Chuyên gia nhận định về tác động của COVID-19 đối với phổi

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Kể từ khi COVID-19 xuất hiện cho đến nay, khái niệm nhiễm COVID-19 gây bệnh cho phổi thay đổi nhiều. Khoảng một năm gần đây, nghiên cứu cho thấy virus tác động đa cơ quan trong cơ thể kể cả tim, gan, thận...

Bác sĩ Thân Mạnh Hùng, Phó trưởng khoa Cấp cứu (Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương) cho biết, bệnh nhân sau nhiễm COVID-19 bị hụt hơi, tức ngực... cần phân biệt các triệu chứng này xuất hiện khi nhiễm COVID-19 hay sau khi khỏi.

Chuyên gia nhận định về tác động của COVID-19 đối với phổi ảnh 1

Phổi của bệnh nhân bị hậu COVID-19

“Đối với hụt hơi, đau tức ngực thường do tim mạch và hô hấp gây ra người bệnh nên đi khám chuyên khoa để đưa ra phác đồ phù hợp. Không nên chủ quan để bệnh diễn biến dài gây ảnh hưởng sức khỏe”, bác sĩ Hùng khuyến cáo.

Theo các bác sĩ, triệu chứng đau ngực, khó thở là một trong những biểu hiện di chứng COVID-19. Nếu một người sau mắc COVID-19 bị đau vùng ngực, đau phía trước bên trái hoặc phía đằng sau xương ức, cũng có thể là biểu hiện bệnh lý mạch vành, hoặc các bệnh lý khác về dạ dày. Vì vậy, tốt nhất nên đi khám, nội soi dạ dày cũng như thực hiện biện pháp thăm dò hô hấp, tim mạch siêu âm tim, điện tim, loại trừ bệnh lý về mạch vành, nhồi máu cơ tim...

Tuy nhiên những bệnh nhân COVID-19 tổn thương phổi phải thở máy, hỗ trợ ô xy và hồi sức thì thường gặp di chứng nặng nề. Bác sĩ Hùng khuyên nếu có triệu chứng nhẹ và tổn thương phổi không nhiều, biểu hiện khó thở ho và hụt hơi chỉ kéo dài sau hai tuần thì đây chỉ là COVID kéo dài chứ không phải hậu COVID. Do đó có thể đo các chỉ số của cơ thể như SpO2, nhịp tim, mạch... nếu các chỉ số ngoài mức an toàn thì nên đi khám. Triệu chứng tức ngực, ho cũng là triệu chứng hay gặp hậu COVID-19, thường kéo dài 3-4 tuần sau âm tính, nếu chỉ số nhịp tim, SpO2 tương đối ổn định, thì có thể yên tâm, không nên quá lo lắng.

Còn trong trường hợp nhịp tim nhanh, SpO2 xuống thấp, ảnh hưởng đến công việc thì nên đi khám chuyên khoa hô hấp, tim mạch. “Nhiều bệnh nhân bị nhiễm mà không có tổn thương phổi nhưng vẫn lo lắng. Việc sử dụng thực phẩm chức năng tràn lan chưa qua kiểm định sẽ ảnh hưởng sức khỏe. Lời khuyên của chúng tôi là người bệnh không nên quá lo lắng nếu trong quá trình nhiễm không bị tổn thương phổi. Với nhóm đã bị tổn thương phổi trong thời gian nhiễm nên quay lại nơi điều trị để được chụp X-quang, đánh giá", bác sĩ Thân Mạnh Hùng thông tin thêm.

Bác sĩ Chu Thị Hạnh, Trưởng khoa Nội Hô hấp, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, cho biết các triệu chứng hậu COVID-19 xuất hiện trên hệ hô hấp thường rất rõ ràng, để lại nhiều hậu quả lên sức khỏe tổng quát. Tình trạng nặng có thể phát triển thành các bất thường lâu dài ở phổi, dẫn đến xơ hóa phổi, huyết khối tắc mạch phổi, viêm phổi tổ chức, khí phế thũng...

