Chuyện đời ly kỳ của cao thủ võ thuật Đỗ Hy Sinh

0:00 / 0:00
0:00
Ông Đỗ Hùng, người cháu ruột đang thờ võ sĩ Đỗ Hy Sinh (cùng tác giả bài viết - trái) ảnh: Văn Chương
Ông Đỗ Hùng, người cháu ruột đang thờ võ sĩ Đỗ Hy Sinh (cùng tác giả bài viết - trái) ảnh: Văn Chương
TP - Ông Đỗ Hy Sinh, quê ở Quảng Ngãi là võ sĩ nổi tiếng ở Đông Dương trước 1945. Vợ ông là nữ võ sĩ Phan Thị Phi Yến, quê ở tỉnh Quảng Nam. Bà là người từng nuôi 3 người con của Hoàng thân Lào Xu - Pha - Nu - Vông, là tấm gương được ví như “bà Trưng, bà Triệu” thời Tổng khởi nghĩa.

Trong những cuộc phỏng vấn với những nhân chứng cách đây hơn 10 năm của tôi, các cụ già đã kể về Đỗ Hy Sinh là một võ sĩ gây kinh hoàng cho các võ sĩ người Pháp. Bởi ông là võ sĩ kiêm đại lực sĩ.

Sàn đấu 80 năm trước

Thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa năm 1943, người đến sân bãi chật cứng để xem cuộc thi đấu giữa một võ sĩ quá nổi tiếng thời bây giờ, đó là ông Đỗ Hy Sinh, quê ở tỉnh Quảng Ngãi. Ông Sinh vốn nổi tiếng, nhưng lần này thi đấu với võ sĩ người Pháp là Donac Tino, nên người hâm mộ càng mong ông chiến thắng, lấy danh dự cho người Việt Nam. Donac Tino vừa đánh bại các cao thủ người Cao Miên tại Đà Lạt và người ta cho rằng, phải gặp Đỗ Hy Sinh thì mới xứng cặp bài trùng, hổ báo giao chiến.

Nhắc đến cái tên Đỗ Hy Sinh, giới thanh niên thời đó thường nhắc đến phòng tập Salle Cullture Physique của ông ở TP Nha Trang và lúc nào cũng đông kín võ sinh đến tập luyện. Đại tá cựu binh Đỗ Anh Tịnh là người được tôi phỏng vấn về võ sĩ Đỗ Hy Sinh cách đây gần 10 năm, khi ông Tịnh ở tuổi 91. “Đỗ Hy Sinh là thần tượng của tôi và giới trẻ thời đó”, ông Tịnh tâm sự.

Theo hồi ức của ông Tịnh, võ sĩ Đỗ Hy Sinh cao khoảng 1,67 mét, cân nặng gần 70 kg. Trong đêm so găng với võ sĩ người Pháp, ông Sinh bất lợi ở chiều cao so với đối phương. Hiệp 1 diễn ra nóng bỏng, người xem nín thở khi chứng kiến hai bên tung đòn trả miếng, vừa thăm dò, vờn nhau.

Những cú lắc đầu, ngửa người để né đòn đánh của Đỗ Hy Sinh dường như khiến võ sĩ người Pháp có lúc mất kiên nhẫn nên để lộ ra phần cằm. Khán giả ồ lên khi gần hết hiệp lại được chứng kiến cú đia-réc như sấm chớp của Đỗ Hy Sinh hất võ sĩ người Pháp phải co người trong góc sàn đài chống đỡ.

Chuyện đời ly kỳ của cao thủ võ thuật Đỗ Hy Sinh ảnh 1

Nhà báo, nhạc sĩ Đỗ Trí Dũng, con trai của cặp đôi võ sĩ nổi tiếng thời Pháp thuộc Đỗ Hy Sinh - Phan Thị Phi Yến (chụp năm 2011). Ảnh: Văn Chương

Sang hiệp đấu thứ 3, nhiều người bình luận việc Đỗ Hy Sinh chắc chắn sẽ hạ võ sĩ Tây lông, vì ông luôn gạt được quyền của đối phương, tránh né và ra đòn chính xác. Trận đấu cuối cùng nghiêng hẳn về Đỗ Hy Sinh sau khi võ sĩ người Pháp hai lần chới với và “dính” 5-6 cú đấm móc.

Sau khi trọng tài tuyên bố võ sĩ Đỗ Hy Sinh chiến thắng khán đài lại thêm một phen “bốc lửa” bởi người em trai của Đỗ Hy Sinh là võ sĩ Đỗ Đình Quý tiếp tục thượng đài. Cả sân bãi dậy sóng bởi vì ông Quý không gây bão táp như ông Sinh, nhưng lối đánh mềm mại. Ông được ban tổ chức bình chọn là võ sĩ có lối đánh đẹp nhất trong đêm thi đấu.

Đánh võ tuyển chồng

Thời Pháp thuộc, ở Trung kỳ có những võ sĩ nổi tiếng là Châu Long, Đỗ Hy Sinh, Cao Thành Sang, Trọng Đài. Ở Nam kỳ có các võ sĩ Trần Xil, Xuân Bình, Từ Thiện, Thái Học Kỳ, Sáu Cường…

Thời đó, ở Quảng Nam cũng có một võ sĩ nổi tiếng là võ sĩ Hồ Cưu, quê ở huyện Điện Bàn. Có những câu chuyện quá lâu nên khó kiểm chứng rằng, ngay cả Hồ Cưu nổi tiếng lừng lẫy ở các sàn đấu tại Đà Nẵng, nhưng cũng không phải là đối thủ của Đỗ Hy Sinh.

