Chuyện con đường sắp được tân trang

Chuyện con đường sắp được tân trang
TP - Trên bản đồ giao thông Việt Nam có một nét mờ, ngắn, bắt đầu từ thị trấn Đò Lèn (huyện Hà Trung, Thanh Hóa) chạy lên cửa khẩu Na Mèo (huyện Quan Sơn, Thanh Hóa). Với tổng chiều dài toàn tuyến 195 km, quốc lộ 217 có vị trí khá đặc biệt.

Chiến lược

Đặc biệt bởi quốc lộ (QL) 217 nằm trong đội hình cấu thành nên hành lang đông bắc của Chiến lược tiểu vùng giao thông Mê Kông mở rộng (GMS) bao gồm Nam Ninh của Quảng Tây, Trung Quốc; Hà Nội và Thanh Hóa ở Việt Nam; Luangprabang, Lào; và Bangkok, Thái Lan.

QL 217 là đoạn cuối của tuyến hành lang đường bộ đông bắc tiểu vùng Mê Kông mở rộng dài gần 800 km. Việc nâng cấp QL 217 không chỉ góp phần hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông cho tỉnh Thanh Hóa, mà sẽ mở một lối ra biển gần nhất cho các địa phương vùng đông bắc Thái Lan và Lào.

Dự án nâng cấp QL 217 sẽ tập trung 88,2 km thuộc đoạn giữa và cuối tuyến QL 217 đạt tiêu chuẩn đường cấp IV miền núi, mặt đường rộng 6,5 m, vận tốc thiết kế 40 km/giờ. Tổng mức đầu tư toàn công trình là 97,4 triệu USD, hiện đã được Ngân hàng phát triển châu Á ADB tài trợ 75 triệu USD, phần còn lại sử dụng vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam.

Nâng cấp QL 217 ngoài việc cải thiện khả năng tiếp cận của người dân đối với các dịch vụ xã hội và thị trường (cải thiện sinh kế và giảm nghèo) còn nâng cao hiệu quả của mạng lưới đường bộ và vận tải trong khu vực dự án cũng như Tiểu vùng Mê Kông, tạo kết nối thuận lợi giữa Thái Lan, Lào và Việt Nam. Vậy nên không phải ngẫu nhiên mà ADB lại dành một khoản vay lớn cho một tuyến đường còn rất ít người biết tới.

217 xưa

Sử Đại Việt còn nguyên những dòng về trường đoạn bĩ cực sau cái chết bất ngờ của Nguyễn Kim (1545), Trịnh Kiểm được vua Lê phong làm Tổng tư lệnh quân đội Tiết chế các dinh quân thủy bộ các xứ kiêm nội ngoại, Bình chương quân quốc trọng sự. Trịnh Kiểm chuẩn bị lực lượng xây dựng Thanh Hóa thành căn cứ vững mạnh với mục đích thu phục đất nước, khôi phục cơ nghiệp nhà Lê.

Việc đầu tiên, Trịnh Kiểm thân đón vua Lê Trang Tông từ Ai Lao (tức Lào) về nước.

Nét mờ xanh, ngắn trên bản đồ giao thông nước Việt bây giờ bắt đầu từ Thị trấn Đò Lèn ngược lên Vĩnh Lộc qua Cẩm Thủy rồi ngược mãi lên Bá Thước, Quan Sơn và kết thúc tại cửa khẩu Quốc tế Na Mèo của QL 217 dài gần 200 cây số. Con đường ấy chính là chặng khổ nạn lịch trình mà thầy trò thái sư Trịnh Kiểm mất hơn nửa năm ròng rã việc đưa đón vua Lê! Đường chắc gọi cho sang chứ hẳn là lối mòn xuyên hun hút trong rừng sâu núi thẳm chỉ vừa vặn cho voi ngựa lọt qua?

