Chuyện “đời thường” của cây lê cô đơn nổi tiếng

0:00 / 0:00
0:00
TP - Mọi người vẫn gọi cây cổ thụ mùa xuân nở hoa trắng tưng bừng là “cây lê cô đơn”. Nhưng chủ của cái cây đẹp độc đáo này cho biết: Đó là cây mác cọt (hay còn gọi là mác cọp). Lê và mác cọt cùng họ nên người ta quen gọi là cây lê. Cây lê cô đơn nổi tiếng sau phim “Mắt biếc” của Victor Vũ, dựa theo tiểu thuyết cùng tên của Nguyễn Nhật Ánh.

Dạo ấy, trong khi nhiều bạn trẻ đổ xô chụp ảnh với cây cô đơn ở Huế thì một thời gian sau ở xóm Bản Chuồng, xã Xuân Trường, huyện Bảo Lạc, Cao Bằng nổi lên cây lê cô đơn trên cánh đồng.

Mọc trên bờ ruộng, đã 50 tuổi

Mùa xuân miền biên viễn đẹp mộng mơ, hoa đua nhau khoe sắc. Bây giờ đã sang tháng 3 hoa đào vẫn thắm thiết trên những triền đồi, những loài hoa trắng như tuyết vẫn chưa tàn hết… Nhưng cây lê cô đơn ở xã Xuân Trường, huyện Bảo Lạc vẫn khiến du khách gần xa ngẩn ngơ. Xuân Trường vốn nổi tiếng với lê, mác cọt. Trong dân gian từng lưu truyền câu: “gái Đông Khê, lê Bảo Lạc”. Vài năm nay cây lê cô đơn là địa điểm “check in” được yêu thích không chỉ của bạn trẻ trong huyện, trong tỉnh mà của du khách khắp nơi lên thăm miền biên viễn.

Chuyện “đời thường” của cây lê cô đơn nổi tiếng ảnh 1

Những người sống trong ngôi nhà sàn trăm tuổi này đang được giao trông giữ mảnh ruộng có cây lê

Thạc sỹ Mông Thị Xuyến, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp huyện Bảo Lạc cho biết: “Cây mác cọt này có tuổi đời ước chừng 50 năm”. Thạc sỹ Xuyến kết nối cho chúng tôi gặp chủ nhân của cây lê cô đơn nổi tiếng. Bà Mông Thị Nga ở tổ dân phố 4, thị trấn Bảo Lạc, huyện Bảo Lạc vui vẻ tiếp chuyện phóng viên. Bà cũng không biết cây lê cô đơn ấy đích thực do ai trồng: “Tôi chỉ biết, trước đây đám ruộng này có người làm nhà ở đó. Chính họ trồng, còn cụ thể là ai, tôi không rõ”. Bà Nga xác nhận tuổi của cây lê cô đơn như lời của thạc sỹ Xuyến, 50 tuổi: “Bởi thời người ta dựng nhà là thời còn hợp tác xã. Sau khi tan hợp tác tôi lấy đất về, lúc ấy cây lê đã có rồi, nó mọc trên đất của tôi nên thành của tôi”.

Bà Nga sống ở thị trấn lại bận rộn kinh doanh nên đã trao đám ruộng có cây lê nổi tiếng cho người nhà ở xã Xuân Trường, huyện Bảo Lạc canh giữ: “Cây lê sống trong lặng lẽ mấy chục năm nay không ai để ý. Mấy năm nay bỗng nhiên nổi tiếng, khắp nơi kéo đến nhăm nhăm chụp ảnh”. Chúng tôi hỏi bà Nga có ý định trồng thêm vài cây lê nữa trên đám ruộng mà bà sở hữu không? Bà cười: “Không. Bờ ruộng chỉ trồng một cây, để nó cô đơn thế mới đẹp và nổi tiếng”. Cả nhà bà Nga đều tự hào về cây lê (đích thực là cây mác cọt, gọi theo tiếng Tày Cao Bằng. Quả mác cọt nhỏ hơn quả lê, thường ướp trước khi sử dụng) nhưng họ ít có thời gian đến thăm cây: “Năm kia tôi có đến thăm. Nó to, cao, gốc nó to bằng cái xô nhỡ rồi”, bà Nga kể.