Võ sĩ Bảo Truy Phong từng hạ gục võ sĩ La Fone vô địch nước Pháp. Nhưng trong lần giao hữu với Đỗ Hy Sinh, ông Phong thừa nhận thua người đồng hương ngay hiệp đầu, vì cú xoay người như bão táp cùng với đòn chỏ lật cắm ngay giữa trán của ông Phong.

Thời còn trẻ, khi ra Đà Nẵng thi đấu, ông Sinh đã gặp nữ võ sĩ Phan Thị Phi Yến, quê ở xã Đại Lãnh, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam. Giới võ sĩ kháo nhau rằng, bà Yến tuyên bố thách đấu và nếu chàng trai nào chưa có gia đình mà thắng được bà thì “em sẽ thuận lòng lấy chàng làm chồng”.

Không rõ hai bên có thượng đài để bà Yến thực hiện lời hứa hay không, nhưng sau đó bà đã về thi đấu và thăm Quảng Ngãi. Cha mẹ của ông Sinh lần đầu gặp con dâu tương lai ngỡ là… nam võ sĩ. Cho đến khi ông Sinh giới thiệu thì ông bà mới nhận ra.

Ông Sinh là con của ông bà Mười Phán (Đỗ Phán), quê ở làng Thu Xà, thuộc xã Nghĩa Hòa, TP Quảng Ngãi. Đây là một ngôi làng có nhiều thương thuyền ra vào buôn bán giống thương cảng Hội An. Làng Thu Xà là nơi có nhiều thương nhân người Hoa cư trú để kinh doanh các mặt hàng từ mía đường, quế.

Võ sĩ Lâm Quốc Nước, hiện sống tại xã Nghĩa Thuận, TP Quảng Ngãi kể lại, “Ông Sinh giỏi cả võ và nội công. Hồi nhỏ tôi đi xem thi đấu võ đài và đã tận mắt chứng kiến võ sĩ Đỗ Hy Sinh biểu diễn màn công lực bằng cách bẻ một phát là gãy cổ con trâu cho làng làm thịt. Đỗ Hy Sinh lúc bấy giờ quá nổi tiếng nên ai cũng thần tượng, tiếng vang khắp Đông Dương”.

Ông Đỗ Hùng, người cháu ruột đang thờ ông cho biết “không rõ ông Sinh học môn phái nào, thầy nào?”. Có thể ông Sinh lớn lên tại một ngôi làng từng được ví là thương cảng, nên có nhiều cơ hội giao lưu với những giang hồ, hiệp khách từng dừng chân sau chuyến hải trình dọc biển.

Năm 1938, đứa con trai đầu lòng của cặp đôi võ sĩ ra đời và được đặt tên là Đỗ Trí Dũng. Câu chuyện về Đỗ Hy Sinh giờ đây giống như màn sương mỏng, rất ít tư liệu còn lưu lại. Mười năm trước, tôi từng gặp nhạc sĩ Đỗ Trí Dũng và được ông mời về nhà và chỉ nói về niềm đam mê ca nhạc, từng là biên tập viên chương trình “Bông hoa nhỏ” trên Đài Truyền hình Việt Nam, sau đó chuyển về công tác tại Đài phát thanh và Truyền hình tỉnh Khánh Hòa.

Nội công thâm hậu

Ông Sinh là người học giỏi, từng được cha mẹ gởi ra Huế học tập nên có trình độ giao tiếp bằng tiếng Pháp rất tốt, từng trở thành công chức ngành hỏa xa ở ga Tháp Chàm tỉnh Ninh Thuận. Những nhân chứng từng biết về ông Sinh kể lại rằng, phần lớn thời gian ông chiêm nghiệm, tự tập võ, nội công; đi xem thi đấu quyền Anh và Võ tự do, thấy có đòn hay là ông Sinh về nhà rèn cho bằng được.

Người em trai là Đỗ Đình Quý xin học võ nhưng ban đầu ông nhất quyết không cho vì lo ngại cả hai anh em đều tham gia vào võ thuật khá nguy hiểm. Nhưng ông Quý vẫn quyết tâm học võ cho đến khi thành danh.

Ông Quý nổi tiếng vì được người hâm mộ gọi là “cao thủ một tay”. Vì ông bị tai nạn do lựu đạn nổ chỉ còn một cánh tay, nhưng ông vẫn không bỏ nghề võ, mà sáng tạo ra những đòn thế đối với người chỉ còn một tay, sau đó thượng đài thi đấu. Vì vậy cặp đôi Đỗ Hy Sinh, Đỗ Đình Quý trở thành thần tượng võ thuật của giới trẻ thời Pháp thuộc.

Đỗ Hy Sinh còn là người có khí công thâm hậu. Trong các hội chợ xuân, Đỗ Hy Sinh nằm lót tấm phản qua người, vận nội công để xe ô tô chạy qua. Đỗ Hy Sinh còn biểu diễn khả năng mình đồng, da sắt bằng cách cho chặt dao rựa vào bắp tay khiến nhiều người chứng kiến nhắm nghiền mắt vì sợ.

MỚI - NÓNG