Lựa chọn đầy thách thức
Nhìn lại việc chuyển đổi số của Tổng Công ty Điện lực TPHCM (EVNHCMC), ông Luân Quốc Hưng, Phó Tổng giám đốc EVNHCMC cho rằng, nếu không thật sự có quyết tâm cao độ trong chuyển đổi, kiên trì chấp nhận đối mặt khó khăn trong nhiều năm, sẽ không có sự chuyển dịch mạnh mẽ trong ngành điện như hiện nay.
Theo ông Hưng, việc chuyển đổi số đang tạo sự chuyển dịch rất lớn trong quản lý, vận hành doanh nghiệp. Bên cạnh những áp lực chuyển đổi về tư duy, mô hình quản trị, vận hành, doanh nghiệp cũng được lợi không ít khi ‘nhàn hơn’, sâu sát hơn trong việc đánh giá hiệu quả của từng cá nhân, bộ phận.
Chuyển đổi số đã giúp nâng cao hiệu quả kinh doanh của EVN và các đơn vị ngành điện |
“Đối với tổng công ty phân phối, công tác quản lý mất điện rất quan trọng. Trước năm 2010, công tác quản lý mất điện được EVNHCMC quản lý trên file excel rất thủ công. Giờ ngành điện TPHCM rất tự hào có một sản phẩm là chương trình quản lý mất điện được EVN xét duyệt và công nhận là sản phẩm Make by EVN. Với chương trình này, việc cung cấp điện, phát hiện mất điện, sửa chữa điện, quản lý cung cấp điện trên toàn TPHCM sẽ được thực hiện trực quan sinh động trên sơ đồ đơn tuyến. Ngoài ra, kết hợp với hệ thống tự động hóa, thiết bị được giám sát điều khiển, công tơ đo đếm thông minh để truyền dữ liệu về chương trình này. Qua đó, ngành điện có thể giám sát được tình hình cung cấp điện trên toàn địa bàn thành phố 24/7”, ông Luân cho hay.
Việc ứng dụng công nghệ trong sản xuất, kinh doanh giúp ngành điện phát hiện được ngay lập tức các bất thường trên đường dây, rút ngắn thời gian xử lý sự cố |
Theo bà Nguyễn Ngọc Tường Vi, Phó ban Kinh doanh EVNHCMC, chuyển đổi số trong sản xuất, kinh doanh đến nay đã đem lại những lợi ích lớn với người sử dụng điện ở TPHCM. Người dùng điện giờ đã có thể đăng ký dịch vụ, thanh toán, truy cập thông tin trực tuyến mọi lúc mọi nơi. Khách hàng chỉ cần gọi điện, ngồi nhà hoặc bất cứ đâu có internet để vào mạng đưa yêu cầu là lập tức có người của ngành điện liên hệ, đến tận nơi hoàn tất thủ tục chỉ trong vòng vài giờ làm việc. Người dân cũng không còn phải vật vã khi yêu cầu các dịch vụ đo đếm, cung cấp hóa đơn, thông báo thu, nộp tiền điện như trước đây khi ngành điện đã dùng trí tuệ nhân tạo, chatbot để giải đáp thông tin nhanh chóng 24/7 cho khách hàng.
Ở khía cạnh kinh doanh, theo bà Vi, hiệu quả đơn giản nhất của việc chuyển đổi số chính là các ứng dụng công nghệ trong quản lý, phân tích hoạt động của các khách hàng của ngành điện đã giúp đơn vị nắm, phân tích được khách nào có thể có nguy cơ nợ tiền điện, khách hàng nào dùng điện không hợp lý, ngành điện cần cải tiến quy trình, thủ tục ra sao để đáp ứng yêu cầu của khách hàng một cách nhanh, hiệu quả nhất.
“Với việc dùng trí tuệ nhân tạo để phân tích, chúng tôi có thể phát hiện khách hàng sử dụng điện năng tăng vọt bất thường bất cứ lúc nào. Nếu khách hàng nào dùng điện tăng quá 20% so với tháng trước là lập tức điện lực gửi cảnh báo cho khách hàng để theo dõi, điều chỉnh. Công nghệ AI còn giúp chúng tôi phát hiện nhiều trường hợp đào Bitcoin trên địa bàn thành phố. Với nhân viên ngành điện TPCHM, việc chuyển đổi số cũng giúp đơn vị giám sát được luồng công việc của cán bộ, công nhân viên hàng ngày, hàng giờ”, bà Vi cho hay.
