Chúng ta trong biển

“Tháng Tám trời thổi gió nồm/ Tháng ba đông bắc có làm không ăn” (ảnh Mỹ Dũng, chụp tại xã Hoằng Trường, huyện Hoằng Hóa, Thanh Hóa)
“Tháng Tám trời thổi gió nồm/ Tháng ba đông bắc có làm không ăn” (ảnh Mỹ Dũng, chụp tại xã Hoằng Trường, huyện Hoằng Hóa, Thanh Hóa)
TP - Chợt nghiệm ra, nghệ sĩ nhiếp ảnh Mỹ Dũng trong đời luôn gắn với một chữ “Biển”. Từ nhiều năm trước, ông biến ngôi nhà mình nơi làng biển Thọ Quang (Sơn Trà, Đà Nẵng) thành quán cà phê “Biển báo”. Từ cột nhà tới bàn ghế, cả lối đi, tới tường rào, sọt rác đều tạo ra từ đủ loại biển báo giao thông, đèn xanh đèn đỏ, rồi khung xe, vô lăng, bàn đạp, chân phanh, còi kèn, gương chiếu hậu, lốp ô tô,… Menu thức uống của quán cũng là một cuốn Luật giao thông.

Nhưng ông còn một “Biển” khác, được âm thầm gìn giữ trong căn hầm bê tông dưới nền nhà. Đó là biển của ngàn đời, mà cậu bé làng chài Nguyễn Văn Mỹ (tên cha sinh mẹ đẻ) từng dụi mặt vào bờ cát từ những giấc ngủ đầu đời tròn 60 năm trước. Trong căn hầm chừng 40m2 ấy, là nền cát biển trắng phau, chiếc thuyền thúng vạm vỡ mái chèo đặt ngang, manh lưới cũ, những chiếc bầu tròn đựng mắm cái đan bằng tre nghuệch ngoạc ghi tên “mụ” của chủ nhân xưa treo ngổn ngang. Dựng xung quanh vách tường hầm xù xì là những tác phẩm nhiếp ảnh lồng khung gỗ thô nhám được đóng từ những mảnh ván thuyền cũ. Căn hầm cách âm, nhưng vẫn nghe như tiếng biển dội về…

Chúng ta trong biển ảnh 1 “Ai về nhắn với bậu nguồn/Mít non gởi xuống, cá chuồn gởi lên”  (Ảnh Mỹ Dũng, chụp tại xã Bình Minh,Thăng Bình, Quảng Nam)

 Ông bảo, biển xưa đang mất dần, chết dần. Bởi tốc độ đô thị hóa, băm nát chia lô cả biển lẫn bờ, bởi sự ô nhiễm chất độc, rác thải nào có khác chi tốc độ giao thông bạo tàn chóng mặt đang ngày ngày đưa chúng ta đối diện cái chết. Nên phải tìm cách chậm lại. Phải tìm cách giữ lấy nó.

Chúng ta trong biển ảnh 2 “Ngó ra ngoài biển ba lần/ Thấy anh ở trần trong bụng xót xa” (ảnh Mỹ Dũng, chụp tại Mũi Điện, Kê Gà, Bình Thuận)
Từ căn “hầm biển” có một không hai, Nguyễn Mỹ vác máy đi suốt ngàn dặm bờ biển đất nước từ Móng Cái tới Cà Mau, chụp hàng vạn bức ảnh về biển. Nhưng hầu như không có bóng dáng những phong cảnh biển thơ mộng. Mà tất cả mọi khuôn hình trên nền ảnh duy nhất trắng đều đau đáu tìm và lưu giữ hồn vía của biển, chất mặn mòi chát chúa của người làng biển. Những người suốt đời ăn cá, ngủ cá, cúng cá, thờ cá.... Và khi người nằm xuống  vây quanh mỗi nấm mộ là những hàng dài lu khạp, chum vại dùng để muối cá. 

Đau đáu với biển của thời nguyên sơ, nên mỗi khuôn hình chọn lựa, mỗi cú bấm máy của Mỹ Dũng đều lấy điểm tựa là một câu ca dao, tục ngữ, vốn là lời ăn tiếng nói bao đời của người dân biển. “Thuyền không bánh lái thuyền quay/ Em không cha mẹ ai bày em nên”, “Đàn ông đi biển có đôi/ Đàn bà đi biển mồ côi một mình”, ta bắt gặp cảnh bé gái cùng cha đan lưới, hay những người đàn bà kéo thuyền ở vùng biển Hoằng Hóa, Thanh Hóa. Cảnh người đàn bà chở cá vùng biển xóm Duống (xã Chí Công, huyện Tuy Phong, Bình Thuận) “Làng tôi nghề biển nghề sông/ Những hôm trời lặng cá trong cá ngoài”. Còn đây là người mẹ tần tảo nhặt từng manh cá vụn ở vạn Vũng Tàu, xã Bình Châu, Bình Sơn (Quảng Ngãi) “Ngủ đi cho mẹ đi mò/ Tôm rang đầy chảo, cá kho đầy nồi/ Ngủ đi cho mẹ đi hôi/ Cá nấu đầy nồi chị múc em ăn”, …

Chúng ta trong biển ảnh 3 Bè tử - ảnh Mỹ Dũng (chụp tại Hoằng Trường, Hoằng Hóa, Thanh Hóa)

Đau đau những “nghĩa trang” xám xịt xác tàu thuyền, trên nền cát trắng xóa miền Trung. Những bãi biển, những chiếc thuyền cũng mang thân phận con người, với đủ cách chết thiên táng, địa táng, thủy táng, hỏa táng, và cả rác táng - bị rác thải chôn lấp. Ám tượng với ngọn lửa đen bốc lên rừng rực từ giữa lòng con thuyền bị xả bản (phá bỏ) ở làng chài cổ 500 năm Nam Thọ (Thọ Quang, Đà Nẵng).

“Biển trong chúng ta”. Còn chúng ta ở đâu, trong biển? 

Triển lãm ảnh “Biển trong chúng ta” (The Ocean Within Us) của NSNA Mỹ Dũng đang diễn ra tại Bảo tàng Mỹ thuật  (78 Lê Duẩn, TP Đà Nẵng) từ ngày 19/10 đến 26/10/2018.

MỚI - NÓNG
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
TPO - Đại sứ Pháp tại Việt Nam Olivier Brochet chia sẻ về những dấu ấn ngoại giao giữa hai nước trong năm 2024, những lĩnh vực hợp tác tiềm năng, những cảm nhận của cá nhân ông về văn hóa Việt Nam. Ông bày tỏ sự ấn tượng khi thấy nhiều người Việt Nam có thể vận chuyển những cây đào, cây quất rất to bằng xe máy mỗi dịp Tết cổ truyền về.