Nhà báo Huỳnh Dũng Nhân có 35 năm chuyên viết phóng sự kể, khi tôi đi hỏi sinh viên bao nhiêu bạn đọc báo điện tử, báo mạng thì 100% giơ tay, còn đọc báo in thì chỉ có 10 bạn, nhưng kêu nhắc 1 bài báo nào đã đọc thì không nhớ. Đa số các bạn lên mạng đọc báo điện tử mục giải trí là chủ yếu.
"Một bạn hỏi hồi xưa làm báo khó khăn là gì? Tôi trả lời hồi đó không có internet, tất cả phải làm bằng tay nên rất khó khăn. Còn giờ chỉ cần ngồi phòng lạnh là có tất cả. Thế bây giờ khó ở chỗ nào? Tôi trả lời khó là do có internet. Cái gì người ta cũng đi trước mình, báo mạng chỉ cần 5 phút là đăng rồi.
Giữa mạng xã hội và báo chí đang chạy đua. Theo tôi, báo in không thể chạy đua tốc độ nhanh với mạng xã hội nữa. Chúng ta phải đua bằng đột phá, loạt bài điều tra. Tôi cho rằng, sự thật là trọng tài cho cuộc đua giữa mạng xã hội và báo chí" - nhà báo Huỳnh Dũng Nhân chia sẻ.
Nhà báo Huỳnh Dũng Nhân khẳng định, chúng ta đứng giữa “mê hồn trận” mạng xã hội, vì vậy phải tỉnh táo trước mọi thông tin có được. Không tận dụng mạng xã hội để trở thành người sống bi quan, mà phải trở thành người tử tế.
Mạng xã hội và báo chí tác động lẫn nhau, báo chí lấy thông tin từ mạng xã hội nhưng có sự chọn lọc, ngược lại mạng xã hội cũng lấy thông tin từ báo chí, nhất là thông tin đúng sự thật.
BS Hồ Nhật Quang, Giám đốc Công ty đào tạo huấn luyện Thân Tâm Trí chia sẻ, đối với nhiều bạn trẻ đăng facebook nhiều vấn đề rất tiêu cực. Nếu bạn không “like”, share” thật sự thì không biết người đăng tin ấy có đang bị tổn thương hay không. Rất nhiều bệnh nhân tôi điều trị, khi xem các nội dung họ đăng tải có thể biết được họ đang gặp vấn đề gì. Mạng xã hội như một công cụ bạn chia sẻ cảm xúc của mình, nhưng làm sao để các bạn thật sự hiểu được những gì mà bạn đang làm mới là vấn đề.
Khi chia sẻ thì bạn cảm thấy thỏa mãn cảm xúc cá nhân. Bạn cần xây dựng cho mình một lối sống tích, cực, lạc quan ngay lúc này thì mới chia sẻ những điều tích cực lên đó.
“Khi dùng mạng xã hội nhiều dễ mắc bệnh hoang tưởng. Muốn trị liệu thì phải quay lại giá trị thực, tạm dừng 1 thời gian để tìm lại suy nghĩ, nhận thức trong cuộc sống thực tế của mình” – BS Quang tư vấn.
TS tâm lý Đào Lê Hòa An cho biết do việc mạng xã hội nhanh, nên đòi hỏi người sử dụng cần có những kỹ năng xử lý thông tin và đánh giá những tác động của mạng xã hội lên bản thân. Nhu cầu thể hiện bản sắc cá nhân của người trẻ rất lớn tuy nhiên khả năng của bản thân thì không đáp ứng được. Do đó, các bạn trẻ đã tìm những cách thể hiện một cách lệch lạc. “Like không phải vì thích mà là like cho chết” là đều rất nguy hiểm trên mạng xã hội” – TS An nói.
Vì vậy, theo TS Hòa An, nên có mục đích, mục tiêu sử dụng mạng xã cho bản thân trong tương lai. Đồng thời chú ý chất lượng like hơn là số lượng like là ở chỗ đó.
Ths tâm lý Lê Thị Hằng, Trưởng bộ môn Tâm lý – Khoa Du lịch và Việt Nam học Trường ĐH Nguyễn Tất Thành cho biết, mạng xã hội là nơi để chúng ta kết nối quan hệ, cũng là yếu tố giúp con người xích lại gần nhau hơn trong nhịp sống hối hả với sự bận rộn cùng xu thế của nền kinh tế thị trường.
Mạng xã hội là nơi cho bạn rất nhiều thông tin, hỗ trợ bạn truy cập một khối lượng kiến thức khổng lồ phục vụ cho công việc và cuộc sống. Dường như kinh doanh truyền thống với việc tốn quá nhiều chi phí và công sức thì mạng xã hội lại là sự lựa chọn ưu việt cho việc kinh doanh, buôn bán hàng hóa. Bạn buồn, bạn vui bạn muốn lưu giữ những kỹ ức hạnh phúc của tuổi trẻ mạng xã hội là kênh thông tin hữu ích nhất mà giới trẻ lựa chọn. Có thể nói, mạng xã hội mang lại một xu hướng sống mới, xu hướng của công nghệ số của một thế giới mở.
Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích mạng xã hội mang lại, chúng ta cũng phải nhìn nhận và tự đặt câu hỏi với những điều chúng ta đã và đang chứng kiến khi có một bộ phận giới trẻ đang sử dụng mạng xã hội có phù hợp với văn hóa ứng xử của lứa tuổi các em hay không và nó ảnh hưởng như thế nào đến tâm lý và sự phát triển nhân cách của các em?
Theo bà Hằng, mỗi click chuột là thể hiện xu hướng cũng như động cơ của mỗi các bạn trẻ dựa trên xu hướng sống của họ. Tại sao bạn like câu chuyện này mà không like vấn đề kia, tại sao giới trẻ quan tâm quá nhiều vấn đề này mà quên đi những giá trị khác vì họ đang thể hiện xu hướng giá trị của bản thân. Mạng ảo và thế giới nội tâm của bản thân giới trẻ luôn có sự gắn kết với nhau, nếu bạn không quan tâm đến vấn đề đó, nếu giới trẻ không chú trọng đến những hình tượng ấy thì sẽ không có những cơn bão like và chia sẽ như một làn sóng trên mạng xã hội. Giới trẻ thể hiện xu hướng của cá nhân rất rõ thông qua văn hóa ứng xử trên mạng xã hội.
Văn hóa ứng xử trên mạng xã hội vô tình trở thành con dao giết chết hay nâng đỡ một người nào đó về thể chất lẫn tinh thần. Một lời chê bai, một lời bình luận vô tình có thể làm tổn thương sâu sắc đến tâm lý của một người nào đó mà chúng ta không hề quen biết. Những lời khen ngợi, động viên, cổ vũ cũng có thể là một liều thuốc tinh thần giúp cho giới trẻ thấy tự tin và sống lạc quan hơn - Ths tâm lý Lê Thị Hằng chia sẻ.