Thời gian gần đây, trên các phương tiện truyền thông đại chúng đưa tin về nhiều vụ bạo hành, xâm hại trẻ em. Nhiều sự việc đã gây ra sự phẫn nộ trong dư luận. Điển hình như vụ cháu bé 1 tháng 17 ngày tuổi bị giúp việc đánh đập, tung hứng nhiều lần ở Hà Nam; cháu bé 6 tuổi bị bảo vệ dân phòng giết hại man rợ; bé gái 7 tuổi bị bố ruột và mẹ kế dí sắt nung nóng vào mặt; vụ việc hàng loạt trẻ em bị ông lão 76 tuổi ấu dâm tại chung cư Lakeside Vũng Tàu, vụ xâm hại trẻ em tại Hoàng Mai, Hà Nội, vụ bạo hành trẻ em tại trường mẫu giáo Mầm Xanh, Quận 12 TPHCM;… Đây là những sự việc có tính chất nghiêm trọng, kéo dài, gây ảnh hưởng lớn và lâu dài đến tâm, sinh lý, sự phát triển của các em.
Được biết, ngay sau khi xảy ra các vụ việc xâm hại trẻ em, T.Ư Đoàn, Hội đồng Đội T.Ư đã triển khai nhiều hoạt động để tham gia cùng các cấp, các ngành và toàn xã hội bảo vệ, chăm sóc trẻ em, góp phần phòng, chống xâm hại trẻ em, như: phát động chương trình “Hãy lên tiếng” phòng chống xâm hại trẻ em; tổ chức các lớp tập huấn về kỹ năng phòng chống xâm hại cho cán bộ phụ trách thiếu nhi, giáo viên làm tổng phụ trách Đội, phụ huynh và các em thiếu niên, nhi đồng tại Tuyên Quang, Hoà Bình, Hà Nội, Hà Tĩnh, Đắk Lắk, Cà Mau…; cử cán bộ thường xuyên theo dõi, nắm bắt tình hình trẻ em; xúc tiến xây dựng cơ chế nắm bắt thông tin, tình hình trẻ em thông qua các phương tiện truyền thông đại chúng, mạng xã hội.
Trao đổi với phóng viên Báo Tiền phong, anh Nguyễn Long Hải, Bí thư T.Ư Đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội T.Ư cho biết, T.Ư Đoàn, Hội đồng Đội T.Ư kịch liệt lên án những hành vi xâm hại trẻ em và mong muốn các ngành chức năng khẩn trương vào cuộc xử lý nghiêm minh, kịp thời những người có hành vi vi phạm.
Dưới góc độ của mình, T.Ư Đoàn đã chỉ đạo các cấp bộ đoàn, Hội đồng Đội các cấp đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho cán bộ phụ trách thiếu nhi, giáo viên làm tổng phụ trách Đội, phụ huynh và các em học sinh về phòng, chống xâm hại trẻ em; nghiên cứu xây dựng các mô hình phòng chống xâm hại và bạo lực trẻ em phù hợp trên từng địa bàn, nhất là những khu vực có nhiều con em công nhân, người lao động như khu công nghiệp, khu chế xuất, địa bàn vùng sâu vùng xa; chỉ đạo các liên đội tổ chức sinh hoạt chuyên đề định kỳ để các em thiếu nhi hiểu, có kỹ năng cần thiết để tự bảo vệ mình.
Đội ngũ cán bộ phụ trách thiếu nhi, đặc biệt là giáo viên làm tổng phụ trách Đội cần tích cực tìm hiểu, nắm bắt tâm lý, tình cảm của các em, kịp thời phát hiện và có biện pháp phù hợp để hỗ trợ trẻ em bị xâm hại.
Hi vọng rằng, với sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, gia đình và toàn xã hội, tình trạng xâm hại trẻ em sẽ sớm bị đẩy lùi, tạo môi trường tốt nhất cho trẻ em học tập, rèn luyện, phát triển toàn diện.