Chuyển đổi số ở EVNNPC: Tăng tiện ích cho khách hàng, giảm chi phí cho doanh nghiệp

0:00 / 0:00
0:00
Khối lương tài sản lớn và được đầu tư từ lâu đời với công nghệ cũ; số lượng khách hàng nông thôn, miền núi lớn… là những thách thức không nhỏ của Tổng công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC) trên hành trình chuyển đổi số. Thế nhưng, EVNNPC đã và đang vượt qua mọi thử thách, từng bước số hóa trên mọi lĩnh vực hoạt động, với mục đến năm 2022 cơ bản trở thành doanh nghiệp số.

Tăng năng suất, hiệu quả

Bà Đỗ Nguyệt Ánh – Chủ tịch HĐTV EVNNPC chia sẻ, EVNNPC đã bắt đầu thực hiện chuyển đổi số từ hơn một năm nay, với nhiệm vụ số hóa quy trình nghiệp vụ: số hóa tất cả các dữ liệu đầu vào từ dữ liệu tài sản, trang thiết bị, hồ sơ, sổ sách, chứng từ; từ dữ liệu về CBCNV đến khách hàng…

Vượt qua rất nhiều khó khăn, thách thức, đến nay, EVNNPC đã gặt hái được những thành công bước dầu trong việc số hóa các quy trình nghiệp vụ, góp phần minh bạch hóa, nâng cao tính liên kết của các chu trình công việc.

Chuyển đổi số ở EVNNPC: Tăng tiện ích cho khách hàng, giảm chi phí cho doanh nghiệp ảnh 1

Chuyên viên phòng tài chính kế toán Công ty Điện lực Thái Nguyên (đơn vị trực thuộc EVNNPC) đang áp dụng thực hiện quy trình giải ngân

Điển hình, việc số hóa quy trình kinh doanh đã giúp Tổng công ty tiết kiệm hàng chục tỷ đồng và hàng nghìn ngày công mỗi năm. Trong đó, riêng việc số hóa quy trình thay công tơ định kỳ đã giúp EVNNPC tiết kiệm khoảng 3,5 tỷ đồng/năm chi phí in ấn biên bản treo tháo. Đồng thời, với khối lượng biên bản treo tháo hàng năm khoảng 1,8 triệu biên bản, Tổng công ty có thể tiết giảm được gần 7.000 ngày công nhờ bỏ khâu cập nhật thông tin treo tháo từ biên bản giấy vào CMIS (thay vào đó sẽ cập nhật trực tiếp trên thiết bị điện tử và đồng bộ tự động vào hệ thống CMIS); không phải bố trí nhân công in ấn biên bản treo tháo.

EVNNPC cũng là đơn vị tiên phong của ngành Điện trong việc số hóa quy trình nghiệp vụ lĩnh vực tài chính kế toán, mang lại hiệu quả thiết thực trong quản trị doanh nghiệp. Riêng quy trình giải ngân, trước đây để hoàn thành một bộ hồ sơ từ đơn vị đến Tổng công ty thường mất từ 10 - 14 ngày thì hiện nay chỉ mất từ 6 - 7 ngày.

Đó là chưa kể, việc số hóa quy trình còn tiết kiệm được chi phí in ấn tài liệu, chi phí đi lại giữa đơn vị với Tổng công ty, nhất là các đơn vị ở xa trụ sở Tổng công ty như Hà Tĩnh, Nghệ An, Hà Giang… Số hóa quy trình cũng góp phần xóa bỏ khoảng cách giữa các ban/đơn vị khi tạo ra nền tảng kết nối giữa các phòng ban nhờ hệ thống Big Data. Các mẫu hợp đồng, tờ trình, niên bản sử dụng thống nhất có mã hóa văn bản, hình thức thống nhất đã tăng tính chuyên nghiệp, giảm thiểu rủi ro pháp lý khi tranh chấp do đã có sự kiểm soát văn bản.

Chuyển đổi số ở EVNNPC: Tăng tiện ích cho khách hàng, giảm chi phí cho doanh nghiệp ảnh 2

Bà Đỗ Nguyệt Ánh - Chủ tịch Hội đồng thành viên EVNNPC

Tiện ích cho khách hàng

Đến nay, EVNNPC đã cung cấp 100% dịch vụ điện cấp độ 4; phát triển các kênh chăm sóc khách hàng online như: Tổng đài, APP CSKH trên điện thoại di động, website… Qua đó, vừa giúp khách hàng tiết kiệm chi phí đi lại vừa có thể tiếp cận quy trình cung cấp dịch vụ điện một cách rõ ràng, công khai, minh bạch và giám sát được quá trình thực hiện của ngành Điện.