"Các di chứng hậu COVID-19 cần được tầm soát và xác định sớm khoảng 1-3 tháng sau khi khỏi bệnh, tùy trường hợp có thể sớm hơn", bác sĩ Hạnh nói. Thông thường, chụp X-quang ngực là phương pháp chẩn đoán được ưu tiên. Nếu phim X-quang cho thấy có bất thường, người bệnh được bác sĩ chỉ định cận lâm sàng chuyên sâu khác như chụp CT, đo chức năng hô hấp để thăm dò thể tích phổi và độ khuếch tán khí của phổi. Một số trường hợp có thể phải sinh thiết phổi để chẩn đoán.

Dấu hiệu cần đi khám bác sĩ

Thông tin thêm về các biểu hiện hậu COVID-19, PGS. TS. Phan Thu Phương, Giám đốc Trung tâm Hô hấp, Bệnh viện Bạch Mai cho biết: “Hội chứng COVID-19 kéo dài” hay “Hội chứng hậu COVID-19” biểu hiện đa dạng và có thể gặp các triệu chứng ở nhiều cơ quan.

Ngoài các triệu chứng hô hấp như ho khan kéo dài, ho khạc đờm, đau họng, hụt hơi, khó thở, đau tức ngực thì người bệnh có thể có biểu hiện về tiêu hóa gồm buồn nôn, nôn, đau thượng vị, rối loạn tiêu hóa; về sức khỏe tâm thần có thể thấy mệt mỏi kéo dài, rối loạn giấc ngủ, mất ngủ, lo lắng, giảm tập trung, rối loạn cảm xúc; biểu hiện về thần kinh gồm đau đầu, chóng mặt, mất vị giác, mất khứu giác, giảm trí nhớ (sương mù não), … Các nhóm triệu chứng bất thường theo chuyên khoa cần được thăm khám và đánh giá về mức độ, đồng thời cần loại trừ các nguyên nhân gây bệnh khác, trước khi kết luận thuộc hội chứng hậu COVID.

PGS.TS. Phan Thu Phương cũng cho biết để dự phòng di chứng hậu COVID-19 thì việc đầu tiên quan trọng là tiêm vắc xin để phòng nhiễm bệnh.

Thứ hai, khi không may nhiễm bệnh trở thành F0, người bệnh cần tuân thủ khai báo y tế tại địa phương để được quản lý và phân tầng với các mức độ từ không triệu chứng đến mức độ nhẹ, trung bình và nặng.

Người bệnh theo dõi sức khỏe nếu phát hiện bất cứ một trong các dấu hiệu như khó thở, thở hụt hơi, hoặc ở trẻ em có dấu hiệu thở bất thường: thở rên, rút lõm lồng ngực, phập phồng cánh mũi, khò khè, thở rít; nhịp thở ở người lớn ≥ 20 lần/phút; SpO2 ≤ 96%; mạch nhanh > 120 nhịp/phút hoặc < 50 nhịp/phút; huyết áp thấp: huyết áp tối đa < 90 mmHg, huyết áp tối thiểu < 60 mmHg (nếu có thể đo); đau tức ngực thường xuyên, cảm giác bó thắt ngực, đau tăng khi hít sâu; thay đổi ý thức: lú lẫn, ngủ rũ, lơ mơ, rất mệt/mệt lả,… phải thông báo ngay với cơ sở quản lý người mắc COVID-19 tại nhà; trạm y tế xã, phường; hoặc trạm y tế lưu động, Trung tâm vận chuyển cấp cứu… để được xử trí cấp cứu và chuyển viện kịp thời.

Thứ ba, khi có bất kỳ bất thường nào về sức khỏe sau khi nhiễm COVID-19, người bệnh nên đến cơ sở y tế để thăm khám hoặc liên hệ nhân viên y tế để được hỗ trợ tư vấn, nhằm phát hiện sớm các di chứng, biến chứng, bệnh lý mắc phải để điều trị kịp thời, hiệu quả.

MỚI - NÓNG