Chuyện Cô Tô: Luận nghĩa

Cô Tô nhìn từ xa Ảnh: x.b
Cô Tô nhìn từ xa Ảnh: x.b
TP - Đã 21 năm, nghề báo lại đưa tôi trở lại quần đảo Cô Tô. Con đường cao tốc mới Hà Nội - Hạ Long - Vân Đồn và tốc độ tàu cao tốc chỉ mất 6 tiếng kể cả nghỉ cơm nước dọc đường đã đến được Cô Tô. Lộ trình này 21 năm trước phải mất 3 ngày! Ký ức ngổn ngang những cũ mới… Ra Cô Tô để hòa mình với một dự cảm, Cô Tô sắp bước vào một vận hội mới…

Lần ấy, đến đảo Thanh Lân một đảo lớn thuộc quần đảo Cô Tô, tôi đã được gặp bà Lý Tắc, một phụ nữ người Hoa duy nhất còn lại ở Cô Tô, người đã vinh dự trong số những người ôm hoa đón Bác Hồ ra thăm Cô Tô ngày 9/5/1961. Bà Lý kể tôi nghe khi mới từ máy bay trực thăng bước xuống, Người thân mật chào hỏi bà con người Hoa khi đó ra đón rất đông bằng tiếng Việt nhưng không khí vẫn kém phần xôm tụ! Bác Hồ lại dùng tiếng Bắc Kinh (Bạch thoại) với bà con, nhưng tình hình cũng như lần trước. Nhưng ngay tiếp đó Người dùng tiếng Quan hoả (thứ tiếng thông dụng vùng Quảng Tây, Quảng Đông thì bà con mới ào lên vui sướng và hét to Bác Hồ muôn năm! Hồ Chủ tịch muôn năm, tất nhiên cũng bằng tiếng Quan hỏa!

Trước năm 1978, quần đảo Cô Tô - Thanh Lân là vùng đảo sầm uất, dân số đông tới 6.740 người hầu hết là người Hoa. Trong nửa cuối năm 1978, người gốc Hoa về Trung Quốc, trên đảo chỉ còn lại 10% dân số.

Đời sống gần như độc lập, khép kín nên họ chẳng thể nói được tiếng Việt lẫn tiếng phổ thông (bạch thoại Bắc Kinh). Thời điểm tiếp xúc riêng với cán bộ chủ chốt của Cô Tô cũng là người Hoa, Người hỏi, tại sao đảo lại có tên là Cô Tô. Tất thảy đều chịu. Người lại nở nụ cười độ lượng... Chuyện chỉ dừng ở đó. Bà Lý thì cứ quả quyết rằng Bác Hồ là người thông kim bác cổ như thế tất biết nhưng Bác là người khiêm nhường nên câu hỏi đó bỏ lửng...

Cho đến tận bây giờ, chắc chắn có tài liệu đã trả lời có điều tôi chưa có "duyên" gặp và tìm được đó thôi! Mà chắc chả phải địa danh Cô Tô trong thơ của Trương Kế đời Đường Cô Tô thành ngoại Hàn San tự tít mù tận Hàng Châu của Trung Hoa? Chợt nhớ đến cụ Nguyễn Tuân một bậc thầy về chữ nghĩa, người có duyên đến là lạ với Cô Tô? Chỉ nhõn mỗi bài bút ký từ những năm sáu mươi ấy, địa danh Cô Tô được bao nhiêu là bạn đọc, những con dân nước Việt biết đến. Tên cụ bây giờ được trang trọng đặt cho một con phố đẹp trên đảo.

Trở lại bài ký, dẫu nhẩn nha, thung thăng bao thứ, cụ Nguyễn cũng chưa một lời đả động đến ngữ nghĩa của hai chữ Cô Tô. Mặc dù cụ đã góp vào việc dịch âm rất hay tên người anh hùng lao động ngư nghiệp người Hoa của đảo Cô Tô được tuyên dương năm 1960 (bà Lý thì nói là Chàu Pò Mun) nhưng trong bài ký cụ Nguyễn viết là Châu Hoà Mãn. Cũng như xã Đồng Tiến tên mới bây giờ, thuở ấy tên là Bắc Tài Vàn. Bà Lý bảo tiếng Quảng Đông, Bắc là… bắc. Tài là lớn, Vàn là thôn. Cái thôn lớn ở mạn bắc ấy mà. Cụ Nguyễn đã dịch âm vừa hay vừa chuẩn là Bắc Loan Đầu!

