Chuyện bò sữa và người trẻ lệch chuẩn

Gia đình cho học sinh dưới tuổi 18 điều khiển xe máy là tiếp tay cho hành vi phạm pháp
Gia đình cho học sinh dưới tuổi 18 điều khiển xe máy là tiếp tay cho hành vi phạm pháp
TP - Chuyện bò sữa và sữa béo lại được nhắc đến tại diễn đàn bàn về vi phạm pháp luật, đạo đức trong học sinh phổ thông do Thành Đoàn Hà Nội tổ chức sáng 30-11.

> 'Cẩm nang' chửi bậy online
> Teen chửi bậy hằng ngày

Gia đình cho học sinh dưới tuổi 18 điều khiển xe máy là tiếp tay cho hành vi phạm pháp
Gia đình cho học sinh dưới tuổi 18 điều khiển xe máy là tiếp tay cho hành vi phạm pháp.

Thượng tá Dương Văn Giáp, Phó trưởng phòng Cảnh sát hình sự (Công an TP Hà Nội) cho biết, những năm gần đây vi phạm pháp luật của học sinh trên 16 tuổi tăng cao về số lượng và mức độ hành vi. Từ đầu năm 2011 đến nay, tại Hà Nội có 110 em học sinh bị bắt vì vi phạm pháp luật. Học sinh vi phạm từ không đội mũ bảo hiểm, lạng lách, đánh võng đến trộm cướp, đánh nhau, hoạt động mãi dâm, giết người...

Theo Thượng tá Giáp, hành vi phạm giao thông và bạo lực học đường chiếm tỉ lệ cao. “Qua tiếp xúc, các chiến sỹ công an khá bất ngờ khi hầu hết các em ý thức được hành vi phạm pháp nhưng vẫn vi phạm”, Thượng tá Giáp nói.

Một thực trạng đáng buồn góp phần làm tăng số lượng trẻ vi phạm pháp luật chính là sự tiếp tay của các ông bố, bà mẹ cho con dưới tuổi 18 điều khiển xe máy đến trường. Theo khảo sát của Phòng cảnh sát giao thông Hà Nội, trung bình mỗi trường THPT có hơn 40 học sinh đi xe máy đến trường/ tuần.

Lệch chuẩn

PGS TS Phạm Hồng Tung (ĐHQG Hà Nội) cảnh báo người trẻ có xu hướng sống không lành mạnh đang gia tăng. Nhiều bạn trẻ có biểu hiện rõ về sự lạnh lùng, vô cảm với chính bản thân và các mối quan hệ xã hội.

TS Tung lấy dẫn chứng từ hàng loạt câu chuyện trẻ chán đời, rạch tay, đi hoang, tự tử; Hay ra đường hiếm khi được chứng kiến cảnh học sinh giúp đỡ cụ già đi sang đường, giúp người bị nạn... Khảo sát trên nhiều học sinh, sinh viên cho biết có 2,6% trả lời luôn có hung khí trong người và sẵn sàng hành xử bạo lực.

TS Trịnh Hòa Bình, Giám đốc Trung tâm Dư luận xã hội - Viện xã hội học, khẳng định nhiều bạn trẻ đang có biểu hiện lệch chuẩn đạo đức, đặc biệt ở khu vực đô thị. Biểu hiện của lệch chuẩn là liên tiếp những clip bạo lực học đường tung lên mạng, trở thành chủ đề cho nhiều diễn đàn bàn tán. Hành vi ứng xử, giao tiếp với thầy cô, cha mẹ của trẻ cũng ngày càng có vấn đề. Bạn trẻ không bày tỏ sự tôn trọng, lòng hiếu thảo, không nghe lời ngày càng nhiều. Nhiều phụ huynh bất lực trong nuôi dạy trẻ.

“Điều đặc biệt nguy hiểm, các em nhận thức hành vi lệch chuẩn, vi phạm pháp luật là chuyện bình thường”, TS Bình cảnh báo. Một cuộc khảo sát cho biết khi đánh giá về hành vi của mình, có tới 57,3% nữ sinh cho rằng bạo lực học đường trong nữ sinh là bình thường, 39% cho là chấp nhận được.

Nhiệm vụ quan trọng và hằng ngày là việc học cũng có nhiều biểu hiện vi phạm. Ông Ngô Văn Chất (Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội) liệt kê những vi phạm thường thấy trong học sinh bao gồm: quay cóp, gian lận bài thi, làm việc riêng trong giờ học, học đối phó với cha mẹ, thầy cô...?

Bò sữa tốt sữa béo

Từ góc nhìn văn hóa, Tiến sĩ văn học Đoàn Hương (ĐHQG Hà Nội) nói, những hành vi lệch chuẩn trên một phần xuất phát từ việc các em không đọc sách. “Có ai trong khán phòng này từng đọc cuốn Chiến tranh và hòa bình?”.

TS Đoàn Hương hỏi hơn 100 học sinh dự chương trình, nhưng không một cánh tay giơ lên. Ngày nay chỉ cần kết nối internet, học sinh có tất cả thông tin, nhưng tại sao các em không đọc sách trong khi cụm từ sex lại được tìm kiếm nhiều nhất ở Việt Nam? TS Đoàn Hương cho rằng văn hóa mạng đang quá cởi mở và lỗi thuộc về không ít thầy cô trẻ ngày nay.

"Thầy cô cũng không ham đọc sách, không truyền được niềm đam mê, hứng khởi thì làm sao học sinh tốt lên được? Theo cách nói logic, chúng ta không có bò sữa tốt thì không thể có sữa béo được”, TS Đoàn Hương khẳng định và khuyên các em đọc nhiều sách để tri thức, phông văn hóa ngấm một cách từ từ.

Giải pháp

Giám đốc Trung tâm ứng dụng tâm lý học (Viện Tâm lý học), TS Nguyễn Thị Hoa dựa trên đặc điểm tâm lý, đặc trưng của lứa tuổi để cho rằng bố mẹ, thầy cô không nên áp dụng phương pháp giáo dục áp đặt. "Cha mẹ cần biết tiết chế, trở thành bạn của con nếu không sẽ nảy sinh mâu thuẫn ngày càng lớn và con trẻ dễ bị lôi kéo vào các hành vi xấu", TS Hoa khẳng định.

TS Trịnh Hòa Bình nói, gia đình có bố mẹ sống yên ấm, hạnh phúc, ứng xử hòa nhã sẽ là tấm gương tốt cho con trẻ học theo. Nếu trẻ chứng kiến cảnh bố mẹ đánh chửi nhau, sẽ nảy sinh tâm lý có quyền bạo lực, sau này dễ có hành vi bạo lực hoặc cam chịu sự bạo hành.

Ngoài ra, các giải pháp tăng cường tư vấn tâm lý cho trẻ; tuyên truyền an toàn giao thông, vi phạm pháp luật đến từng trường học, gia đình; dành nhiều thời gian chia sẻ với con…cũng được các chuyên gia đề cập.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Dự án nghìn tỷ nát tươm: Tư vấn thiết kế khai ‘chưa từng nhận được phản ánh’
Dự án nghìn tỷ nát tươm: Tư vấn thiết kế khai ‘chưa từng nhận được phản ánh’
TPO - Tại tòa, bị cáo thuộc đơn vị tư vấn khai quá trình thi công cho đến trước ngày diễn ra sạt trượt, đơn vị tư vấn không nhận được bất cứ phản ánh nào liên quan đến hồ sơ thiết kế. 'Nước ngầm' mà cáo trạng đề cập là do thấm từ trên xuống, lỗi này do đơn vị thi công sử dụng đất đắp không đạt yêu cầu.