Chung tay nâng đỡ cô dâu xứ Hàn

Tổ chức KoCun (Hàn Quốc) hỗ trợ nhà cho mẹ con chị Nguyễn Thị Thu Hà (ở giữa).
Tổ chức KoCun (Hàn Quốc) hỗ trợ nhà cho mẹ con chị Nguyễn Thị Thu Hà (ở giữa).
TP - Hàng nghìn phụ nữ ở miền Tây lấy chồng Hàn Quốc có hạnh phúc, khá giả giúp đỡ được gia đình. Tuy nhiên vẫn còn những mảnh đời bất hạnh phải trở về quê nhà sinh sống.

Tan vỡ hạnh phúc nơi xứ người

“Giờ hết rầu lo sống căn nhà rách nát rồi mà chỉ cố gắng làm nuôi con ăn học”, chị Nguyễn Thị Thu Hà, mẹ của bé Baekjiyeon 9 tuổi ở khu vực Qui Thạnh 2, phường Trung Kiên, (Thốt Nốt, TP Cần Thơ) chia sẻ với phóng viên Tiền Phong.

Căn nhà của mẹ con chị Hà được tổ chức KoCun (Hàn Quốc) hỗ trợ với kinh phí trên 80 triệu đồng, xây dựng cách nay hơn 1 tháng, sắp hoàn thành để bàn giao cho chị vào ở. Chị Hà cho biết, năm 2010 mẹ con chị từ Hàn Quốc trở về, sống nhờ chái nhà của người mẹ đẻ, vách lá, cây tạp. Hằng ngày chị làm thuê sinh sống và nuôi con đang học lớp 3. “Làm ngày nào ăn hết ngày đó, nhà cũ dột nát, mỗi khi trời mưa mẹ con phải chạy sang nhà ngoại ở tạm”, chị Hà bộc bạch.

Gia đình nghèo, ít ruộng đất, cha mẹ tuổi già nên chị Hà muốn lấy chồng Hàn Quốc để mong đổi đời giúp gia đình. Tuy nhiên, thực tế cuộc sống bên chồng không như mong muốn của chị.

 Năm 2004, chị lấy chồng rồi sang Seoul (Hàn Quốc) làm dâu. “Bên chồng có tiệm giặt ủi, hằng ngày làm được bao nhiêu mẹ chồng giữ hết, chồng muốn đi đâu hay làm gì phải xin tiền mẹ. Chưa kể còn nhiều bất hạnh khác, về thái độ đối xử, sự bất đồng ngôn ngữ, văn hóa... Đến năm 2010, sau khi sinh con được một năm thì… chịu không nổi nên tôi bế con về quê nhà sống cho đến giờ”, chị Hà rơm rớm nước mắt kể.

Trường hợp khác cũng đang được giúp đỡ xây nhà là chị Nguyễn Thị Bích Trâm, 32 tuổi ở quận Ô Môn (Cần Thơ). Trâm lấy chồng Hàn Quốc năm 2007, chồng bị tật ở chân sau đó bị tai nạn giao thông, thần kinh bất ổn nên thường xuyên đánh đập chị. Năm 2011, Trâm ôm con trai là Nguyễn Nhựt Anh (sinh năm 2008), trở về Việt Nam. Hiện tại, chị Trâm đi làm thuê ở Bình Dương, bé Nhựt Anh sống với ông bà ngoại già yếu nơi quê nhà.

Cùng hoàn cảnh, bà Đặng Thị Thanh Thúy ở khu vực Long Châu, phường Tân Lộc (Thốt Nốt, Cần Thơ) cho biết, cũng vì nhà nghèo nên con gái lấy chồng Hàn Quốc để giúp đỡ gia đình. Tuy nhiên, cuộc sống bên đó không được như mong muốn nên con gái đem 2 cháu ngoại về đây cho bà nuôi rồi đi làm thuê ở Malaysia.  Hiện tại, tổ chức Cokun cũng đang đã xây dựng và bàn giao căn nhà cho gia đình.  

