Những người đi thuyết phục hiến máu bằng tấm lòng
Từng chứng kiến trường hợp đau lòng của một phụ nữ người dân tộc H’Mông xảy thai băng huyết ở xã Phình Giàng (cách thị trấn Điện Biên Đông 20 km), 10 ngày mất máu, nằm ở nhà, gia đình cúng lễ chữa bệnh không cầm được máu, tới khi nguy cấp mới đưa bệnh nhân đến bệnh viện, thì không kịp giữ lại mạng sống nữa. Không riêng trường hợp của người phụ nữ này, Ông Nguyễn Văn Tư (chủ tịch Hội chữ thập đỏ TT. Điện Biên Đông) còn chứng kiến nhiều trường hợp khác cũng từng tử vong vì mất máu do người thân không hiểu biết. Và còn một nguyên nhân khác là không có máu truyền kịp thời. Điều đó đã thôi thúc ông Tư đích thân đi vận động từng người dân đăng ký tham gia hiến máu dự bị, phát từng tờ thư mời hiến máu, dán từng tờ thông tin hiến máu dự bị khắp thị trấn. Ông cho biết: “Người dân ở đây họ thật thà, tốt bụng và còn khó khăn lắm. Làm được điều gì tốt đẹp cho họ thì nên làm, đó là cách thuyết phục tốt nhất để họ sẵn sàng tham gia hiến máu cho chính đồng bào của họ”.
Sự cố gắng của ông Tư đã phần nào có kết quả, đã có những người đầu tiên hiến máu, đó như một món quà lớn cho tâm huyết của người làm công tác vận động hiến máu như ông. Anh Vừ A Châu (dân tộc H’Mông, hiến máu 1 lần) - là một trong những ít người của thị trấn Điện đã hiến máu, chia sẻ: “Tôi không bao giờ biết hiến máu, cho tới lúc được tuyên truyền, thuyết phục. Tôi đã hiến máu được 1 lần”.
Tín hiệu vui từ việc thay đổi suy nghĩ giống như anh A Châu, còn có chị Sùng Thị Chang, là người bán hàng ở chợ thị trấn Điện Biên Đông, trong một lần được tuyên truyền, giải thích cặn kẽ lợi ích của hiến máu, chị Chang đã mạnh dạn đăng ký hiến máu dự bị, sẵn sàng hiến máu “Khi nào có người cần, cho tôi đi với, tôi cũng muốn cứu người”.
Hiến máu cứu người
Cũng giống như ông Tư, với nhiều bác sĩ của Trung tâm y tế huyện Điện Biên Đông, sự trăn trở lớn nhất là khi bất lực phải chuyển bệnh nhân đang lúc nguy cấp cần truyền máu đi qua hàng trăm km đường dài để về được Bệnh viện trung tâm tỉnh Điện Biên truyền máu. Có nhiều trường hợp đã không kịp truyền máu để cứu sự sống. Được biết, cuối năm 2013 vừa qua, bệnh nhân Sùng Thị Sênh – một sản phụ bị mất nhiều máu sau sinh cần truyền máu khẩn cấp, khi đó bệnh viện không có máu dự trữ, không còn thời gian để chuyển bệnh nhân đi. Các bác sỹ ở đây đã trực tiếp thử máu để truyền cho bệnh nhân. Thật may mắn, sau khi xét nghiệm bác sĩ Ly A Nụ (khoa Nhi, dân tộc H’Mông) người có cùng nhóm máu với bệnh nhân đã không ngần ngại, lập tực hiến máu cứu sống sản phụ. Đây là ca đầu tiên được cứu sống nhờ truyền máu tại trung tâm, đã đem lại niềm vui lớn và hy vọng cho những người thầy thuốc luôn trăn trở vì người bệnh.
Xúc động với sự giúp đỡ của các bác sỹ, anh Lầu Nhìa Chá (dân tộc H’mông chồng của bệnh nhân Sênh) chia sẻ sau khi vợ được bác sĩ truyền máu: “Mất vợ như là mất nước. Các bác sĩ như bố mẹ đã giúp cho vợ mình được sống lại”.
Những việc làm từ tâm của các y bác sỹ và của các cán bộ nơi đây đã thuyết phục được nhiều người dân cùng chung tay chia sẻ, cho đến nay, cả huyện Điện Biên Đông đã có hơn 70 người tự nguyện đăng ký hiến máu dự bị lúc bệnh nhân cần như anh Châu, chị Sang. Sự thay đổi đáng khâm phục này sẽ đem đến cơ hội truyền máu, cứu sống người bệnh bất cứ khi nào cho những người dân không may mắn cần truyền máu của huyện.
Tháng 4 – tháng của “Ngày toàn dân hiến máu tình nguyện”. Những việc làm thiện nguyện của anh Châu, anh Nụ hay chị Sang sẽ còn nối dài hơn nữa, cùng đem lại những niềm vui, niềm hy vọng mới về việc làm giàu nhân nghĩa. Để hiến máu thực sự trở thành hành động của toàn dân.