PHỐ ĐI BỘ QUANH VĂN MIẾU?
“Một trong những đề bài đặt ra cho các nhà quy hoạch sắp tới là mở rộng không gian xung quanh Văn Miếu thành phố đi bộ”, ông Lê Xuân Kiêu- Giám đốc Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu-Quốc Tử Giám nói. Ông cũng nhắc lại khúc mắc lớn nhất là giao thông. “Tuyến phố này luôn tắc bởi khách và xe cộ nên nhất thiết phải làm bãi đỗ xe ngầm tại khu vực vườn phía Tôn Đức Thắng. Hà Nội nên nghiên cứu đưa tuyến phố Văn Miếu thành tuyến phố du lịch dịch vụ gắn với khu di tích”, nhà nghiên cứu mỹ thuật Nguyễn Đức Bình (Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm) nói.
Trao đổi với Tiền Phong, ông Lê Xuân Kiêu nhấn mạnh ý tưởng kết nối không gian hồ Văn với nội tự cũng như sự kết nối với các tuyến phố xung quanh là “một trong số mục tiêu lớn của đề án quy hoạch tổng thể sắp tới”. Hiện Văn Miếu mở cửa ban đêm vào cuối tuần nhưng vắng khách, Trung tâm lý giải do không có khu phố đi bộ và dịch vụ đi kèm nên khó hút khách.
Đại diện của Dự án hợp tác phát triển đô thị Hà Nội- Ile-de-France (IMV) cũng xác nhận với Tiền Phong có đề xuất phương án quy hoạch đoạn phố Quốc Tử Giám trước mặt Văn Miếu thành phố đi bộ. Đơn vị này hoàn thành bản khảo sát thực trạng và đề xuất giải pháp cho Văn Miếu cuối 2016. “Chúng tôi chưa đặt ngay quy hoạch cả trục đường Văn Miếu thành phố đi bộ vì phương án điều tiết giao thông rất phức tạp”, ông Trương Quốc Toàn, Trợ lý Giám đốc Dự án IMV nói. Được biết Cty Nikken Sekkei Civil Engineering (Nhật Bản) - được Hà Nội giao lập quy hoạch gara ngầm bốn quận nội đô - có ý tưởng táo bạo mở thông phố Lý Thường Kiệt xuyên qua ga Hà Nội sang tận phố Trần Quý Cáp.
Khi chưa tính tới quy hoạch thành phố đi bộ, IMV nhắc lại đề xuất vẫn để xe cộ lưu thông ở trục Quốc Tử Giám nhưng lát lại mặt nền đường bằng đá. Việc làm này theo lí luận của đơn vị tư vấn nhằm tạo hiệu ứng thị giác để khách tham quan hiểu rằng hồ Văn là một phần trong tổng thể Văn Miếu. Giải pháp can thiệp mạnh hơn nữa là xin lắp cột đèn tín hiệu ở ngã ba Văn Miếu-Quốc Tử Giám, vừa để giãn dòng phương tiện giao thông mà khách du lịch có thể tranh thủ từ nội tự sang hồ Văn an toàn.
CẢI TỔ DỊCH VỤ
Là người đề xuất đưa Văn Miếu thành phố đi bộ, nhà nghiên cứu Nguyễn Đức Bình nói thêm: “Kiến trúc mặt tiền của tuyến phố này có thể cải tạo cho phù hợp với không gian bên di tích (kiểu như phố cũ Hà Nội). Phố này bán các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, nhà hàng dân tộc và các dịch vụ văn hóa khác chứ hiện nay nếu chỉ thăm trong Văn Miếu thôi khách sẽ tưng hửng”. Ông Trương Quốc Toàn của dự án IMV đánh giá các cửa hàng lưu niệm hiện nay trong Văn Miếu “thiếu thì không, thậm chí thừa nhưng không chất lượng”.
“Chúng tôi đề xuất giải tán hết cửa hàng sân Bái đường và bố trí ở ngoài khu vực nội tự có thể đặt ở Vườn Giám (sau khi giải phóng toàn bộ bãi đỗ xe lộ thiên tại Vườn Giám). Giảm cửa hàng nhưng chất lượng hàng hóa phải cải thiện”, ông Toàn nói.
Các cửa hàng lưu niệm ở Văn Miếu hiện có bán xuất bản phẩm, sản phẩm liên quan Văn Miếu. “Sắp tới chúng tôi cải tổ. Mặt hàng thuần Việt và gắn trực tiếp với Văn Miếu”, ông Lê Xuân Kiêu nói. Ông lấy ví dụ biểu tượng Khuê Văn Các chưa được khai thác. Việc cần làm trước mắt là hoàn thành logo của Trung tâm: Hoạt động ngót ba chục năm nay nhưng chưa hề có logo nhận diện. Bên cạnh chú trọng thay đổi các hạng mục của di tích, không gian và cảnh quan của Văn Miếu, lãnh đạo Trung tâm nhấn mạnh: “Văn Miếu phải thay đổi tư duy mở-đóng cửa thành tư duy phục vụ. Có như thế khách mới hài lòng”. Được biết, Văn Miếu đang có kế hoạch thiết kế lại trang phục cho nhân viên sao cho hài hòa với di tích.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Đức Bình góp ý Văn Miếu không nên treo đèn lồng đỏ và “các thứ khác có màu sắc lòe loẹt làm mất đi sự trầm mặc của di tích, lại còn không đúng”. Lãnh đạo Trung tâm xác nhận bỏ toàn bộ đèn lồng đỏ và các thứ lòe loẹt ra khỏi Văn Miếu từ trước tết. Về vỉa hè xung quanh, Trung tâm dự kiến chỉnh trang một số đoạn nhấp nhô và phối hợp chặt chẽ hơn với cty Vệ sinh môi trường để đảm bảo vỉa hè thông thoáng sạch sẽ cho du khách.