BẢO TÀNG, BÃI ĐỖ XE NGẦM
Ông Lê Xuân Kiêu, Giám đốc Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu-Quốc Tử Giám cho biết vừa nhận được văn bản chỉ đạo của Sở VHTT Hà Nội, cũng như văn bản đồng ý chủ trương xây dựng đề án quy hoạch tổng thể Văn Miếu. “Chúng tôi vừa thành lập tổ công tác, sau đây có kế hoạch và xin ý kiến lãnh đạo Sở mà trước nhất là xin ý kiến các đơn vị tư vấn”. Nhiều năm qua có rất nhiều ý kiến, báo cáo đề xuất phương án nâng cao hình ảnh, phát huy giá trị Văn Miếu. Gần đây nhất là báo cáo đánh giá thực trạng và đề xuất giải pháp cho Văn Miếu do một đơn vị tư vấn IMV thực hiện.
“Trong báo cáo, thành phố Hà Nội và Sở VHTT có gửi kèm bản báo cáo đánh giá của chuyên gia người Pháp. Đây là cơ sở quan trọng để từ đó xây dựng đề án sắp tới”- ông Lê Xuân Kiêu nói. Trong chín vấn đề nêu ra, Giám đốc nhắc bốn đầu mục quan trọng nhất: Nghiên cứu để quy hoạch và phát triển các hoạt động văn hoá- dịch vụ phục vụ cho du khách tại khu vực nội tự, Vườn Giám và hồ Văn. Khảo sát đánh giá quy hoạch hệ thống biển chỉ dẫn và tham quan trong khu vực Văn Miếu và kết nối với các điểm như Bảo tàng Mỹ thuật, Hoàng thành Thăng Long và làng khoa bảng Đông Ngạc (Từ Liêm). Quy hoạch giao thông và bãi đỗ xe cho Văn Miếu. Nghiên cứu khảo sát để bảo tồn các hạng mục trong di tích đang có dấu hiệu xuống cấp.
Một trong những vấn đề nóng nhất của Văn Miếu hiện nay là giao thông bởi “muốn thu hút khách phải có điểm đỗ xe. Hiện Văn Miếu chưa có điểm đỗ riêng nên phải sử dụng một phần diện tích của Vườn Giám làm bãi đỗ xe, gây ảnh hưởng nhất định tới di tích”, ông Kiêu nêu. Câu chuyện giao thông cũng khiến việc kết nối hồ Văn với khu nội tự trở nên phức tạp hơn. Trước đây con đường Quốc Tử Giám chạy qua cửa Văn Miếu không có, nay thành trục giao thông quan trọng và dường như không thể biến thành khu vực đi bộ được. Nỗi sợ hãi giao thông khi sang đường của du khách quốc tế cũng khiến các nhà quy hoạch đau đầu khi nghĩ tới giải pháp kết nối Văn Miếu với Bảo tàng Mỹ thuật ngay sau lưng. Khách đến Văn Miếu rất đông, điểm bảo tàng phía sau lại vắng tanh.
Không cần chờ tới quy hoạch tổng thể, trước đó nhiều chuyên gia nghĩ tới giải pháp bãi đỗ xe ngầm và bảo tàng ngầm ở Văn Miếu. Đó là giải pháp duy nhất phù hợp với di tích này, bởi không thể có công trình mới nào mọc lên trong di tích. Ý tưởng mở bảo tàng ngầm góp phần hiện thực hóa phương án phát huy giá trị Văn Miếu gắn với các hoạt động văn hóa khoa học và giáo dục liên quan, trong đó có ý tưởng khôi phục và mô phỏng các khoa thi cử thời xưa.
Nhiều việc có thể làm ngay chứ không cần chờ đợi xây dựng đề án Quy hoạch tổng thể Văn Miếu-Quốc Tử Giám. Ảnh: Toan Toan.
LÀM GÌ VỚI HỒ VĂN?
Với khu vực hồ Văn đối diện cổng chính Văn Miếu, Hà Nội từng dự định khôi phục phương đình tại gò Kim Châu. Viện Bảo tồn Di tích thời đó từng khảo sát và có bản vẽ kèm theo năm 1998. Tuy nhiên để phù hợp với thời điểm hiện tại, đại diện Trung tâm Văn Miếu nói rằng cần khảo sát và đánh giá lại, việc này do Viện Bảo tồn Di tích đảm trách. Theo Trung tâm, có đầy đủ cơ sở thực hiện đề án này bởi Đại Việt sử ký có nhắc đến phương đình ở gò Kim Châu là nơi dành cho nho sĩ bình thơ. “Sau khi đơn vị tư vấn khảo sát xong, Sở VHTT có cơ sở xin chủ trương đầu tư nếu được thành phố chấp nhận Sở sẽ lập báo cáo kinh tế kỹ thuật và bản vẽ kèm theo. Tuy nhiên trong lúc chờ đợi chúng tôi vẫn cố gắng tổ chức nhiều hoạt động hơn ở khu vực hồ Văn”, ông Kiêu nói. Trước mắt Trung tâm đã sửa lại cổng hồ Văn thành trục đối xứng với cổng chính nội tự Văn Miếu, có thể sau này đề xuất dùng vật liệu khác biệt để du khách dễ nhận diện hai khu vực này là khối thống nhất về mặt thị giác.