Khách hàng của EVNHCM có thể thực hiện nhiều giao dịch về điện chỉ thông qua một yêu cầu gửi qua app |
Với ngành điện cũng như nhiều ngành khác, theo ông Luân, dữ liệu khách hàng, nhu cầu tiêu thụ điện, khả năng đáp ứng dịch vụ.... nếu không phân tích thì cũng chỉ là những ‘con số chết’ nằm trên server. Nhưng khi được sự tiếp sức từ công nghệ, các dữ liệu kết hợp với nhau sẽ cho tổng công ty và các đơn vị thành viên biết hiệu quả cần đầu tư, sửa chữa, đổi mới quy trình ra sao thay vì công nhân, người quản lý phải lọ mọ đi tra soát một cách thủ công như trước đây. Những việc này chỉ là một góc độ rất nhỏ trong hành trình chuyển đổi số vì khách hàng của EVN, EVNHCM cùng nhiều các đơn vị khác của ngành điện đang làm nhiều năm qua.
“Chuyển đổi số phải tính toán rất kỹ từng bước thực hiện. Đầu tư thế nào, tiến độ ra sao cho hiệu quả để tránh tình trạng đầu tư nhưng sử dụng không hết. Nói chung, muốn làm gì thì làm, phải có hiệu quả thì mới gọi là chuyển đổi số thành công. Chúng tôi đặt mục tiêu, làm sao đến 2025 là công ty điện lực chuyển đổi số có tầm ảnh hưởng trong khu vực”, ông Luân nói.
Tốc độ triển khai chuyển đổi số tại EVN nhanh hơn dự kiến
Ông Trần Đình Nhân, Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho hay, đến nay chuyển đổi số ở EVN đã chuyển từ nhận thức thành hành động. Hầu hết hoạt động chính của tập đoàn đã được đưa lên môi trường số ở các mức độ khác nhau. Trong công tác quản lý kỹ thuật, EVN đã chuẩn hóa cơ sở dữ liệu trên hệ thống quản lý kỹ thuật PMIS; áp dụng phương pháp RCM, CBM trong quản lý sửa chữa, bảo dưỡng để tăng cường hiệu quả; ứng dụng trí tuệ nhân tạo để phát hiện bất thường trong hoạt động sản xuất…
Đặc biệt, theo ông Nhân, công tác kinh doanh và dịch vụ khách hàng cũng đã được ứng dụng mạnh mẽ công nghệ số: tỷ lệ thanh toán tiền điện không dùng tiền mặt đạt gần 95%; tỷ lệ giao dịch qua môi trường trực tuyến đạt trên 99%. EVN cũng đã áp dụng hóa đơn điện tử, cung cấp các dịch vụ điện trực tuyến cấp độ 4, giúp khách hàng có thể kết nối với dịch vụ điện mọi lúc, mọi nơi, 24/7.
Trong đầu tư xây dựng, tập đoàn đã tạo ra môi trường làm việc giữa chủ đầu tư, tư vấn và nhà thầu thông qua nhật kí thi công công trình điện tử và chữ ký điện tử; ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong giám sát xây dựng, kiểm tra chất lượng và kiểm soát nhân lực thi công; ứng dụng quản lý xây dựng qua hệ thống BIM, khảo sát 3D… Có thể nói, quá trình chuyển đổi số tại EVN trong một năm qua đã đi nhanh hơn dự kiến.
“Chuyển đổi số là quá trình có thể nói là có bắt đầu mà không có kết thúc. Do vậy, EVN không đặt vấn đề ”cán đích”. Tuy nhiên, tôi tin tưởng rằng, năm 2022, về cơ bản các hoạt động chính của EVN sẽ được chuyển đổi số và năm 2025, về cơ bản EVN sẽ hoàn thành chuyển đổi số một cách toàn diện”, ông Nhân cho hay.