Chuyện giờ mới kể

0:00 / 0:00
0:00
TP - Trong niềm vui chung to lớn của chiến thắng vĩ đại 30/4/1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, có những vấn đề bị khuất lấp đi. Với độ lùi mấy mươi năm, đã đến lúc chúng ta cần nhìn nhận rõ để nhận thức đầy đủ những mất mát phải chịu đựng, cũng là nhận thức đầy đủ hơn giá trị của chiến thắng.
Chuyện giờ mới kể ảnh 1
Minh họa: Họa sĩ Ðặng Tiến

Thời gian là cỗ máy mài vô tình và tàn nhẫn đối với ký ức cá nhân. Trong biển thông tin hỗn loạn và nhiều kênh hôm nay, ký ức lại càng gặp nhiều thách thức thường trực và dữ dội. Một cách cổ sơ và thủ công cưỡng chống lại sự bào mòn vô tình và tàn nhẫn ấy là tìm dịp nhắc lại, thường xuyên nhắc lại.

Trong dịp tháng 4 này, là người còn lại của đội hình đông đảo những người lính làm văn nghệ đồng hành cùng các Binh, Sư đoàn ào ạt lao về phương Nam mùa Xuân 1975, giờ nhìn lại, một số rất nhiều những con người tài hoa dạo ấy đã thành người thiên cổ.

Sau tết Ất Mão (1975), Văn nghệ Quân đội được mật lệnh cử các nhà văn xuống các đơn vị, chuẩn bị cho tình hình mới. Từ nhiều năm, mỗi nhà văn đã có những đơn vị thân quen như gia đình, họ từng đi về trong nhiều chiến dịch lớn: Hồ Phương & Hữu Mai, Nguyên Ngọc & Nguyễn Khải, Nguyễn Minh Châu & Xuân Thiều, Thu Bồn & Phạm Ngọc Cảnh, Nam Hà & Xuân Sách, Mai Ngữ, Hải Hồ, Ngô Văn Phú, Văn Thảo Nguyên, Vương Trí Nhàn, Lê Thành Nghị… Cầm trịch ở nhà chỉ còn Chủ nhiệm Vũ Cao và Phó là nhà văn Từ Bích Hoàng. Nhà thơ Thanh Tịnh những ngày này trầm lặng trong tâm trạng khá nặng nề.

Cuộc hội ngộ lịch sử đầu tiên là cuối tháng 3, khi Thành phố Huế vừa được giải phóng. Theo trực thăng bay dọc Quốc lộ 1, chúng tôi chứng kiến quang cảnh hào hùng của những đoàn quân đi trên nhiều phương tiện khác nhau như dòng nước chảy một chiều về hướng Nam. Cùng chuyến bay là Hồ Phương, Phạm Ngọc Cảnh, Nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn, Nguyễn Hồng Duệ. Những người theo các đơn vị có mặt sớm hơn là Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Khải…

Cả đội hình theo các đơn vị vượt đèo Hải Vân còn đầy dấu tích các trận chiến đấu, và quân tư trang vất ngổn ngang, để vào Đà Nẵng vừa được giải phóng. Nguyên Ngọc là người được gặp lại bà mẹ và gia đình sớm nhất. Bữa tiệc đúng nghĩa đầu tiên là được tổ chức ở nhà mẹ Nhà văn, cũng là lần đầu tiên, các nhà văn miền Bắc biết mùi vị đặc biệt, tuyệt vời của món Mì Quảng.

Cũng ở đây, có cuộc hội ngộ của Văn nghệ Quân đội với các bạn văn của Quân khu V do Nguyễn Chí Trung làm thủ lĩnh (Nhà văn Nguyên Ngọc đã được điều ra Bắc từ cuối 1974, Thu Bồn đưa vợ con ra từ 1969): Bùi Minh Quốc, Nguyễn Bảo, Nguyễn Trí Huân, Nguyễn Khắc Phục, Thái Bá Lợi, Ngô Thế Oanh, Ngân Vịnh, Từ Quốc Hoài, Thanh Quế, Trần Thị Hồng… Trung Trung Đỉnh bấy giờ đang ở với đơn vị bộ đội địa phương trong rừng Tây Nguyên, phải sau giải phóng cả tháng mới biết tin để tìm về.

