1. Tem
Từ năm học lớp 6, tôi chơi tem. Góp nhặt linh tinh, được bao nhiêu cũng làm hỏng sạch vì dùng cơm nguội dán cả vào sổ. Những năm cuối đại học, tôi xin vào sinh hoạt tại Hội Tem thành phố Hà Nội, bắt đầu học chơi chuyên nghiệp. Một năm sau, tôi được đại diện cho các bạn trẻ tham gia triển lãm tem Thành phố 1999, rồi triển lãm tem Quốc gia năm 2000.
Lý lịch trích ngang • Tên đầy đủ: Trần Vương Việt |
Không được giải, nhưng hạnh phúc. Đợt triển lãm Thành phố vừa rồi (tháng 9/2004) tôi được chọn 2 bộ thì được giải cả 2. Bộ giải B Card Maxima (Bưu thiếp cực đại có dán tem giống hình).
Tìm hiểu thế giới loài thú tôi đang nâng cấp, dự định sẽ tham dự triển lãm tem Quốc gia tháng 9/2005 (5 năm tổ chức 1 lần). Cũng trong triển lãm này, tôi rất muốn được công bố bộ sưu tập mà tôi tâm đắc nhất: hơn 190 mẫu phong bì in sẵn tem Liên Xô năm 1982.
2. Tiền
Chơi muộn hơn tem một chút, vốn liếng khởi nghiệp cho “gia sản tiền” sau này của tôi là vài tờ tiền giấy cũ thời Việt Nam dân chủ cộng hòa serie 1958 của bà ngoại cho.
Ở Hà Nội, mà cả Việt Nam - hồi đó đến giờ vẫn chưa có Hội Tiền. Tôi tìm mua cuốn “100 năm tiền giấy Việt Nam” làm căn cứ sưu tập. Sưu tập gì cũng thế, có khi vứt đấy cả tháng, cả nửa năm mới thêm được một mẫu vào bộ sưu tập. Nhưng mà “mua được là được”, đã là nhà sưu tập thì luôn là chủ nợ và luôn là con nợ.
![]() |
10 xu "sinh 12" phát hành 1940 |
Tự hào nhất là đến giờ tôi có hơn 150 tờ gồm 8 mẫu đa sinh (các tờ tiền cùng loại có serie trùng nhau do lỗi in), mẫu nhiều nhất là “sinh 12”. Độc đáo hơn cả là bộ sưu tập tiền kim loại lỗ vuông hũ tảng, gồm 6 hũ, vại (tiền cổ chôn dưới đất mấy trăm năm bị kết dính còn giữ được vật liệu chứa chúng) và 3 tảng tiền (không còn dấu vết của chất liệu vật chứa). Trong đó tảng tiền kẽm độc đáo nhất, ở Việt Nam khó kiếm thêm một tảng tiền loại này nữa.
3. Huân huy chương, huy hiệu
Năm 2001 tôi bắt đầu mở cửa hàng mua bán trao đổi tem, tiền ở 9B Bà Triệu. Khi ấy tôi đang công tác tại NXB Từ điển Bách khoa Việt Nam. Để có thời gian quản lý cửa hàng, tôi xin thuyên chuyển từ phòng Tư liệu sang phòng Phát hành.
Cùng với việc cho ra đời website Tranvuongviet.net bộ sưu tập giàu lên đáng kể. Đến giờ, tôi đang sở hữu hơn 500 mẫu, giá trị nhất là Huân chương Sao vàng và bộ 3 Huân chương Quân công hạng nhất - nhì - ba.
Năm 2003, tôi mua được một chiếc mũ calô của Hồng quân Liên Xô trên có cài 20 chiếc huy hiệu và phù hiệu của 3 binh chủng mạnh nhất quân đội Xô Viết. Đó là một vật nguyên bản vô giá.
Từ tháng 5/2003, tôi chuyển hẳn cửa hàng về nhà riêng ở 214 Nguyễn Trãi.
4. Bộ sưu tập Chữ ký và con dấu lưu niệm
Năm 1998, tôi nảy ra ý định sưu tập chữ ký và con dấu lưu niệm của một số người có công trong sự nghiệp xây dựng và phát triển ngành Bưu điện Việt Nam. Tôi phải soạn thư trình bày, gửi kèm phong bì có sẵn tem với tên và địa chỉ của tôi đến các quan chức ngành Bưu điện trên cả nước.
Chẳng phải cứ thư đi là có thư lại, thường thì phải vài lần, có khi phải đợi đến nhiệm kì khác mới xin được. Thậm chí có lần tôi còn bị Bưu điện tỉnh Sơn La báo cho cơ quan công an đến điều tra nữa cơ! 7 năm, tôi có hơn 1000 mẫu, từ Tổng cục trưởng Tổng cục Bưu điện đến Chủ tịch Công đoàn Bưu điện của 60/61 tỉnh thành (chỉ còn tỉnh Bắc Ninh xin 8 lần chưa được) và giờ đang xin đến cấp quận huyện. Khi nào có 1500 mẫu, tôi sẽ xin công bố.
… Và ước mơ!!!
Việc buôn bán qua mạng Internet giúp ích tôi rất nhiều trong việc thoả mãn thú sưu tập. Với tấm Visa card mới làm, hiện nay tôi có thể thanh toán quốc tế rất thuận tiện. Đến giờ, hầu như không gì làm cho tôi vui hơn là làm giàu thêm cho những bộ sưu tập.
Ước gì đến một ngày nào đó, tôi sẽ có một cuộc triển lãm riêng, để được trưng bày tất cả bộ sưu tập cho công chúng thưởng thức. Ước gì tôi sẽ có 14 hũ tiền kim loại để trưng bày vừa chiếc tủ mới đóng ở nhà!!!