Chung tay hỗ trợ nạn nhân bom mìn tại các nước ASEAN

0:00 / 0:00
0:00
Ngày 4/5, Trung tâm Hành động bom mìn Quốc gia Việt Nam (VNMAC) phối hợp với các cơ quan chức năng của Bộ Quốc phòng và Trung tâm Hành động bom mìn khu vực ASEAN (ARMAC) tổ chức Hội nghị tham vấn quốc gia về Nâng cao hiệu quả chương trình hỗ trợ nạn nhân bom mìn, vật nổ sau chiến tranh tại các quốc gia thành viên ASEAN.

Được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến, hội nghị có sự tham dự của lãnh đạo VNMAC và ARMAC; đại diện Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam, cùng các đại biểu đến từ các bộ, ngành, địa phương và đại diện một số tổ chức phi chính phủ.

Chung tay hỗ trợ nạn nhân bom mìn tại các nước ASEAN ảnh 1

Các đại biểu tham dự hội nghị thể hiện sự đoàn kết, chung tay hỗ trợ nạn nhân bom mìn sau chiến tranh

Dự án “Nâng cao hiệu quả chương trình hỗ trợ nạn nhân bom mìn sau chiến tranh tại các quốc gia thành viên ASEAN” là một trong những giải pháp do ARMAC đề xuất, phối hợp với các quốc gia thành viên trong khu vực cùng thực hiện với sự tài trợ của Chính phủ Hàn Quốc và Quỹ Hợp tác ASEAN - Hàn Quốc. Hội nghị lần này là một trong những hoạt động khởi đầu của dự án, với mục tiêu thiết lập một hệ thống cơ sở hỗ trợ nạn nhân bom mìn cấp khu vực.

Một số nội dung được tập trung thảo luận: Định hướng về một phương pháp tích hợp đối với hỗ trợ nạn nhân, cách thức thực hiện hiệu quả nhất và những thách thức trong áp dụng cách tiếp cận tích hợp cấp quốc gia; quan điểm quốc gia về hỗ trợ nạn nhân và phương pháp tiếp cận hỗ trợ nạn nhân, tổng quan về dịch vụ, thách thức, vai trò và trách nhiệm...

Chung tay hỗ trợ nạn nhân bom mìn tại các nước ASEAN ảnh 2
Đại tá Nguyễn Hạnh Phúc, Phó Tổng giám đốc Thường trực VNMAC phát biểu tại hội nghị

Theo Đại tá Nguyễn Hạnh Phúc, Phó Tổng giám đốc Thường trực VNMAC, để có thể cung cấp sự hỗ trợ một cách toàn diện cho các nạn nhân bom mìn, cần xem xét, áp dụng các công cụ pháp lý, tiêu chuẩn chính sách và đồng thời xem xét các khía cạnh rộng hơn liên quan đến nhân đạo, phát triển, nhân quyền.

Hoạt động hỗ trợ nạn nhân không chỉ bao gồm việc cung cấp hỗ trợ y tế và phục hồi chức năng, mà còn phải giúp họ chủ động, tự tin, nhận biết và tham gia vào các cơ hội kinh doanh, việc làm, xã hội.

"Để làm được điều này đòi hỏi có sự hợp tác, cam kết toàn diện, dài hạn của các quốc gia trên toàn thế giới, các quốc gia trong khu vực ASEAN, các quốc gia đã từng phải hứng chịu hậu quả bom mìn, kể cả các quốc gia không bị ảnh hưởng bởi bom mìn do chiến tranh", Đại tá Nguyễn Hạnh Phúc nói.

Chung tay hỗ trợ nạn nhân bom mìn tại các nước ASEAN ảnh 3
Ông Prum Suonpraseth, Giám đốc điều hành ARMAC phát biểu tại hội nghị

Theo ông Prum Suonpraseth, Giám đốc điều hành ARMAC, hiện còn rất nhiều bom mìn, vật nổ còn sót lại sau chiến tranh ở nhiều quốc gia ASEAN, gây hại đến tính mạng của người dân, cản trở sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương cũng như các quốc gia.

Do đó, việc xây dựng, triển khai các dự án hỗ trợ nạn nhân bom mìn sau chiến tranh tại các quốc gia ASEAN là hết sức cần thiết, giúp tạo điều kiện nhiều hơn để họ vượt qua vô số rào cản trong quá trình thụ hưởng, tiếp cận và tham gia các dịch vụ cần thiết như trong vấn đề học tập, việc làm và cuộc sống.

Ông Trần Hữu Thành, Trưởng phòng Đối ngoại của VNMAC cho hay, với vai trò là cơ quan tham mưu cho Ban Chỉ đạo Quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn và chất độc hóa học sau chiến tranh ở Việt Nam (Ban Chỉ đạo 701), VNMAC đã rút ra được nhiều kinh nghiệm trong công tác hỗ trợ nạn nhân bom mìn, vật nổ sau chiến tranh. Trong đó, yếu tố quan trọng là cần có hệ thống văn bản pháp lý đồng bộ, phân cấp, phân quyền cụ thể.

Theo ông Thành, cần chú trọng vai trò nòng cốt là hệ thống ngành dọc của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trong phối hợp triển khai 5 mặt của công tác hỗ trợ nạn nhân, gồm: quản lý thông tin; chăm sóc y tế; phục hồi chức năng; giáo dục hỗ trợ tâm lý, pháp lý; đào tạo, dạy nghề.

MỚI - NÓNG