Đạo quân văn nghệ đông đảo bám xe các cánh quân hầu hết đã có mặt ở thành phố Sài Gòn trong ngày 30/4.Hợp lưu ở đây còn có cánh Văn nghệ Quân giải phóng Miền Nam Việt Nam, gồm những Nguyễn Trọng Oánh, Thanh Giang, Võ Trần Nhã, Triệu Bôn,Văn Lê, Trần Mạnh Hảo, Trần Ninh Hồ, Nguyễn Ngọc Mộc, Phạm Đình Trọng… Ngoài ra còn một lực lượng đông đảo các văn nghệ sĩ dân sự và thuộc các quân binh chủng như Đỗ Chu, Phạm Tiến Duật, Hữu Thỉnh, Thanh Thảo...

Trong ngày vui lớn của dân tộc, các nhà văn quê miền Nam gặp lại gia đình, người thân, vẫn không quên những đồng đội không trở về. Nhà văn Nguyên Ngọc giữ lời hứa với người bạn cùng trở lại chiến trường hơn 12 năm trước, đi tìm cháu Nguyễn Trang Thu, người con gái của nhà văn Nguyễn Ngọc Tấn - Nguyễn Thi với chị Bình Trang, sinh 1954, ngày nhà văn lên tàu tập kết, bấy giờ đang ở với bà ngoại. Rồi Trang Thu đã gặp lại người mẹ từ miền Bắc trở về. Nhưng cuộc đoàn tụ hình như không êm đềm như ao ước. Nhiều chuyện buồn liên tục xảy ra trong gia đình nhà văn Liệt sĩ- Anh hùng.

Có một lần, nhà văn Thanh Giang đã mời bà Thành Thị Du, mẹ nhà văn từ Nam Định vào Sài Gòn. Nhưng chuyến xích lô đưa người mẹ ôm bó hoa đi theo những con phố mà bà nghĩ là in dấu chân cuối cùng của con trai, nhưng hoa héo mà không biết đặt ở đâu. Cho đến nay, nơi hy sinh của nhà văn vẫn không xác định được. Nấm mộ trong nghĩa trang Liệt sĩ là mộ gió, ghi ngày hy sinh 23/5/1968, cùng ngày với Lê Anh Xuân - Ca Lê Hiến! Gia đình nhỏ của Nguyễn Thi - bút danh lấy tên người con trai này - nhiều năm vẫn tồn tại trong khó khăn, và không bao giờ đoàn tụ được với những người thân.

Trở lại những cuộc hội ngộ nhờ ngày 30/4 năm ấy. Sau những phút giây bàng hoàng, ngây ngất như trong mơ, một giấc mơ dài của hàng mấy chục năm xa cách, là một hiện thực trần thế, với biết bao hệ lụy phải đối diện, và cần ngay cách cách xử lý. Thời gian xa cách quá lâu, hoàn cảnh sống quá khác. Những người mẹ, người con, người vợ bao năm vì người ra đi mà bị truy bức, o ép, thậm chí tù đày, tra tấn, không phải ai cũng giữ được kiên trung.

Giờ người đó trong phe chiến thắng trở về, với hai bàn tay trắng, vài bộ áo quần cũ trong ba lô. Nếu chẳng may có vài bà con từng làm việc cho phía bên kia, cũng không thể có cách gì cứu đỡ. Nhìn nhau, gặp lại, cay đắng trong bất lực. Rõ ràng, chỉ riêng tình cảm là không thể níu giữ, khi trong xa cách đã hy vọng và tin tưởng, mọi khó khăn vật chất trong cuộc sống sẽ được giải quyết ngay khi người chiến thắng trở về.

Thanh Tịnh là nhà thơ tiền chiến duy nhất suốt phần đời còn lại chung thủy với màu áo lính. 30 năm “Ăn cơm tập thể, nằm giường cá nhân”, năm 1946, từ Huế về họp Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất, do Chủ tịch Hồ Chí Minh triệu tập, rồi ở lại, lên Việt Bắc tham gia kháng chiến, về hưu với quân hàm Đại tá. Ngày ấy ra đi để lại người vợ trẻ và hai người con, có đủ trai gái. Nhưng từ mấy năm trước, đã biết, để bảo vệ con, bà đã tái giá với một sĩ quan VNCH. Phảng phất dư âm, bài thơ Mòn mỏi từng được in trong Thi nhân Việt Nam: Ngựa hồng đã đến bên hiên/ Chị ơi, trên ngựa chiếc yên vắng người. Hai người con phải mấy năm sau mới gặp lại. Nhà thơ lại trở về Hà Nội sống cho đến cuối đời.