Sẽ có lễ hội hoa lê

Một vài kênh YouTube quảng cáo: Ở Xuân Trường còn rất nhiều cây lê cổ thụ như cây lê cô đơn mọc giữa cánh đồng. Nhưng theo thạc sỹ nông nghiệp Mông Thị Xuyến thì những cây lê cổ thụ ở Xuân Trường nói riêng, các xã khác ở huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng nói chung không còn nhiều: “Một số xã khác còn 7-8 cây. Còn ở xã Xuân Trường còn khoảng 6-7 cây”. Thạc sỹ Xuyến giới thiệu, trong một ngôi làng ở huyện Bảo Lạc có một hộ còn một cây lê trên 50 tuổi. Bà Minh Huyền, công tác tại Sở Y tế Tỉnh Cao Bằng cho biết: “Một lần đi công tác vào huyện Bảo Lạc tôi thấy một cây lê cổ thụ rất đẹp. Người dân ở đây kể, cây lê này đặc biệt ở chỗ cho hoa trái quanh năm”. Bà Huyền nói vui: Nhưng cây lê đó chưa được cư dân mạng phát hiện, nó lại không sống cô đơn giữa cánh đồng như cây lê của bà Nga nên chưa có cơ hội nổi tiếng.

Chuyện “đời thường” của cây lê cô đơn nổi tiếng ảnh 2

Khau Cốc Chà cách cây lê cô đơn chỉ vài cây số

Bà Mông Thị Nga tự tin: Cây lê cô đơn sẽ sống rất lâu. Vì bà đã thấy nhiều cây cổ thụ có tuổi đời cao. Bà Nga cũng chia sẻ thật thà, gia đình chưa có kế hoạch chăm sóc, bảo vệ cây: “Bao lâu nay nó vẫn tự lớn lên thì cứ để nó sống tự nhiên thôi”. Theo thạc sỹ Mông Thị Xuyến, không có cây nào không chăm sóc vẫn trường thọ: “Cây lê, cây mác cọt có thể sống trên 60 tuổi nhưng nếu không có sự chăm sóc thì chúng sẽ tự già cỗi và chết”. Bà Xuyến lý giải về sức sống của cây lê cô đơn, dù không được chăm sóc: “Nó sống khoẻ do thích hợp với khí hậu, thổ nhưỡng, trong quá trình phát triển không có sâu bọ tấn công, cây to như vậy thì bộ rễ khoẻ, hút dinh dưỡng tốt”. Năm nay cây lê cô đơn ra hoa trắng thắp sáng cả cánh đồng, núi non nhưng vài du khách phàn nàn, có năm họ cũng tìm đến xóm Bản Chuồng, xã Xuân Trường nhưng không thấy cây lê cô đơn nở hoa. Thạc sỹ Xuyến cười: “Cây lê cổ thụ không phải năm nào cũng ra hoa, nếu không được chăm sóc. Nó cần 1-2 năm huy động dinh dưỡng mới có thể ra hoa được”.

Chuyện “đời thường” của cây lê cô đơn nổi tiếng ảnh 3

Cây lê cô đơn giữa cánh đồng

Bà Mông Thị Nga cũng có ý định thu vé của những người muốn chiêm ngưỡng, chụp ảnh với cây lê: “Cây lê này đã nở gần tháng, từ tháng giêng đến tận bây giờ. Bây giờ cũng sắp tàn rồi nên năm nay không thu vé. Nhưng từ năm sau vào mùa hoa nở sẽ cho người đứng đó thu tiền vé”. Trên thực tế, có du khách đã “mách”: Họ chụp ảnh với cây lê cô đơn trong thời gian hoa sắp vào độ tàn và đã bị thu vé. 10 ngàn đồng/vé. Nhưng đoàn du khách đều vui vẻ trả tiền, không phàn nàn, mặc cả, bởi giá vé quá rẻ so với vẻ đẹp của cây lê giữa thiên nhiên khoáng đạt. Khi cây lê được nhiều tài khoản quay video đưa lên mạng xã hội đã nhận được vô số lời khen ngợi: “Đất nước Việt Nam đẹp quá”. “Lần đầu tiên thấy cây lê đẹp như vậy”… Có người Việt Nam đang sống ở nước ngoài còn hứa hẹn, năm sau về Việt Nam nhất định làm chuyến “phượt” đến xã Xuân Trường, huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng để “tự sướng” với cây lê cô đơn.