Khu vực hồ Văn sau thời gian dài bị xâm hại đã được xây tường bao xung quanh. Tại gò Kim Châu ở giữa hồ gần đây mọc lên miếu thờ, là nơi một số người dân biến thành nơi thờ mẫu và lên đồng. Sau nỗ lực trả lại hiện trạng cho di tích, ông Kiêu cho biết hiện Trung tâm kéo thuyền đưa lên bờ, người dân đồng thuận không có hoạt động nào ở gò Kim Châu nữa. Nếu trước đây khu vực hồ Văn gần như bị buông bỏ, nay trở thành nơi tổ chức hoạt động của Văn Miếu như hội chữ xuân, phiên chợ sách cũ và sắp tới có thể hội sách dịp 19/5, tết trung thu thậm chí có đơn vị còn đề xuất thực hiện nhiều chương trình văn hóa nghệ thuật hơn.
Đại diện Trung tâm khẳng định sẽ chọn lọc và cẩn trọng với các hoạt động tại Văn Miếu, sắp tới sẽ hoàn thành Quy chế hoạt động. “Sự kiện lớn do Văn Miếu tổ chức không nhiều, mới đây có hội chữ xuân, ngày Di sản Văn hóa Việt Nam, một số cuộc thi tìm hiểu về Văn Miếu của các trường. Còn lại chủ yếu sự kiện diễn ra do trung ương và thành phố tổ chức, Văn Miếu chỉ là địa điểm. IMV khuyến nghị Trung tâm phải là đơn vị tổ chức sự kiện đúng tầm và gắn với chức năng nhiệm vụ liên quan văn hoá khoa học và giáo dục. Chắc chắn trong thời gian tới chúng tôi cố gắng đa dạng hoạt động và hướng tới du khách”, ông Lê Xuân Kiêu nói.
Khuê Văn Các, biểu tượng của Thủ đô, đang chờ tu bổ. Ảnh: Toan Toan.
KHUÊ VĂN CÁC, BIA TIẾN SĨ XUỐNG CẤP
Trong lúc chờ đợi đề án quy hoạch tổng thể, ông Lê Xuân Kiêu khẳng định có những việc cấp bách với Văn Miếu cần làm ngay. “Một số hạng mục di tích xuống cấp, đó là Khuê Văn Các, Tam quan, điện Đại Thành, hệ thống tường gạch vồ xung quanh Văn Miếu, hồ Văn có đoạn phải chống bằng cột sắt, bị bung ra. Hệ thống bia tiến sỹ chịu sự tác động của môi trường, ô nhiễm không khí khiến chữ mờ dần đi”, ông Kiêu nói.
Trung tâm dự định trong năm 2017 có kế hoạch xin triển khai đề án bảo tồn bia tiến sĩ. Ngoài việc làm hàng rào ngăn người dân sờ đầu rùa và xâm phạm 82 bia tiến sỹ, Trung tâm tiến hành đề án số hóa và làm bảo tàng 3D di sản tư liệu thế giới này. Nhà nghiên cứu Trần Hậu Yên Thế là người tư vấn xây dựng đề án đánh giá Văn Miếu làm tốt theo hướng giải pháp đề ra. “Hiện nay nhóm thực hiện số hóa và dựng 3D xong hơn hai chục bia tiến sỹ. Nói gở mồm nếu có việc gì xảy ra chúng ta hoàn toàn có thể dựng lại bia tiến sỹ đúng như hiện nay về cả kích cỡ, hoa văn cũng như văn tự trên bia”, TS Yên Thế nói. Anh cũng nói thêm, việc bảo tồn số bia tiến sỹ này không dễ dàng, hiện tượng chữ bị mờ đã có từ trước do trải qua chiến tranh, mưa gió bởi trước đây không có nhà bia che mưa nắng như bây giờ.
Ngày 5/4 chúng tôi ghi nhận Khuê Văn Các hiện được khoanh vùng chờ tu bổ. Được biết năm 2013 từng có đề án trùng tu Khuê Văn Các nhưng chưa thực hiện được, vừa rồi Văn Miếu mới quét vôi bốn cột trong khi một số dấu hiệu xuống cấp ở cấu kiện gỗ chưa có phương án khắc phục. “Đây là hạng mục gốc được xây dựng năm 1805, chúng tôi chờ đầy đủ thủ tục theo quy định pháp luật”, ông Kiêu nói. Năm 2013 từng có ý kiến hạ giải Khuê Văn Các để tu bổ, có ý kiến phản đối. TS Nguyễn Hồng Kiên, người có kinh nghiệm trùng tu di tích cho rằng hiện tượng xuống cấp Khuê Văn Các chưa đến mức phải hạ giải.
Đối với các hạng mục cần tu bổ, đại diện Trung tâm khẳng định sẽ thực hiện theo quy trình và lấy ý kiến các nhà chuyên môn. Ngoài các hạng mục này, cổng chính của Văn Miếu đang bong tróc, phù điêu cũng hư hại. Vừa rồi sau phản ứng của dư luận, lãnh đạo thành phố cho dừng quét vôi Tam quan nên công trình hiện khá nham nhở. TS Nguyễn Hồng Kiên cho rằng với hạng mục này cũng chỉ cần quét vôi lại. Ông nhắc lại, Văn Miếu cần tham vấn các nhà chuyên môn bởi không khó để có được màu vôi trầm hơn ngay thời điểm vừa quét xong.
Diện mạo Văn Miếu có một số cải thiện so với trước kia: Loại bỏ toàn bộ hoa giả, 12 con giáp bằng cây xanh, ghế đá và thùng rác kiểu công viên được thay thế bằng loại thiết kế riêng, phù hợp không gian. Khuê Văn Các và cổng chính được chiếu sáng lung linh hơn về đêm. Vỉa hè cũng được chỉnh trang để tạo hình ảnh thông thoáng, sạch sẽ hơn trong mắt du khách.