Ngày 21/9, Chủ tịch Fed tuyên bố sẽ tiếp tục cuộc chiến chống lạm phát, khi Ngân hàng Trung ương Mỹ đưa ra quyết định tăng lãi suất cơ bản thêm 0,75 điểm phần trăm và báo hiệu có sẽ tiếp tục tăng trong năm nay.
Sáng nay (22/9), trao đổi qua điện thoại với Tiền Phong từ Mỹ, TS. Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia tài chính - ngân hàng độc lập - cho biết, thị trường vàng, tiền tệ, chứng khoán chịu tác động từ việc Fed tăng lãi suất, tác động tới tỷ giá USD/VND.
TS Nguyễn Trí Hiếu. |
Theo ông Hiếu, khi tỷ giá tăng lên, giá trị hàng hoá nhập khẩu của Việt Nam sẽ bị tác động. Giá hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam tính theo VND bị tăng lên do tác động kép của tăng tỷ giá và lạm phát trên thế giới. Bằng chứng là lạm phát nhiều quốc gia tăng cao, tiêu biểu như lạm phát của Mỹ trên 8% so với cùng kỳ 2021.
“Không chỉ tác động tới giá hàng hoá nhập khẩu, việc Fed tăng lãi suất có thể tác động tới thị trường tài chính, làm thị trường chứng khoán Mỹ giảm xuống. Ngày 21/9 (theo giờ Mỹ), chỉ số Dow Jones tăng kiểu đón đầu thông tin. Tuy nhiên, khi Fed tuyên bố tăng lãi suất có thể tác động tiêu cực tới thị trường chứng khoán Mỹ và có thể tác động tương tự tại thị trường chứng khoán Việt Nam, khiến chỉ số VN-Index giảm xuống”, ông Hiếu dự báo.
Ông Hiếu cho rằng, đối với thị trường vàng, khi Fed tăng lãi suất, giá trị đồng USD tăng khiến giá vàng thế giới tiếp tục giảm sâu, đồng thời kéo giá vàng Việt Nam giảm theo, điều này khiến vàng trở thành tài sản đầu tư kém hấp dẫn.
“Đối với nhà đầu tư vàng sẽ xảy ra 2 xu hướng, người mua vàng Việt Nam tranh thủ cơ hội vàng giảm giá để mua vào. Ở chiều ngược lại, những nhà đầu tư đang nắm giữ vàng rơi vào tình trạng lo lắng. Ngoài ra, tại thị trường vàng Việt Nam, chênh lệch giá mua vào - bán ra cao khiến nhà đầu tư gặp rủi ro và nguy cơ thẩm lậu vàng từ thế giới vào Việt Nam”, ông Hiếu cho biết.
Giá vàng và USD dự báo có nhiều biến động sau động thái của Fed (Ảnh minh họa). |
Hiện nay, tỷ giá USD của Việt Nam tăng cao nhất trong 2 năm qua. Theo TS. Cấn Văn Lực, VNĐ là một trong những đồng tiền ít biến động nhất so với các đồng tiền khác trong khu vực, điều này có được nhờ quan hệ cung - cầu về ngoại tệ của Việt Nam ổn định. Tỷ giá tăng, tác động phần nào đến xuất nhập khẩu. Trong đó, doanh nghiệp xuất khẩu được lợi nhờ đồng USD tăng và đa số hợp đồng ký kết nước ngoài bằng USD. Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, doanh nghiệp nhập khẩu có thể gặp khó khăn.
Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, đến cuối tháng 8/2022, chỉ số USD trên thị trường quốc tế đạt mức 106,5 điểm; trong nước, USD bình quân trên thị trường tự do ở quanh mức 23.528 VND/USD; chỉ số giá USD bình quân 8 tháng năm 2022 tăng 0,37%.