Kỷ niệm đặc biệt với đờn ca tài tử:
Thí sinh Nguyễn Trần Khánh Vân đến từ TP Hồ Chí Minh cho biết, khi đến nhà trưng bày Đờn Ca Tài Tử và được nghe bài ca cổ Dạ cổ hoài lang do nghệ sĩ của đoàn Đờn ca tài tử Cao Văn Lầu hát, trong cô dâng trào cảm xúc.
Nữ sinh viên của trường ĐH Sân khấu - Điện ảnh chia sẻ, cô có kỷ niệm rất đặc biệt với bài Dạ cổ hoài lang. Khi thi tuyển vào trường ĐH Sân khấu - Điện ảnh, Vân phải biểu diễn một vở kịch trong đó có một đoạn ca cổ của bài hát này. Sau 1 tháng luyện tập, cô đã hát rất ngọt và chinh phục các thầy cô của trường. Nhờ vậy, cánh cửa của trường đại học mà cô yêu thích đã rộng mở với cô. Dù vậy, đến với cái nôi của đờn ca tài tử và được nghe những giọng ca chuyên nghiệp trình diễn, được các anh chị bày cho cách để hát đúng kỹ thuật hơn.
Không dám nhúc nhích
Chiếc xuồng ba lá chòng chành, cặp vào bờ đất vuông tôm, tình nguyện viên dìu xuống xuồng ba lá, ngồi bệt, không dám co chân lại. Thí sinh Huỳnh Thị Thùy Vân, Cao đẳng FPT, nói: “Ngồi xuồng ba lá chòng chành, lắc lư em không dám nhúc nhích luôn!”.
Lội bùn mới thấy thương người giữ rừng bám đất
Nhóm thí sinh dự thi vòng Chung khảo Hoa hậu Việt Nam tại Bạc Liêu có một buổi trải nghiệm với rừng ngập mặn ven biển Bạc Liêu. Nhiều thí sinh phải nhờ người dìu qua cầu cây, vịn vai bạn đi trên đường đất và phải săn quần lội trên đường đất trơn trợt. Thí sinh H’Ăng Niê đến từ cao nguyên Đắk Lắk tâm sự: “Lội bùn đất mới thấy thương người dân giữ rừng, bám đất”.
Phải rèn dữ lắm
Ba mươi chín thí sinh lần lượt chia thành tốp học bài Dạ cổ hoài lang và thực hành ngay sau đó. Thí sinh Lý Thị Xuân Mai, Đại học RMIT nói: “Em sinh ra ở Hải Phòng, giọng Bắc hát không bằng mấy bạn ở miền Nam, phải rèn dữ lắm. Trong những ngày tới, em sẽ học để hát khoe với bạn bè!”.