Nhân 20 năm ngày mất của Xuân Quỳnh – Lưu Quang Vũ:

Chuyện chưa kể trong căn nhà sáu mét vuông của Xuân Quỳnh

Chuyện chưa kể trong căn nhà sáu mét vuông của Xuân Quỳnh
TP - Mới đây, sau buổi công chiếu bộ phim tài liệu “Lưu Quang Vũ - Xuân Quỳnh gửi lại”, nhóm bạn học cùng khoa Báo chí - Đại học Tổng hợp Hà Nội cũ lại ngồi bên Kít (chúng tôi vẫn gọi MC Lưu Minh Vũ của VTV3 như vậy).
Chuyện chưa kể trong căn nhà sáu mét vuông của Xuân Quỳnh ảnh 1
Vợ chồng Lưu Minh Vũ và hai con trai

Ngày 29/8 này là tròn hai mươi năm ngày cùng lúc ba con người anh thương yêu nhất ra đi. Một câu chuyện khiến chúng tôi thật sự cảm động, bởi chưa ai nghe Kít kể bao giờ…

Lưu Minh Vũ mở đầu câu chuyện, rằng thi thoảng anh vẫn phóng xe máy về căn nhà nhỏ sáu mét vuông ở 96 Phố Huế, nơi bố anh - nhà viết kịch Lưu Quang Vũ, má anh - nhà thơ Xuân Quỳnh đã từng sống.

Kít nói, anh thường xuyên trở về, như để được sống lại những ngày ấu thơ. Kít kể, ngày ấy Hà Nội rất ít nhà tầng, mỗi lần xem giờ là anh leo lên sân thượng tầng bốn nhìn về Bưu điện Bờ Hồ, nơi có chiếc đồng hồ to tướng.

Nhà chật, mùa hè nóng bức bố con anh vẫn thường leo lên sân thượng trải chiếu nằm ngủ, những hôm trời đổ cơn giông lại lọ mọ cuốn chiếu giữa đêm.

Chật chội là vậy, nhưng một câu chuyện bất ngờ diễn ra trong ngôi nhà ấy, Kít còn nhớ mãi. Hôm ấy, vừa đi chơi về Kít bỗng thấy trong nhà mình có một phụ nữ rất lạ đang ru một bé gái còn đỏ hỏn ngủ trên chiếc chõng tre. Kít không biết đấy là ai.

Đang định hỏi thì bố anh đã ra hiệu im lặng. Kít thấy người phụ nữ trông còn rất trẻ và cháu bé ấy được bố anh và má Quỳnh chăm sóc một cách chú đáo, yêu thương.

Những gì anh thấy, mãi sau này lớn lên tình cờ đọc truyện ngắn “Làm điều tốt” của bố, Kít mới biết người phụ nữ lạ trong nhà mình đêm ấy, là người mà bố và má gặp đang đứng trước một cửa hàng mậu dịch, đợi tìm người để cho đứa con mà cô rứt ruột đẻ ra.

Lưu Quang Vũ và Xuân Quỳnh thấy hoàn cảnh cô đáng thương bèn đón về nhà cho ăn ngủ. Hôm ấy, vì một lý do rất “giời ơi đất hỡi”, cô gái và đứa trẻ đã không tiếp tục được ở lại nhà mình nữa.

Xuân Quỳnh đạp xe đạp chở người phụ nữ trở ra ga Hàng Cỏ. Lục trong túi chỉ còn vẻn vẹn hai mươi đồng bà đã đem cho cô gái hết, mong muốn cô nghĩ lại đưa đứa con về quê nuôi dưỡng.

Từ ga trở về nhà, Lưu Quang Vũ nhìn thấy mắt Xuân Quỳnh đỏ hoe. Cả Xuân Quỳnh và Lưu Quang Vũ đêm ấy dường như đều khó ngủ, luôn cảm thấy day dứt. Sáng hôm sau, sau giờ làm việc, Lưu Quang Vũ lẳng lặng một mình ra ga Hàng Cỏ tìm cô gái và đứa trẻ.

Ông lo cô gái vẫn ở lại Hà Nội tìm người cho con mà không chịu về quê. Ở sân ga hôm ấy, Lưu Quang Vũ đi tìm cô gái và đứa trẻ không thấy, ông lại thấy Xuân Quỳnh cũng đang tất tả đi tìm mẹ con họ. Tìm mãi vẫn không thấy người phụ nữ cho con đâu nữa, hai vợ chồng cùng ra về.