Nhà văn Nguyễn Khải đã tìm gặp được người cha với gia đình bà vợ cả đã di cư từ 1954. Bóng dáng cuộc gặp, theo lối viết bám rất sát chuyện thực, được thể hiện trong vở kịch Cách mạng được đoàn kịch Điện ảnh và Kịch nói Quân đội dàn dựng. Nhưng thay vì được hàn gắn, nhiều nhân vật thấy bóng dáng mình trong kịch lại thấy mặc cảm nặng nề hơn. Khoảng cách trong gia đình không dễ khỏa lấp. Nguyên Ngọc, Thu Bồn có mẹ già, nhưng là những người lính tại ngũ, với nhiều nhiệm vụ tiểu phỉ Phun rô, tham gia sản xuất ở Tây Nguyên, chiến đấu ở hai đầu biên giới, nên cũng không có điều kiện gần gũi, săn sóc những bậc sinh thành, đã một đời chờ đợi.

Trong tập Dĩ vãng phía trước (2012), tôi có ghi lại lời kể của nhà văn Nguyên Ngọc, nhân chứng hiếm hoi còn lại của thế hệ chống Pháp, năm nay vào tuổi 90, chuyện của một nhà điêu khắc, bạn ông, nhưng mang tâm trạng của không chỉ một người: Cậu ấy là nghệ sĩ thôi, chẳng chính trị gì đâu, nhưng nói nghe thật đau: Mấy mươi năm xa cách mẹ và em gái, mình đã luôn nhớ và nghĩ về họ với biết bao yêu thương đằm thắm.

Tưởng gặp lại nhau, sẽ là những ngày đoàn tụ ấm áp, đầy tình yêu thương. Anh đã về, mọi việc diễn ra đúng như ao ước. Mấy mẹ con ôm nhau mà khóc. Nhưng ở với mẹ chỉ đầm ấm trọn ngày thứ nhất. Sang ngày thứ hai đã thấy khó chịu. Có những điều trái ý nhau. Chẳng hạn, bà cụ không thể chịu được, khi con trai đã có tuổi mà ra đường mặc bộ áo quần cháo lòng, không được là kỹ. Và quan trọng hơn, bà không thể hình dung được đứa con được học hành tử tế, mấy chục năm đi làm cách mạng, giờ về chỉ là anh cán bộ không chức, không quyền, không quân lính.

Mà bà cụ là cơ sở của ta đấy. Cô em gái cũng thất vọng về ông anh.Họ quen đánh giá con người bằng chức vụ, của cải. Cả hai, người nghệ sĩ là anh đều không có. Có một sự vỡ mộng thật sự về nhau. Mà đau đớn là mẹ và em, cũng như hàng triệu người thân ở lại miền Nam, chịu đựng tù tội, truy bức, chờ đợi và hy vọng như thế là phải, là quá bình thường.

Sự đoàn tụ trong nhiều trường hợp thực tế là như thế đó. Ngày chiến thắng, niềm vui chung là lớn lao, nhưng ngay những người còn được trở về cũng có niềm đau, không nói nên lời. Một gia đình, còn thế, nói gì cả quốc gia.Vấn đề thống nhất sẽ còn nhiều khó khăn là vì thế. Một cái gì thật là của Việt Nam, thật là của văn học, mà sao những người viết cứ né tránh mãi!

MỚI - NÓNG
Sáng mai, tọa đàm về quản lý tài chính cá nhân, cơ hội việc làm ngành ngân hàng
Sáng mai, tọa đàm về quản lý tài chính cá nhân, cơ hội việc làm ngành ngân hàng
TPO - Nhằm mang đến cho sinh viên bức tranh tương đối toàn diện về cơ hội việc làm trong nhóm ngành Tài chính - Ngân hàng, Báo Tiền Phong phối hợp cùng Vụ Truyền thông, Ngân hàng Nhà nước sẽ tổ chức tọa đàm “Quản lí tài chính cá nhân, cơ hội việc làm trong ngành Tài chính ngân hàng” vào sáng 4/10 tại Trường ĐH Kinh tế Quốc dân. Đây là hoạt động nằm trong chuỗi sự kiện của Ngày Thẻ Việt Nam năm 2024.