Trang bị kỹ năng cho cô dâu Việt

Bà Diệp Thị Thu Hồng, Chủ tịch Hội LHPN thành phố Cần Thơ cho biết, nguyên nhân lớn nhất mà các cô dâu Việt hồi hương là do bất đồng về ngôn ngữ, sự khác biệt về văn hóa. Từ đó không thích nghi với cuộc sống, mâu thuẫn với gia đình chồng, với chồng, bị chồng bạo lực, ly hôn hoặc chồng chết. Khó khăn lớn nhất của các cô dâu sau khi về nước là tình trạng hôn nhân và Quốc tịch. Cụ thể, có rất nhiều chị em phụ nữ tình trạng quan hệ hôn nhân chỉ tồn tại trên mặt pháp lý (giấy chứng nhận kết hôn) còn về thực tế thì quan hệ hôn nhân của họ đã không còn tồn tại, nhưng lại chưa ly hôn được với chồng, ngoài ra có một số cô dâu do bỏ trốn nên không mang theo các giấy tờ liên quan đến nhân thân trong đó có giấy kết hôn, ly hôn… Khi về Việt Nam gặp rất nhiều khó khăn trong việc muốn ly hôn do thủ tục ly hôn phức tạp và những quy định khác biệt trong quy định của 2 nước.

Nhiều cô dâu (do ly hôn hoặc chồng chết…) rơi vào tình trạng không quốc tịch, do đã thôi quốc tịch Việt Nam nhưng chưa được nhập quốc tịch nước ngoài, kéo theo vấn đề quốc tịch của những đứa trẻ là con lai. Đây là số trẻ em đã có quốc tịch nước ngoài hoặc chưa xác định quốc tịch nước ngoài hay Việt Nam, đa phần thiếu giấy khai sinh, hộ khẩu… nên ảnh hưởng nhiều quyền lợi của trẻ em.

Ngoài ra, tâm lý chung của các chị em phụ nữ sau ly hôn trở về Việt Nam sinh sống là mặc cảm, khép mình, ít hòa nhập, không nghề nghiệp, trong khi cần tiền để nuôi con, nuôi bản thân nên họ hầu hết thêm một lần nữa rời bỏ nhà để mưu sinh tự do tại các đô thị, khu công nghiệp lớn như TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai.

Bà Phạm Thị Hồng Thắm, Trưởng Ban Chính sách - Pháp luật của Hội LHPN thành phố Cần Thơ cho biết thêm, đối với các cô dâu mới kết hôn, chuẩn bị sang làm dâu bên Hàn Quốc thì được Hội trang bị kiến thức về phong tục tập quán nước sở tại và định hướng, trang bị cho cô dâu kỹ năng làm dâu, làm vợ, làm mẹ… “Ban đầu còn bỡ ngỡ, lo lắng không biết về bên đó sống như thế nào, nhất là phong tục tập quán. Tuy nhiên, khi các cô dâu được trang bị kiến thức cũng như kỹ năng thì họ cảm thấy tự tin hơn”, bà Thắm nói.

Bên cạnh đó, bà Thắm cho biết, đa phần là những cô dâu ở nông thôn các tỉnh ĐBSCL, tuổi đời còn trẻ (18 - 23), trình độ còn hạn chế nên không nắm nhiều kỹ năng cũng như luật pháp Hàn Quốc. Vì thế, ở đây còn hướng dẫn họ tìm đến những trung tâm hỗ trợ phụ nữ ở Hàn Quốc để nhờ trợ giúp.

Vẫn theo bà Thắm, còn đối với các cô dâu hồi hương sẽ được tư vấn, hỗ trợ về thực hiện các thủ tục giấy tờ có liên quan đến nhân thân nhất là tình trạng hôn nhân. Đồng thời, được hỗ trợ dạy nghề, tìm kiếm việc làm, vốn và nhà ở để ổn định cuộc sống.

Hiện tại Hội LHPN thành phố đang hợp tác với tổ chức Nhân quyền liên hiệp quốc Hàn Quốc (Kocun Cần Thơ) thực hiện Dự án “Việt - Hàn chung tay chăm sóc” với mục tiêu giải quyết một cách có hiệu quả những khó khăn về kinh tế, pháp lý,  tâm lý mà phụ nữ kết hôn di cư trong gia đình văn hóa Việt Hàn và trẻ em Việt - Hàn cư trú tại thành phố Cần Thơ và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đang gặp phải, xây dựng và vận hành hệ thống chăm sóc tổng hợp  cho gia đình đa văn hóa Việt - Hàn đầu tiên tại Việt Nam.

Từ năm 2000 đến 2017 có 18.987 phụ nữ Cần Thơ kết hôn với người nước ngoài, trong đó có 1.089 trường hợp kết hôn với người Hàn Quốc. Ngoài ra, theo kết quả khảo sát của Hội LHPN thành phố Cần Thơ và tổ chức Kocun đến cuối năm 2016, có 174 cô dâu hồi hương và theo kết quả khảo sát của Công an thành phố Cần Thơ đến tháng 10/2017 có 155 trẻ em quốc tịch Hàn Quốc đang sinh sống tại thành phố Cần Thơ.

MỚI - NÓNG