Kể đến đây, Kít bỗng lặng đi một lúc. Người phụ nữ lạ ấy năm đấy khoảng hai mươi ba, hai bốn tuổi. Cô lỡ có thai với anh chàng lái xe đến làm việc ở công trường gần xã, biết chuyện hắn đã cao chạy xa bay.

Cô gái bị bố mẹ bắt rời khỏi nhà đến ở nhờ nhà bà bác một huyện bên, họ buộc cô khi sinh nở phải lên một bệnh viện nào đó tại Hà Nội, đẻ xong có cho con được thì mới về làng...

Vợ chồng Lưu Quang Vũ đã chân tình khuyên cô gái hãy bằng mọi cách giữ lại cháu bé nuôi dưỡng, để sau này không ân hận. Kít nói, “Làm điều tốt” gọi là truyện ngắn, nhưng lại là chuyện thật ở đời một trăm phần trăm.

Lý do không giúp được người phụ nữ ấy tới cùng, bố anh nói rất rõ trong truyện với một tâm trạng đầy bứt rứt. Lưu Quang Vũ thậm chí còn mượn truyện ngắn ấy để tự phê phán bản thân mình: “Làm điều tốt, nhưng không có gan làm đến cùng! Xưa nay mình vẫn thế, rốt cuộc chỉ là một kẻ dở dương, một người tốt trong an toàn…”.

Lưu Minh Vũ ngậm ngùi, đứa trẻ đỏ hỏn ngày ấy, giờ chắc đã là một cô gái hai mươi bốn, hai lăm tuổi rồi. Và đứa trẻ, người phụ nữ ấy không hiểu có biết đã từng một lần được ở trong “Nhà chật” (tên một bài thơ của Lưu Quang Vũ)? Kít bây giờ, và cũng như bố, má anh ngày trước vẫn luôn cầu mong cho họ gặp mọi điều tốt lành trong cuộc sống.

Năm 1988, nhà viết kịch Lưu Quang Vũ, nhà thơ Xuân Quỳnh cùng em trai Mí - Lưu Quỳnh Thơ ra đi đột ngột sau vụ tai nạn, Lưu Minh Vũ vừa bước lên tuổi mười tám và đang cầm trong tay tấm giấy báo chuẩn bị đi học ở nước ngoài.

Tuổi ấy anh chưa đủ lớn để vượt qua, và cũng không phải còn bé dại để dễ quên trước một nỗi đau được coi là khủng khiếp. Kít nói, má Xuân Quỳnh dù không sinh ra anh, nhưng anh yêu thương bà như mẹ.

Kít nhớ, có một lần má Quỳnh vừa về đến nhà, đặt cái túi xuống vừa khóc thút thít. Bà vừa đi qua phố Bùi Thị Xuân, chợt nhìn thấy một người lái xe bò đang luôn tay đánh con vật, dù nó đang ráng hết sức để kéo chiếc xe cả hắn ngồi trên: “Con bò có biết gì đâu, mà thằng ấy nó cứ lấy cái xẻng đánh bốp bốp…”.

Tôi biết, không chỉ mỗi lần theo chân Lưu Quang Vũ xem các đoàn tập kịch, ấn tượng những nhân vật tốt, thiên về cái thiện hay gặp trong những tác phẩm của bố (như: “Người tốt nhà số 5”, “Tôi và chúng ta”, “Hoa cúc xanh trên đầm lầy”…), mà từ cách sống, từ cuộc sống trong gia đình của người cha và má Xuân Quỳnh đã luôn dạy, và nhắc nhở bản thân Lưu Minh Vũ: Phải luôn sống là một người tốt!.

Và điều tốt luôn là một giá trị muôn đời!   

MỚI - NÓNG
Các nhà hoạt động biểu tình tại hội nghị khí hậu COP29 ở Azerbaijan ngày 23/11. (Ảnh: AP)
Nhiều nước bất bình với quỹ khí hậu 300 tỷ USD
TPO - Hội nghị về khí hậu của Liên Hợp Quốc vừa thông qua một thỏa thuận cung cấp ít nhất 300 tỷ USD hằng năm cho cuộc chiến chống biến đổi khí hậu của nhân loại và giúp các quốc gia đang phát triển đối phó với sự tàn phá của thiên tai do nhiệt độ toàn cầu nóng lên.