Theo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ từ 0h ngày 1/4 sẽ “cách ly toàn xã hội”, PGS.TS Trần Đắc Phu, Cố vấn Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, cho biết, trong giai đoạn đầu chống dịch COVID-19, Việt Nam tập trung vào ngăn chặn dịch bệnh từ bên ngoài xâm nhập vào, tổ chức phát hiện những ca bệnh xâm nhập, kể cả việc cách ly những người nhập cảnh. Việt Nam làm rất tốt ở giai đoạn này nên đã hạn chế được việc lây nhiễm trong cộng đồng.
Giải thích đơn giản về “cách ly xã hội”, PGS.TS Trần Đắc Phu cho biết, hiện tại, chỗ thì dùng cách ly xã hội, chỗ dùng ngăn cách xã hội, chỗ dùng giãn khoảng cách địa lý... “Theo tôi đây là làm sao hạn chế một cách tối đa việc người bị bệnh tiếp xúc với những người lành hoặc là hạn chế tối đa những người lành tiếp xúc với người bệnh để không lây nhiễm sang nhau, bởi vì virus lây theo tiếp xúc gần, khi chạm vào dụng cụ, bề mặt có virus của người bệnh thải ra bám vào”- PGS. TS Trần Đắc Phu nhấn mạnh. Theo ông, việc tiếp xúc xã hội càng hạn chế được bao nhiêu thì chúng ta càng phòng bệnh tốt bấy nhiều. Vì vậy, cần hạn chế bằng cách không đi lại nữa, không tiếp xúc với nhau nữa và không tập trung đông người nữa, thực hiện nghiêm việc giữ khoảng cách tối thiểu 2m khi giao tiếp... những yêu cầu này là để hạn chế việc tiếp xúc với nhau để tránh lây lan dịch bệnh.
“Các biện pháp mà Chính phủ đưa ra chính là để hạn chế đến mức tối đa người bị bệnh không tiếp xúc với người lành, hạn chế tối đa việc người lành tiếp xúc người bệnh để dịch không lây từ người này sang người khác, không lây từ vùng này sang vùng khác. Vì vậy, mỗi người dân cần có ý thức chấp hành nghiêm bởi vì việc chấp hành rất quan trọng trong giai đoạn chống dịch hiện nay. Nhà nước dù có xử phạt cũng không làm sao kiểm tra hết được, chỉ mỗi người dân phải có ý thức mới hạn chế được dịch bệnh lây lan”- PGS.TS Trần Đắc Phu nhấn mạnh.
PGS.TS Trần Đắc Phu cho rằng người dân không nên đổ xô đi mua hàng hoá vào lúc này, vì Nhà nước đảm bảo cung cấp đủ hàng hoá cho người dân. Nếu mọi người mua nhiều gây nên hiện tượng thiếu “ảo”. Người dân chỉ nên mua khi cần thiết, mua đủ dùng tránh trường hợp người khác không có mà mua. Chỉ khi thật sự cần thiết mới ra đường và áp dụng đầy đủ các biện pháp phòng bệnh như đứng cách xa nhau 2 mét, đeo khẩu trang đầy đủ. Trách nhiệm này không chỉ của người dân mà còn là trách nhiệm của người quản lý siêu thị, bảo vệ siêu thị phải nhắc nhở người dân thực hiện nghiêm các biện pháp này. Thời điểm này, càng hạn chế tập trung ở siêu thị càng tốt vì không ai biết có thiếu vật chất hay không nhưng người dâ rất có thể đã bị lây nhiễm virus gây bệnh COVID-19 ở những chỗ tập trung đông người.