 Có lẽ tiện đây cũng mạn phép mạo muội trình làng ngữ và nghĩa của hai chữ Cô Tô và cũng mong các bậc thức giả nếu có điều chi sai quấy xin được chỉ giáo. Trong cuốn tự vị Hán-Việt -Pháp  do nhà sách Trung Hòa Thiện Bản in năm 1931 ở trang 51 có  chú giải hai chữ như thế này. Về ngữ nghĩa, “cô và tô’’đều có tới 6 nghĩa. Tương ứng với mỗi nghĩa có một kiểu chữ Hán. Tất nhiên không tiện liệt kê hết nghĩa ra đây. Nhưng trong phần chữ Hán, cách viết để biểu đạt nghĩa thứ tư, cô = đai vòng, tô = nghỉ, im, thì có vẻ tạm chấp nhận được! Có thể cứ trong ý tứ mà tạm suy rộng ra, tiền nhân chúng ta không biết tự đời nào đã đặt tên cho cụm của 18 hòn đảo (gần như ngoài cùng trong hệ thống đảo của Vịnh Bắc bộ như một thứ phên dậu của quốc gia) là Cô Tô, cái đai lặng lẽ im lặng. Cái đai, cho dù đai ngọc của vua chúa của các bậc vương tôn công tử thì rõ ra là một thứ vô tri thì làm chi mà chả im lặng! Nhưng ở đây ngữ và nghĩa ấy dùng để đặt tên cho một vành đai đảo giữa bể khơi bất di bất dịch làm phên dậu muôn đời cho Quốc gia thì quả là hợp lý và uẩn súc thay!

Năm tháng mây bay nước chảy, Cô Tô như một mảnh của sử? Mấy năm nay, mỗi dịp Thanh minh, người Hoa từng ở Cô Tô mà đều tuổi độ 69-75 và con cháu họ từ Quảng Tây, Quảng Đông và cả Hoa Kỳ, Canada tìm về Cô Tô để hương khói cho người đã mất. Cái ngôi mộ người Hoa đa phần xếp đá cung cách toát lên sự thâm nghiêm và cả một chút bí ẩn.

Đi qua một khu vườn hoang lạnh cây cối um tùm, anh Ninh cán bộ Phòng văn hóa Cô Tô chỉ cho tôi đây là nền nhà cũ một cơ ngơi khá bề thế của một vị nguyên là Bí thư chi bộ ngày ấy đã từng có mặt trong cuộc đón Bác Hồ ra thăm đảo Cô Tô. Năm kia, khi Ninh đang điều khiển chiếc xe điện sáu chỗ ngồi, phương tiện thông dụng đi lại ở Cô Tô mà nhiều người tậu, gặp một nhóm người, Ninh từ tốn hỏi họ đi đâu để anh giúp thì một người cất giọng vui vẻ bằng tiếng Việt lơ lớ cảm ơn cậu. Chúng tôi từng là dân Cô Tô đây mà…

Câu chuyện với khách được tiếp nối. Ninh ngạc nhiên khi biết ông du khách nọ khi tự giới thiệu ông từng là Bí thư chi bộ ở Cô Tô hơn 10 năm. Sau đó ông về cố quốc.

Như chuyện của ông thì mới đầu về cố quốc cũng khó khăn lắm! Nhưng may gặp thời điểm khai phóng mở cửa, phát tài thì chưa nhưng cũng tạm mát mặt. Về bên đó ông cũng được bố trí làm cán bộ. Khi rời Cô Tô mới “tam thập”, nay về thăm lại cố hương Cô Tô cũng đã quá thất thập!

Ra Cô Tô năm xa ấy, trong cuốn sổ ghi cảm tưởng tại Bảo tàng Cô Tô tôi bắt gặp những dòng chữ ngay ngắn của ông Chu Vinh Khôn 74 tuổi, vốn là cư dân của đảo, xã viên HTX đánh cá Cô Tô. Ông rời Cô Tô năm 1978 hiện sống ở London.  “...  Đảo Cô Tô là nơi chôn rau cắt rốn của tôi, là mảnh đất nuôi tôi lớn khôn. Tôi không bao giờ quên mảnh đất nơi có mồ mả ông bà. Lòng tôi luôn lưu luyến với Cô Tô...’’. Những lời mộc mạc xiết bao sâu lắng…

         (Còn nữa)

 Tại bảo tàng, anh Ngạn cán bộ UBND huyện cũng kể tôi nghe một cụ bà tóc bạc phơ hiện sống ở Hoa Kỳ. Cụ đã nhảy cẫng lên như trẻ thơ khi ghé bảo tàng… Cụ  đã nhận ra cô y tá trẻ trung đang đeo tai nghe khám bệnh cho bà con người Hoa chính là… mình! Năm xa ấy, cô nguyên là một đoàn viên thanh niên tiên tiến của Cô Tô! 

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.