tinh thần “cháy hết mình” của các thành viên trẻ CLB đã làm nhiều người cảm phục.

Anh Nguyễn Đình Tùng, Chủ nhiệm CLB ô tô xe địa hình Lạng Sơn nhắn nhủ với phóng viên Tiền Phong: “Em đi làm thiện nguyện nhiều nhưng chưa thấy công trình nào ý nghĩa sâu sắc như việc xây dựng nhà, giúp đỡ cho cựu tù Phương Văn Phín. Bọn em sẽ thường xuyên đến thăm, động viên để ông có cuộc sống tốt hơn trong những ngày cuối đời”.

Bà Nông Thị Lâm, Chủ tịch Ủy ban MTTQVN tỉnh Lạng Sơn cho rằng, Tiền Phong đi sâu, đi sát cơ sở nên đã phản ánh chân thật về đời sống của người có công với Tổ quốc.

Đúng như lời hứa, vào dịp xuân mới hàng năm, CLB ô tô địa hình Lạng Sơn và cơ quan báo Tiền Phong đều trở lại thăm gia đình ông Phín để tặng quà, trò chuyện. Ông Phín sức khỏe tốt lên từng ngày, da hồng hào trở lại cùng nụ cười thường xuyên trên gương mặt. Tiếng nói, tiếng cười râm ran trong căn nhà ấm cúng.

Gặp lại mọi người, ông hay khoe những cái mới. Ông bảo, 3 năm qua có nhiều niềm vui: Nhận “Kỷ niệm chương chiến sỹ cách mạng bị địch bắt tù đày”, được đi Hà Nội cùng đoàn người có công của tỉnh Lạng Sơn vinh dự gặp Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tháng 5/2017. Mới đây, được nhận “Bằng có công” của Trung tâm giáo dục truyền thống và lịch sử VN...

Ông bà Phương Văn Phín phấn khởi rủ chúng tôi ra mảnh đồi xung quanh nhà, chỉ cho thấy những hàng cây trái lúc lỉu, xanh mướt rồi bảo: “UBND huyện Tràng Định, Lạng Sơn tặng gia đình 250 cây cam, quýt. Đoàn viên, thanh niên huyện nhà tổ chức 2 ngày tình nguyện trồng cây cho chúng tôi. Các chú xem, chỉ độ nửa tháng nữa, đúng dịp báo Tiền Phong tròn 65 năm thì cũng là lúc quả chín”.

Xứ Lạng tháng 11 năm 2018

______

(*) Phóng viên thường trú báo Tiền Phong tại Lạng Sơn

Hai năm 2017, 2018 phóng viên báo Tiền Phong thường trú tại tỉnh Lạng Sơn vinh dự nhận 2 Bằng khen của Trung ương Hội Chữ thập đỏ VN và Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn vì đã có thành tích xuất sắc trong phong trào thực hiện an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn.

MỚI - NÓNG
Sương mù bao phủ khắp TPHCM
Sương mù bao phủ khắp TPHCM
TPO - Sáng nay 12/12, người dân TPHCM đón ngày mới trong thời tiết mát mẻ, nắng yếu nhưng sương mù tiếp tục bao phủ nhiều nơi. Tham khảo trên ứng dụng quan trắc không khí Air Visual cho thấy, nhiều khu vực tại TPHCM có điểm đo chất lượng không khí không tốt cho sức khỏe.