70 năm Ngày truyền thống Quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam tại Lào

Chuyện của một lính quân báo: Từng sát sau lưng trùm phỉ Vàng Pao

Ông Tăng Xuân Ngọc trở lại Sầm Nưa dịp kỷ niệm 60 năm Ngày truyền thống Quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam tại Lào
Ông Tăng Xuân Ngọc trở lại Sầm Nưa dịp kỷ niệm 60 năm Ngày truyền thống Quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam tại Lào
TP - Trong thời gian ở sở chỉ huy của Koongle, có không ít chuyện… Sĩ quan quân báo Tăng Xuân Ngọc có gặp một cô gái Pháp cùng cậu em. Cô tên là Jacqueline cậu em là Philip. Hai chị em là con của một quan chức làm cố vấn trước kia cho Thủ tướng XuvanaPhuma. Tại Paris, cô đã tham gia Đoàn TNCS Pháp. Hai chị em tâm sự nhiều với ông...

Hai chị em có nguyện vọng được sang Liên Xô học ở trường Đại học hữu nghị Lumumba.  Ngay hôm sau, ông điện về Bộ Ngoại giao và được đồng chí Nguyễn Cơ Thạch khi đó là Thứ trưởng trả lời rằng đồng ý và sau đó hai chị em về Hà Nội. Sau này cô lấy chồng là một sinh viên Ba Lan và có mấy lần hai chị em đã viết thư cho ông.

Trước khi về nước, một sự kiện khác được coi là nổi tiếng ở Viêng Chăn lúc đó là nhà vua Lào tổ chức gắn Huân chương Lạn xạng ( Triệu Voi) cho đồng chí Chu Huy Mân, Chính uỷ đoàn 959, đồng chí Lê Kích, đoàn phó và ông, Tăng Xuân Ngọc.  Thủ tướng Phuma đích thân trao. Kèm Huân chương là số tiền 200USD.  Huân chương Lạn xạng là phần thưởng cao quí của Vương quốc Lào. Người đeo Huân chương được miễn trừ hình sự nghĩa là khi chưa có ý kiến của nhà Vua thì bất kỳ cơ quan tư pháp nào cũng không được bắt giữ. Huân chương và tiền sau đó ông đều nộp lại cho cấp trên. Hiện nay Bảo tàng Quân đội đang trưng bày tấm Huân chương cao quí này!

Một vinh dự nữa với ông là được cử tham gia đón nhà vua Lào sang thăm hữu nghị chính thức nước ta theo lời mời của Hồ Chủ tịch. Bác Hồ ra tận cầu thang máy bay đón nhà vua, giới thiệu nhà vua Lào với những người ra đón.  Bài diễn văn chào mừng của Bác được người phiên dịch chuyển ngữ rất hay. Nhưng đến mấy câu thơ Bác ứng tác ngay lúc ấy Yêu nhau mấy núi cũng trèo. Mấy sông cũng lội mấy đèo cũng qua. Việt Lào hai nước chúng ta. Tình sâu hơn nước Hồng Hà Cửu Long thì người phiên dịch tên là Cảnh vốn là chỗ quen biết với ông Ngọc bỗng ngắc ngứ... Bác Hồ thoáng thấy ngay tình cảnh ấy, Người bèn cười vui vẻ với nhà vua Lào, có lẽ chả  phải dịch vì nhà vua đây thành thạo tiếng Việt. Sau này ông mới biết nhà vua Lào đã nhiều năm học ở trường bảo hộ Albert Sareaux!

Tình hình Lào lại tiếp tục bất ổn. Đầu năm 1964  xảy ra đảo chính lật đổ Chính phủ liên hiệp lần 2. Hoàng thân Phuma được Mỹ hậu thuẫn vẫn làm Thủ tướng. Theo yêu cầu của bạn, đoàn 959 lại được tập hợp để làm nhiệm vụ giúp bạn. Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh làm trưởng đoàn thay cho đồng chí Hoàng Sâm, Chu Huy Mân đi chiến đấu ở chiến trường B. Theo phân công, ông lại trở lại công việc quân báo. Lại những địa danh quen thuộc như  Nakhay, Sầm Nưa, Xiêng Khoảng, Cánh đồng Chum...

Kết thúc giai đoạn bám trụ quét phỉ ở Bắc đường 7, trở về nước ông lại khoác ba lô cùng một tổ công tác đặc biệt của đoàn 959 từ Hà Nội xuyên qua tuyến lửa khu Bốn mà địch đang đánh phá ác liệt để bắt đầu vượt Trường Sơn sang Lào. Tuyến đường  Trường Sơn đoạn qua đất Lào của bộ đội 559 không thể thiếu sự giúp đỡ và đùm bọc che chở của nhân dân các bộ tộc Lào.

Cuối năm 1967, theo yêu cầu của bạn ông lại sang Lào để tham gia công tác quân báo và tham mưu cho bộ Tổng chỉ huy quân đội Lào và quân tình nguyện Việt Nam mở chiến dịch PaThí, Nậm Bạc, chiến dịch có tính chiến lược. Chính tại thời điểm chuẩn bị công tác quân báo cho trận đánh Mường Hiềm, tổ trinh sát của ông và chính ông đã đích mục sở thị tên tướng phỉ Vàng Pao khét tiếng! Bây giờ ngồi kể lại, trong chất giọng Bình Định trầm trầm nặng nặng của ông dường như vẫn còn đượm vẻ luyến tiếc! Cái luyến tiếc của sự vuột mất thời cơ và cả một chút ân hận nữa!