Phó Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Bảo Lạc tiết lộ: “Huyện đang có định hướng tổ chức lễ hội hoa lê vào năm sau”. Bà còn báo tin vui: “Cây lê cổ thụ của xã Xuân Trường, huyện Bảo Lạc đã được công nhận là cây đầu dòng đang được bảo tồn, nhân giống và phát triển”. Bà Nguyễn Thuỳ Linh, Phó Chánh Văn phòng huyện Bảo Lạc cũng xác nhận: “Từ năm 2020, Nghị quyết Đảng bộ huyện đã có chương trình trọng tâm phát triển nông lâm nghiệp, trong đó có bảo tồn cây lê”. Từ bây giờ những người thích hoa lê đã có thể nhắm mắt tưởng tượng về những vườn lê trắng tinh khôi bừng nở như trong truyện cổ tích. Trái lê của Xuân Trường lâu nay nổi tiếng bởi vị ngọt và hương thơm riêng biệt. Hiện nay lê Xuân Trường chưa đủ sản lượng để phục vụ người dân trong tỉnh, chưa nói về xuôi, chinh phục thị trường khó tính.

Cây lê cô đơn chỉ cách Khau Cốc Chà, dốc 15 tầng nổi tiếng, khoảng vài cây số, giao thông đi lại thuận tiện. Nhưng mùa đông, cây lê cô đơn cũng như muôn vàn cây khác, trơ trụi lá, bơ vơ giữa cánh đồng nên thường bị du khách cho vào vùng quên lãng. Đến xã Xuân Trường, huyện Bảo Lạc mùa xuân, ngoài Khau Cốc Chà và cây lê cô đơn, du khách còn được chiêm ngưỡng mùa lá đỏ. Phó Chánh Văn phòng huyện Bảo Lạc giới thiệu: “Những cây sâu sâu tạo nên mùa lá đỏ tuyệt đẹp ở Xuân Trường. Ngay Trung tâm xã đã có mùa lá đỏ”. Cây sâu sâu là loài cây quen thuộc của người Tày Cao Bằng, lá của nó được dùng làm xôi màu đen, tạo thành xôi đăm đeng (tiếng Tày, Đăm là màu đen; Đeng là màu đỏ).

Những vùng đất thiên nhiên xinh đẹp và hoang sơ bây giờ thường hút khách. Xã Xuân Trường không chỉ có cỏ cây, hoa lá núi non rung động lòng người, ở đây còn có những ngôi nhà sàn tuổi đời trăm năm. Người dân trước đây chưa để ý đến nguồn tài sản vô giá mà họ đang thụ hưởng. Nhưng hiện nay, khi lượng khách đến Xuân Trường ngày càng đông, nhiều người dân đã có hướng phát triển du lịch cải thiện đời sống. Ngay gần cây lê cô đơn đã thêm vườn hoa cải phục vụ du khách “sống ảo”. Ở đây đã bắt đầu xuất hiện 1-2 homestay.

Xuân Trường còn có di tích lịch sử đồn Đồng Mu. Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân được thành lập ngày 22/12/1944. Hai ngày sau, 24/12, những người lính của đội đã đánh trận đầu tiên chiếm Đồn Phai Khắt. Trận đánh thứ ba của Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân chính là đồn Đồng Mu. Trong trận đánh này, chiến sĩ Hoàng Văn Nhủng (bí danh Xuân Trường) đã hi sinh. Quân sự Việt Nam công nhận ông là liệt sĩ đầu tiên của quân đội.

MỚI - NÓNG