Chụp ảnh hoa Tết kiếm tiền triệu
> Teen với trào lưu đi 'chợ sale' mua sắm Tết
> Lo Tết cho sinh viên, người nghèo
Vé vào cửa 15.000 - 20.000 đồng cho mỗi lần vào vườn, các ông bà chủ trồng hoa có thể kiếm được hàng chục triệu đồng trong tháng áp Tết từ thú vui của nhiều bạn trẻ.
Hoa vào mùa đang mang về doanh thu vài triệu đồng mỗi ngày cho chủ vườn. Ảnh: Anh Quân |
Giáp Tết, các vườn hoa làng Nhật Tân (Tây Hồ, Hà Nội) bắt đầu nở rộ, cũng là thời điểm những chủ vườn tại đây "vào vụ kinh doanh". Bên cạnh cây đào truyền thống, một số hộ tại Nhật Tân đã cải tạo vườn của mình, trồng thêm nhiều loại hoa khác nhau để cho thuê không gian chụp ảnh. Đối tượng khách hàng lớn nhất là giới trẻ và các cặp đôi đi chụp ảnh cưới.
Cách mặt đường Nghi Tàm khoảng hơn 100 mét, vườn hoa Bách Nhật thời gian này trong năm nổi bật giữa các vườn đào mới chớm nụ. Tại đây, chủ vườn trồng xen kẽ nhiều loại hoa khác nhau như hướng dương, cúc bách nhật, hoa cánh bướm, violet, đào... và không quên bài trí kèm các dụng cụ chụp ảnh như xe đạp, khung tranh, xích đu, bàn ghế... Chi phí để mỗi khách được vào chụp ảnh là 15.000 đồng một lượt, một cặp cô dâu chú rể là 50.000 đồng, không tính thời gian. Năm ngoái, giá vé chỉ 10.000 đồng mỗi khách.
Anh Đông (chủ vườn hoa Bách Nhật) cho biết lượng khách tới chơi tăng hơn nhiều so với năm ngoái. "Ngày thường cũng khoảng hơn trăm lượt khách, cao điểm là hai ngày cuối tuần, nhất là khi trời nắng ấm sau đợt rét vừa rồi", anh nói. Thu nhập bình quân từ vườn hoa mỗi ngày lên tới vài triệu đồng. "Giờ thu nhập chính là kinh doanh dịch vụ thăm quan vườn, không phải bán hoa như trước nữa", anh chia sẻ thêm.
Ngày vắng, mỗi vườn cũng thu hút tới cả trăm lượt khách vào thăm quan, chụp ảnh. Ảnh: Anh Quân |
Không chỉ tạo thu nhập cho chủ vườn, những công viên tự nhiên còn mang về khoản thu không nhỏ cho những hộ có khu đất trống gần đó, thông qua dịch vụ trông giữ xe. "Giá trông một xe máy là 10.000 đồng, xe ôtô theo đoàn đám cưới là 100.000 đồng", người đàn ông giữ xe nói. Mỗi ngày, khu đất trống giúp ông kiếm hơn một triệu đồng, ngày cuối tuần con số này có thể gấp từ 3 đến 5 lần. Những ngày đông khách, bãi đất gần vườn hoa quá tải, một số hộ nhà có sân vườn cũng căng biển trông giữ xe để kiếm thu nhập.
Cách vườn hoa Bách Nhật không xa là một khu vườn khác rộng rãi và được xây dựng công phu hơn. Đó cũng là lý do để chủ vườn tại đây đưa ra mức giá vào cửa 20.000 đồng, còn dịch vụ giữ xe vẫn 10.000 đồng. Bác Lê Thị Hòa, người trồng hoa gần đó cho biết, dịch vụ ăn theo sở thích tạo dáng chụp ảnh này đã có từ năm trước nhưng năm nay quy mô ngày một lớn hơn. "Ước tính mỗi ngày chủ vườn thu về từ vài triệu đến cả chục triệu đồng từ việc tính tiền chụp ảnh theo đầu người", bác Hòa nói.
Ngoài hoa, các chủ vườn cũng thêm dịch vụ đi kèm như in ảnh lên cốc lấy ngay với giá từ 60.000 đồng một chiếc hay bán đồ ăn nhanh như mỳ tôm, trái cây cho khách đến chơi. Thậm chí, có nơi còn thêm chương trình "bốc thăm may mắn giờ vàng", quà tặng là chiếc cốc in miễn phí. Để thu hút khách, các chủ vườn đều trồng những loại hoa có màu sắc nổi bật, "dễ ăn ảnh"...
"Chi phí bỏ ra cho một sào hoa dịch vụ thấp hơn, lại sử dụng được nhiều lần chứ không như hoa bán, chỉ cắt đi rồi cả vườn để trống đợi vụ khác. Giờ kinh doanh có thể trồng gối vụ các lứa hoa để tận dụng ruộng", một người trồng hoa chia sẻ.
Cuối năm cũng là thời điểm các vườn hoa cải rộ vàng (thường từ tháng 11 trở đi). Những vườn cải bên triền đê sông Đuống, Bắc Ninh hay gần Đại học Nông nghiệp là những địa điểm được nhiều bạn trẻ biết đến. Theo những người dân nơi đây, thời điểm đông có thể lên tới hơn 100 người vào vườn cùng lúc. Giá vé vào vườn là 10.000 đến 20.000 đồng mỗi người tùy độ lớn của vườn và chất lượng hoa. Dịch vụ giữ xe cũng mọc lên với giá 10.000 đồng một xe máy.
Không giống các vườn được quy hoạch cẩn thận ở Nhật Tân, các ruộng hoa cải vốn phục vụ cho nông nghiệp nên ít lối đi. Khách đến đông, chen chúc nhau "vô tư" giày xéo khiến chỉ một thời gian ngắn, những ruộng cải vốn vươn cao trở nên bầm dập, cũng là thời điểm "hết mùa kinh doanh hoa cải".
Tuy nhiên, các chủ vườn cải đều chấp nhận thực tế này. "Dập hết hoa, rau nhưng khoản lời từ thu phí chụp ảnh cao hơn rất nhiều so với mang rau đi bán", một chủ vườn tên Minh nói. Những ngày thứ 7, chủ nhật trong mùa hoa, thu nhập từ mỗi ruộng lên tới vài triệu đồng.
Doanh thu cao và ổn định, cũng không còn thấp thỏm lo lắng chuyện được mùa hay mất giá nên nhiều nông dân đã chuyển từ trồng hoa bán sang hoa dịch vụ. Bác Trần Văn Hòa (làng Nhật Tân) cho biết: "Mỗi năm chỉ trồng hai vụ hoa mà giá lại phụ thuộc thị trường, không phải lúc nào cũng được giá". Trong khi đó, hoa dịch vụ từ lúc ra nụ tới lúc héo có thể mang lại số tiền gấp nhiều lần so với bán.
Theo Anh Quân
Vnexpress