Chuyện của một lính quân báo: Từng sát sau lưng trùm phỉ Vàng Pao ảnh 1  Đồng bào  các dân tộc ở Sầm Nưa hân hoan đón những cựu binh quân tình nguyện.

Nhưng lỗi không phải của ông, của tổ trinh sát:.. “Xẩm tối, đơn vị mình ém sát sở chỉ huy bất ngờ nghe loa phóng thanh oang oang giục dân đến coi xinê có máy bay trực thăng đưa đội chiếu bóng về chiếu ngay giữa sân sát sở chỉ huy địch. Lính địch được đi xem nhưng không được mang vũ khí. Bất ngờ nữa là buổi chiếu bóng có cả Trùm phỉ Vàng Pao. Tình huống bất ngờ này phải bàn lại. Tụi mình vẫn cải trang thành lính nguỵ giắt súng trong người cũng vào xem và cũng để trinh sát tiếp. Mình đứng ngay sát sau dãy ghế ngồi của Vàng Pao mà hồi hộp quá! Mấy anh em bấm nhau lẩn ra ngoài bàn. Hay là dùng súng ngắn diệt Vàng Pao và mấy tên đầu sỏ rồi rút ? Nhưng bàn lại thấy không ổn. Thứ nhất địch sẽ phản ứng quyết liệt và dữ dội như thế dân sẽ chết rất nhiều! Thứ nữa là không thực hiện được mục tiêu trên đề ra là kế hoạch giải phóng Mường Hiềm để phối hợp với quân chủ lực trong trận Pathí! Chao ôi, lần đầu tiên và duy nhất mình nhìn rõ mặt tên trùm phỉ người Mông... Cho tới bây giờ mình vẫn nhớ như in, đó là ngày 21 tháng Giêng năm 1968. Đêm ấy  có sáng trăng...”.

Trận Lam Sơn 719 ở Nam Lào. Trận quyết chiến đánh sập xương sống kế hoạch của cái gọi là Việt Nam hoá chiến tranh của Mỹ, ông đã ở đâu trong thời điểm ấy? Hoá ra ông nằm ở phố Hoàng Hoa Thám, Hà Nội. Để đảm bảo cho Trung ương Đảng bạn nắm chắc được diễn biến và ứng phó kịp thời trận đánh chiến lược ấy, bạn đề nghị đoàn 959 bố trí ông và một tổ điện đài về nằm ngay ở phố Hoàng Hoa Thám, Hà Nội để giữ liên lạc trực tuyến hàng ngày giữa Bộ Tổng của ta và Bộ chỉ huy tối cao của bạn.

Thời điểm ông thôi làm công tác quân báo để chuyển sang phòng nghiên cứu làm chuyên gia đàm phán giúp văn phòng Trung ương và văn phòng Quân ủy của bạn là tháng 8/1972. Trong thời gian này, do công việc nên ông vinh dự  thường xuyên được tiếp xúc làm việc với những yếu nhân của cách mạng Lào như  Xuphanuvông, Phumivôngvichit, Nuhắcphumxavẳn và các đồng chí trong Quân uỷ bạn như Cayxỏn Phômvihản, Khămtay Xiphănđon, Xixavatkẹobunphăn, Xamanvinhakệt... Ngày 14/9/1973, Nghị định thư quân sự và chính trị cho việc Mỹ, quân đội Thái Lan rút khỏi Lào được ký kết, ông và các đồng chí của mình cũng góp một phần nhỏ bé...

Rồi sau đó, từ  Chính phủ Liên hiệp và Hội đồng chính trị Ba phái đến thời điểm ngày mồng 2/12/1975 (ngày Quốc khánh) Lào trịnh trọng tuyên bố với thế giới  xóa bỏ chế độ quân chủ thành lập nước Cộng hoà dân chủ nhân dân là một quá trình gian khổ, cam go của đồng đội và ông trong quá trình cộng tác sát cánh với bạn. Như ông tâm sự rằng tuy không đổ máu nhưng luôn bận rộn và đau đầu.

 Căn nhà cũ kỹ cùng với những vật dùng cũng cũ kỹ, ở tuổi 83, ông thanh thản trong ngôi nhà ở đường Ngô Thời Nhiệm, thành phố Qui Nhơn cùng người vợ hiền ba đứa con ngoan hai trai một gái. Tổng cộng là 32 năm ông Tăng Xuân Ngọc kề vai sát cánh với bạn Lào. Còn khúc cuối bộ phim hấp dẫn về người chiến sĩ Quân tình nguyện Tăng Xuân Ngọc những năm cuối bảy mươi từng can dự vào một nhiệm vụ đặc biệt, xin khất bạn đọc một dịp khác!  

MỚI - NÓNG
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
TPO - Trung ương Đoàn thực hiện 3 công trình số hóa các di tích lịch sử, địa chỉ đỏ cho tỉnh Điện Biên nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, gồm: Điểm Di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng, Điểm Di tích Đồi A1 và Điểm Di tích Trung tâm đề kháng Him Lam (Đồi Him Lam), với tổng trị giá 300 triệu đồng.