Mà cũng lạ, ngày 17/10/1887, khi thành lập Liên bang Đông Dương (gồm An Nam, Lào, Cao Miên) người Phú Lãng Sa (tức Pháp) lại nhắm đúng cái tuyến lộ gập ghềnh hiểm trở ngược từ Hà Trung xứ Thanh gần hai quê của Chúa Trịnh lẫn Chúa Nguyễn như thế? Chọn, nhắm đúng lộ trình thái sư Trịnh Kiểm đi đón vua Lê để làm gì? Để mở mang thêm một hệ thống đường bộ dẫu còn sơ khai nhưng nhiều tiện ích trong việc khai thác lợi nhuận thuộc địa vùng miền Tây xứ Thanh nói riêng và qua cửa khẩu Na Mèo giáp với Hủa Phăn của Lào nhắm tới thông thương với Xiêng Khoảng, với Viêng Chăn cũng như Campuchia nói chung.

Tôi không rõ tuyến lộ này thuở ấy nó đã mang cái tên 217 như bây giờ hay có một cái tên khác? 217 là gì nhỉ? Cuối thế kỷ 19 rồi đầu thế kỷ 20, đường 217 đã được tráng nhựa bao nhiêu khúc trên tổng số 195 cây số ấy? Còn lại bao nhiêu là đường rải đá cấp phối hoặc đường đất? Chưa thấy tài liệu nào biên chép? Nhưng cái tên 217 những năm đánh Pháp thì tự dưng dân xứ Thanh cũng như bộ phận hậu cần của các chiến dịch Thượng Lào, Điện Biên Phủ thời điểm đó và mãi sau này vẫn ám mồn một vào tâm trí.

Bởi 217 là huyết mạch, là cửa ngõ duy nhất nối hậu phương, vùng tự do Thanh Hóa và Khu Bốn với Điện Biên. Dân công Thanh Hóa là lực lượng chủ công đảm bảo hậu cần cho mặt trận chính Điện Biên. Sử còn chép: đối với nhiệm vụ phục vụ chiến dịch, Thanh Hóa đã vượt mức Trung ương giao 9 tấn gạo; 1.300 con bò; 2.000 con lợn; 250.000 quả trứng; 150 tấn đậu các loại; 450 tấn cá khô; 20.000 lọ mắm kem cùng với hàng trăm tấn rau các loại. Huy động 102.254 dân công dài hạn và 76.670 dân công ngắn hạn.

Tổng số dân công phục vụ chiến dịch là 1.061.593 lượt người với 27 triệu 227 ngày công, cùng với 11.000 xe đạp thồ, 1.300 thuyền ván và thuyền nan... Năm 1957 về thăm Thanh Hóa, Hồ Chủ tịch khen thế này: “Bây giờ tiếng Việt Nam đến đâu, tiếng Điện Biên Phủ đến đó. Tiếng Điện Biên Phủ đến đâu, đồng bào Thanh Hóa cũng có một phần vinh dự đến đó”.

Và giờ đây vị trí chiến lược của 217 lại tiếp tục được chọn. Bây giờ người ta đã sực nhớ, chợt nghĩ ra 217 đã bị lãng quên bao năm nay. Lẩn thẩn nghĩ thêm, Liên bang Đông Dương khi đó (đầu thế kỷ 20) cả 3 quốc gia (Lào, Cao Miên, An Nam) dân số mới có 18 triệu 370 ngàn người cùng những vùng kinh tế dân cư thèo đảnh. Bây giờ dễ có mà gấp hơn 6 lần con số ấy, cùng những việc làm ăn nhộn nhịp, năng động của cả 3 quốc gia. Nối mạng cùng liên kết là phải lắm!

217 nay

Không nhớ hết những lần lên miền Tây xứ Thanh, gập ghềnh đường lên Na Mèo để sang Hủa Phăn, Sầm Nưa, Xiêng Khoảng... Khi ấy, thuở bao cấp đường 217 đã bị lãng quên. Lên Na Mèo phải ngủ đêm ở ngã ba Đồng Tâm của huyện Bá Thước. Bây giờ đường khá hơn qua đợt cải tạo mở rộng quy mô nhỏ năm 2007. Sáng ở thành phố Thanh Hóa, chỉ trưa có thể chót vót ở Na Mèo. Nhưng không phải lần nào mùa nào cũng hanh thông cả.