Đến hết tháng 9/2021, EVNNPC cũng đã chuyển đổi số được 8,45 triệu hợp đồng mua bán điện, đạt 91% kế hoạch. Dự kiến, tháng 11/2021, Tổng công ty sẽ số hóa thành công 100% hợp đồng mua bán điện, vượt kế hoạch đề ra. Việc số hóa hợp đồng mua bán điện giúp khách hàng có thể dễ dàng tra cứu hợp đồng trên nền tảng Internet, đảm bảo công khai, minh bạch; đồng thời từng bước thay đổi thói quen, giúp khách hàng làm quen với việc sử dụng các dịch vụ trực tuyến của ngành Điện trên môi trường số. Với ngành Điện, việc số hóa đã giải phóng kho lưu trữ hồ sơ hợp đồng bằng giấy tại các Điện lực, tiết kiệm chi phí bảo quản, quản lý hồ sơ; giảm chi phí, nhân công triển khai, tiết kiệm hơn 10,5 tỷ đồng.

Tổng công ty đã thay thế và chuyển đổi dần công tơ cơ khí thành công tơ điện tử. Đến nay, số lượng công tơ điện tử trên lưới điện đã đạt khoảng 6,1 triệu công tơ, chiếm gần 60% số công tơ hiện có. Tổng công ty phấn đấu hoàn thành lắp đặt 100% công tơ điện tử vào năm 2024. Việc áp dụng công tơ điện tử giúp EVNNPC nói riêng, ngành Điện nói chung cung cấp dịch vụ tốt hơn cho khách hàng. Đặc biệt, khách hàng có thể giám sát được sản lượng điện tiêu thụ hàng ngày, từ đó có sự điều chỉnh trong sử dụng điện cũng như phát hiện kịp thời những bất thường nếu có.

Không chỉ có vậy, EVNNPC cũng đã ứng dụng mạnh mẽ thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, công nghệ số vào công tác quản lý và vận hành lưới điện như: Xây dựng và đưa vào vận hành 27 trung tâm điều khiển xa tại 27 Công ty Điện lực; Hoàn thành Trung tâm Trung tâm giám sát và thu thập dữ liệu 20 Trần Nguyên Hãn, thu thập dữ thu thập dữ liệu từ của các TBA 110kV; xây dựng trạm biến áp kỹ thuật số; ứng dụng CNTT trong sửa chữa theo phương pháp CBM cho các TBA 110kV; sửa chữa điện hotline; ứng dụng điều khiển xa, tự động hóa lưới điện… Qua đó, góp phần giảm tổn thất điện năng, nâng cao độ tin cậy cung cấp điện, giảm tối đa các sự cố, giảm thời gian mất điện cho khách hàng.

Trong các tổng công ty phân phối thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam, có thể nói EVNNPC là đơn vị gặp khó khăn lớn nhất trong quá trình chuyển đổi số, do phần lớn hệ thống lưới điên được đầu tư từ lâu với công nghệ cũ, không hỗ trợ quá trình chuyển đổi số; số lượng khách hàng nông thôn, miền núi lớn nên vẫn chưa hình thành thói quen sử dụng các dịch vụ trên nền tảng số.

“Khó khăn, thách thức là rất lớn, nhưng nếu không thực hiện nhanh, chúng tôi sẽ chậm chân trong việc cải tổ chính bản thân mình cũng như chậm chân trong việc cung cấp những dịch vụ, trải nghiệm cho khách hàng. Chính vì vậy, Tổng công ty đã lập ra kế hoạch rất chi tiết cho từng tháng, từng quý, với mục tiêu, đến cuối năm 2022, cơ bản trở thành doanh nghiệp số, mang đến cho khách hàng những dịch vụ điện tốt nhất”, Chủ tịch HĐTV EVNNPC Đỗ Nguyệt Ánh chia sẻ.

Chủ tịch HĐTV EVNNPC cho hay, EVNNPC xác định, chuyển đổi số không phải là đích đến, mà là một quá trình liên tục và phát triển theo từng giai đoạn bằng cách mở rộng phạm vi hoặc nâng cao, cải tiến hơn ở một cấp độ mới. Và trên hành trình đó, yếu tố quyết định thành công là người đứng đầu mỗi đơn vị phải vào cuộc quyết liệt, trực tiếp tìm hiểu, chịu trách nhiệm và hiểu rõ cần phải chuyển đổi số ở lĩnh vực nào, vướng mắc ở đâu,... để từ đó có những quyết định kịp thời.

MỚI - NÓNG
Công an Phú Yên dồn toàn lực đảm bảo an toàn cho Tiền Phong Marathon 2024
Công an Phú Yên dồn toàn lực đảm bảo an toàn cho Tiền Phong Marathon 2024
TPO - Trao đổi với PV báo Tiền Phong, Đại tá Nguyễn Khoẻ - Phó Giám đốc Công an tỉnh Phú Yên, cho biết: "Tất cả các lực lượng Công an tỉnh Phú Yên đã sẵn sàng làm nhiệm vụ nhằm đảm bảo an ninh trật tự, bảo vệ an toàn cho các du khách đến địa phương và vận động viên tham gia Giải Vô địch Quốc gia Marathon và cự ly dài Báo Tiền Phong lần thứ 65 - năm 2024".