Chuyện công ty tài chính uy tín bị 'mượn tên': Thật giả lẫn lộn

0:00 / 0:00
0:00
Dù chỉ có 16 công ty tài chính được cấp phép bởi NHNN nhưng thực tế lại có tới hàng chục ngàn công ty tài chính đang cho vay với lãi suất cắt cổ, khiến nhiều người dân không thể phân biệt, từ đó gây bức xúc trong dư luận và ảnh hưởng đến uy tín cũng như hoạt động của công ty tài chính chính thống.

Thật giả lẫn lộn!

Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), đến nay hệ thống Tổ chức tín dụng (TCTD) chỉ có 16 công ty tài chính được cấp phép hoạt động. Tuy nhiên, gần đây xuất hiện hàng ngàn thậm chí hàng chục ngàn công ty tài chính được cấp phép bởi Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh, thành phố theo Luật Doanh nghiệp nhưng lại thực hiện các hoạt động cho vay như một TCTD.

Tình trạng này đã gây ra nhiều hệ lụy khi nhiều người dân không thể phân biệt đâu thực sự mới là công ty tài chính chính thống, trở thành rào cản lớn khi người dân muốn tiếp cận tới những khoản vay an toàn. Điều này càng nghiêm trọng hơn khi các công ty tài chính không được NHNN cấp phép, “núp bóng” tài chính tiêu dùng, cho vay thông qua những ứng dụng trực tuyến (app), các tài khoản, hội nhóm trên mạng xã hội,... Ngoài lãi suất cho vay cao, còn thu thêm nhiều khoản phí, tiền phạt trái pháp luật và đòi nợ một cách khủng bố. Từ đó, gây bức xúc dư luận cũng như ảnh hưởng bất lợi đến hoạt động và uy tín của các công ty tài chính chính thống.

Với góc độ là cơ quản quản lý, tại Hội thảo "Tài chính Tiêu dùng - Kênh dẫn vốn hiệu quả với người yếu thế” vừa qua, Phó Thống đốc thường trực NHNN Đào Minh Tú cho biết: “Hiện nay, xã hội đang có sự lẫn lộn, người dân không thể phân biệt đâu là chính thức, đâu là phi chính thức. Thậm chí đâu là vi phạm pháp luật. Có rất nhiều công ty có tên là công ty tài chính thành lập và được cấp phép đầu tư theo chính quyền tại địa phương nhưng không do NHNN cấp phép, lại tham gia cho vay qua app để lại nhiều hệ lụy.”

Trong khi đó, ở khía cạnh pháp lý, Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI phân tích: “Thực tế, tài chính tiêu dùng hợp pháp thì chỉ có 16 công ty được NHNN cấp phép và công khai trên website của NHNN nhưng nhiều người dân không biết điều này. Trong khi có tới hàng ngàn doanh nghiệp do Bộ kế hoạch và Đầu tư cấp giấy phép đăng ký kinh doanh nhưng mang tên là công ty tài chính thậm chí là cả hiệu cầm đồ. Do vậy, người dân cứ nghĩ tài chính tiêu dùng là tín dụng đen thì đúng là oan cho 16 công ty tài chính này. Chưa kể đến các công ty cho vay ngang hàng đang hoạt động tràn lan chưa không được cấp phép.”

Là người trong cuộc, ông Nguyễn Thành Phúc, Phó Tổng giám đốc Công ty Tài chính TNHH Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng SMBC (FE CREDIT) chia sẻ: “Chúng tôi là công ty tài chính thì hàng chục ngàn công ty kia cũng tên là công ty tài chính. Chúng tôi cho vay bằng app thì họ cũng cho vay bằng app. Tuy chỉ do Sở kế hoạch Đầu tư các tỉnh cấp phép và không được hoạt động trong lĩnh vực tín dụng nhưng tên của các doanh nghiệp này vẫn là công ty tài chính. Như vậy đã khiến cho nhiều người dân khó phân biệt được.”

“Đối với hoạt động thu hồi nợ, chúng tôi luôn thực hiện đúng pháp luật, đúng đối tượng. Tuy nhiên, vừa qua có rất nhiều công ty không phải công ty tài chính được NHNN cấp phép, đã lấy tên của chúng tôi để đi đòi nợ khiến hoạt động thu hồi của công ty gặp nhiều khó khăn.”

Chuyện công ty tài chính uy tín bị 'mượn tên': Thật giả lẫn lộn ảnh 1
Nhiều người dân bị các app cho vay/các đối tượng mạo danh nhân viên công ty tài chính ghép ảnh đòi nợ, khiến công ty tài chính chính thống chịu vạ lây

“Đơn cử như trường hợp mới đây của chị K.P.P đã phản hồi đến chúng tôi rằng chị bị FE CREDIT nhắc nợ, đe dọa khủng bố do có liên quan đến hợp đồng cho vay của khách hàng N.V.V. Tuy nhiên sau kiểm tra thì cho thấy tất cả các số điện thoại gọi nhắc nợ đều không liên quan tới FE CREDIT, đồng thời khách hàng N.V.V cũng không có hợp đồng vay tại FE CREDIT nhưng lại từng vay tại các tổ chức cho vay khác.”

Chưa có giải pháp triệt để

Vấn đề đặt ra là làm sao để người dân phân biệt được đâu là công ty tài chính chính thống. Theo đó, Luật sư Trương Thanh Đức đã đưa các điểm khác nhau giữa công ty tài chính và công ty khác cũng hoạt động cho vay. Theo quy định tại Điều 5 Luật các TCTD, các công ty do NHNN cấp phép được sử dụng từ “tài chính” trong tên gọi, các công ty khác không phải là tổ chức tín dụng không được phép sử dụng cụm từ hoặc thuật ngữ “tổ chức tín dụng”, “ngân hàng”, “công ty tài chính”, “công ty cho thuê tài chính” hoặc các cụm từ, thuật ngữ khác gây nhầm lẫn cho khách hàng về việc tổ chức của mình là một tổ chức tín dụng.

Là một công ty tài chính chính thống nhưng lại chịu ảnh hưởng nghiêm trọng bởi tình trạng mạo danh, đại diện FE CREDIT chia sẻ: “Dù chịu tiếng oan nhưng chúng tôi khó có thể phân trần cụ thể cho từng khách hàng, cũng như không thể kêu cứu bất kỳ ai. Bởi vấn đề này không chỉ bó hẹp trong phạm vi, chức năng của NHNN mà cần có sự phối hợp giữa các cơ quan ban ngành trong việc cấp giấy phép đầu tư cũng như đặt tên đối với các công ty tài chính”.

Tại hội thảo, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam Nguyễn Quốc Hùng cho biết sẽ tập hợp ý kiến từ đó kiến nghị cơ chế, chính sách chẳng hạn như mở rộng đối tượng cho vay để tạo điều kiện cho hoạt động công ty tài chính tiêu dùng chính thức, góp phần hạn chế tín dụng đen, tạo điều cho người dân được tiếp cận nguồn vốn chính thức. Đối với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và UBND các tỉnh, Hiệp hội sẽ có văn bản kiến nghị rà soát vấn đề đặt tên doanh nghiệp, có biện pháp xử lý để hạn chế tình trạng vi phạm Luật các TCTD như hiện nay, tránh gây hiểu lầm".

MỚI - NÓNG
Mưa lớn kéo dài, Thừa Thiên-Huế rà soát sơ tán dân ra khỏi vùng nguy hiểm
Mưa lớn kéo dài, Thừa Thiên-Huế rà soát sơ tán dân ra khỏi vùng nguy hiểm
TPO - Trước tình hình mưa lớn còn tiếp diễn, cơ quan chức năng tỉnh Thừa Thiên-Huế (TT-Huế) yêu cầu các địa phương, đơn vị rà soát các khu dân cư ven đồi núi, ven sông, suối, khu vực thấp trũng để chủ động tổ chức di dời, sơ tán người dân ra khỏi khu vực có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất, ngập lụt sâu, địa bàn dễ bị chia cắt.