Một dịp mùa mưa năm ngoái. Cũng lên Na Mèo, qua Tân Kỳ của huyện Bá Thước thì đường tắc. Trước chúng tôi, thân đường 217 lộ ra một khoảng hoăm hoắm. Thận trọng men theo nhánh đường tránh thì bất đồ chạm phải cây luồng chăng ngang. Một thanh niên đang đứng ra thu phí. Ô tô con 30 ngàn, xe tải 50 ngàn đồng. Hỏi thì được biết dân ở đây phải mở lối đi qua vườn nhà mình để có đường cho xe qua! Vậy nên mới có việc thu phí ấy? Ghé quán nước, dân phàn nàn, sở dĩ lắm ổ voi ổ trâu trên đường làm sập cả taluy, phần do mưa lũ triền miên, phần nữa là xe tải chở khoáng sản từ bên Lào về phá đường quá lắm! Mà hầu như xe nào cũng quá tải cả...

Đã là thông thương để trở thành hành lang kinh tế thì mai kia còn tăng mật độ các phương tiện băng qua con đường này. Chuyện quá tải có lẽ là thứ nan giải.

Nhưng tôi đương nghĩ đến những xe khách, xe du lịch mai kia sẽ vo vo bánh lăn theo lộ trình thăm thú xứ sở hầu như còn bí ẩn của miền Tây xứ Thanh.

Trên các phương tiện thông tin đại chúng mới hé ra cái tin chỉnh trang, nâng cấp 217, ấy vậy mà trên mạng đã rộ lên những dòng thương mại ăn theo.

Đường 217 vẫn tiếp tục là phương tiện nối mạng những địa danh du lịch. Có thể từ QL 1A rẽ vào 217 non 20 km, người ta đã quá quen với một thành Nhà Hồ, tòa thành đá duy nhất ở Đông Nam Á vừa được UNESCO xếp hạng cũng như cách Thành Hồ hơn 10km suối cá thần Cẩm Lương của huyện Cẩm Thủy.

Nhưng đến được sông Luồng huyện Bá Thước và Quan Hóa với hệ thống hang động kỳ vĩ thì hẵng còn đang hiếm người? Có một cái hang do một nhánh sông ăn vào, bất kỳ thứ gì như cành cây khô chẳng hạn ngâm xuống nước sẽ thành thứ cây hóa đá ngoạn mục! Từng có thứ cây hóa đá được du khách nước ngoài bỏ hàng triệu USD ra để mua! Rồi thác Hiêu (Hươu?) trên sông Luồng vừa đẹp lẫn bí ẩn đến nao lòng.

Rồi động Bo Cúng cùng hệ thống nhà sàn bản Thái hoang sơ với Lễ hội Mường Xia thần bí vv... Sau khi tân trang 217, du khách từ Hà Nội sáng đi trưa đã đến với cảnh thần tiên nọ!

Các phương tiện thông tin đại chúng mới hé ra cái tin chỉnh trang, nâng cấp 217, ấy vậy mà trên mạng đã rộ lên những dòng thương mại ăn theo 217. Tỷ như:

Tôi có mảnh đất 198m2, lô 2, khu vực QL 217, thị trấn Đò Lèn- Thanh Hóa. Chiều rộng 9,8m; chiều dài 20m. Chuyển nhượng cho người có nhu cầu kinh doanh nhà hàng, khách sạn hoặc đất thuộc lô 2, đầu ve (2 mặt tiền), mặt tiền chính 9,8m; hướng đông nam, Lô đất nằm tại vị trí rất đắc địa, đất đẹp, hướng đông nam mát mẻ, mặt đường to, chính chủ, nằm giữa các dự án trung tâm của thị trấn Đò Lèn. Thuận lợi cho người có nhu cầu mở cửa hàng buôn bán...

Rồi những nhà những đất, vườn dọc theo QL 217 của các huyện gần Vĩnh Lộc, hay xa Cẩm Thủy và ngái xa diệu vợi Quan Hóa, Bá Thước cũng đã lên mạng với giá ngất ngưởng!

Khiếp thật...

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG