> Đặt tên đường phố Hà Nội: Khó nhất là tên danh nhân
> Đặt tên thủ đô 36 nước ở Hà Nội: Bạn đọc phản ứng!
> 36 phố Hà Nội mang tên thủ đô các nước: Có khả thi?
Cột cờ Hà Nội nhìn từ Hoàng Thành Thăng Long. Ảnh: Xuân Phú. |
Những người thấp thỏm nhất cho buổi diễu hành ngày Quốc Lễ này là những cô gái và các chàng trai đã đỗ được vào trường Polytechnique danh giá hàng đầu nước Pháp hai năm trước, rồi chỉ đến ít ngày trước đó, một số trong họ mới được chính thức gọi tên để tham gia lễ diễu hành “duy nhất trong đời người” : theo truyền thống nhóm Polytechnique được đi trong đội đầu tiên của buổi lễ long trọng này.
Nói chuyện chữ “Quốc Lễ” ở đây để cảnh giới cho các nhà dịch thuật xứ Đông về việc gọi tên. Họ cứ áp chữ “Quốc Khánh” cho chữ “Fête Nationale”, biến đổi “Ngày Quốc Lễ”, hay chuẩn xác hơn nữa, “Ngày Hội của Dân Tộc”, của nước Pháp thành “Ngày Dựng Nước ” cho nước Pháp ! Đây là thói quen vị kỉ nhiễm từ các triều đình Trung Hoa, rằng khi dòng họ nào lên thì coi là họ dựng nước lại từ đầu, kể cả tính lại lịch làm năm thứ nhất luôn!
Nói chuyện học sinh trường “Polytechnique” cũng vậy, không gọi là “Trường Bách Khoa”. Trường Polytechnique ở Pháp là một trường duy nhất, tên gọi đó là một thương hiệu, chỉ có một, và không được phép “ dịch”. Cũng vậy, trường “Ecole Normale Supérieure” là một thương hiệu, một trường duy nhất trứ danh hàng đầu của nước Pháp, chớ dịch “Trường Sư Phạm”. Dịch một thương hiệu là phá tan một thương hiệu, và người ta biết ngay là mình “gà mờ ” về nó.
Việc gọi tên, chỉ có thế thôi, đã là cả câu chuyện để rèn luyện tư duy. Hơn bao giờ hết, sự chuẩn xác ngày nay là mệnh lệnh của tư duy, phải rèn luyện.
Quảng trường Concorde. |
Quảng trường Concorde này đã chịu mang rất nhiều thứ tên gọi thăng trầm theo lịch sử. Được nhà kiến trúc Jacques Anges Gabriel cho xây dựng từ 1754 đến 1763 dưới thời Louis XV, quảng trường này liền đó mang tên… Louis XV.
Đến thời cách mạng Pháp, quảng trường này được đổi tên thành “Révolution”, “ Cách mạng ”, và là nơi phải chứng kiến rất nhiều cuộc hành quyết hãi hùng: Louis XVI, Marie-Antoinette, Danton, Robespierre, và rồi 2800 người khác trong những năm từ 1793 đến 1795 ! Sau đó tên nó được chuyển về lại thành” Concorde ”, rồi lại về hẳn “Louis XV ”, chưa hết, lại thành “Louis XVI”, tiếp đó thành “Charte ”, “Hiến Chương”, và cuối cùng mang lại tên “Concorde”. Chữ Concorde, “Hòa Hợp”, được mọi người rốt cuộc chấp nhận yên ả hơn cả cho đến hôm nay. Cũng là điều để suy ngẫm.
Cái truyền thống lấy tên riêng của các cá nhân nổi tiếng để đặt cho các địa danh ở nước Pháp là một truyền thống khá bị lạm dụng. Mặt tích cực là sự ghi ơn những người đóng góp cho sự phát triển lịch sử, khoa học, văn hóa, nhưng mặt tiêu cực khi bị lạm dụng là trong nhiều trường hợp chúng làm người ta mất đi các địa danh lịch sử.
Mà các địa danh lịch sử là một sự gìn giữ quý báu của các thế hệ con người qua hàng trăm, có khi qua hàng ngàn năm, để người đời sau có được vết tích lịch sử. Phải rất trân trọng những địa danh đã có hàng trăm hay hàng ngàn năm lịch sử, nếu không chúng ta và con cháu sẽ là những thế hệ mồ côi về lịch sử.
Tất nhiên nếu một cụm khu phố được dựng nên ở một khu rừng xưa, hay nơi vốn đồng không mông quạnh, thì việc đặt tên mới cho các con phố mới ở trong đó là điều khả dĩ. Và trong nhiều trường hợp người ta bắt đầu có sáng kiến.
Chẳng hạn một khu công sở ở ngoại thành, người ta lấy tên các nước bắc Đại Tây Dương làm các trục phố : Đại lộ Canada, Đại lộ Québec, Đại lộ Nauy, Đại lộ Scandinavie… Khi bạn chạy xe qua những con phố này, lòng bạn tự nhiên thấy mênh mang hơn, như mình đang khám phá miền bắc bán cầu vậy.
Nhân tiện đây cũng thấy ở ta lạm chữ “công viên” khi nói đến một “khu công viên công nghệ ”. Chữ “ Park” Âu Mỹ dùng để chỉ một tổ hợp nào đó, trong đó có “công viên cây xanh” chỉ là một trường hợp. Vậy trong trường hợp khu công nghệ hay khu buôn bán, ví dụ “ khu công nghệ phần mềm ” thì hà cớ gì phải gọi ngọng ngô thành “ công viên phần mềm” trong tiếng Việt?
Việc biết lấy tên gọi của những nước khác, những miền khác trên thế giới cho các địa danh cũng làm cho lòng người mở mang rộng rãi hơn, bớt đi cái thói quen bẩm sinh khư khư lấy mình làm trung tâm.
Tháp Rùa. Ảnh: Xuân Phú. |
Hãy hình dung ở một khu mới xây dựng đẹp đẽ nào đó ở xứ mình, bạn lấy một loạt tên thủ đô các nước đặt vào: Quảng Trường Washington, Đại lộ Bắc Kinh, Vườn Tokyo, Cầu London, Nhà ga Moscow, Tháp Hà nội, Cảng xe Bankok… Điều đó sẽ làm lòng mình thênh thang thêm, và ta nhìn các dân tộc bạn bè gần gũi hơn lên.
Không chỉ những cụm đường phố, mà các tòa nhà lớn cũng vậy, chúng là những định hướng địa chí trong đời sống. Nếu có một loạt tòa nhà lớn mọc lên ở một khu vực, việc lựa chọn một cụm tên cho chúng có thể trở nên rất thú vị, ví dụ lấy bộ tên các đảo của đất Việt đặt cho chúng, những Tòa Bạch Long Vĩ, Tòa Cát Bà, Tòa Cồn Cỏ, Tòa Hoàng Sa, Tòa Trường Sa, Tòa Côn Đảo, Tòa Phú Quốc…
Sự bay bổng của tư duy như thế đánh thức đời sống cộng đồng. Phải luôn tìm cách ra khỏi những công thức đã cũ mèm, dù chúng đã từng là hay đi nữa, bởi chỉ có như thế cuộc sống mới được thúc giục mở mang, sáng tạo, và đầy ắp những niềm vui mới.
Cuộc sống của con người tiến lên được không phải nhờ những lý sự ngặt nghèo trong những công thức xơ cũ. Mà là ở sự tưởng tượng sáng tạo đột phá.
Đó là tiếng gọi của ngày hôm nay đến với mỗi chúng ta.