Chung niềm gắn bó với thư pháp Việt

Mọi người đều tập trung, chăm chú với từng nét chữ, nét vẽ
Mọi người đều tập trung, chăm chú với từng nét chữ, nét vẽ
TP - Các cô giáo, thầy giáo dạy nghệ thuật thư pháp Việt ở khắp các vùng miền đất nước vừa tập trung tại TP Tam Kỳ để giao lưu, truyền đạt kinh nghiệm với nhau. Một không gian riêng của bút, mực, giấy và... tâm hồn.

Bắt đầu từ chữ duyên

Họ đều là giáo viên công tác lâu năm ở trường học và các trung tâm dạy nghệ thuật thư pháp Việt các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Khánh Hòa, Quảng Nam, Gia Lai, Đắk Lắk, TP Hồ Chí Minh... Từ niềm đam mê ban đầu với nét chữ đẹp, họ có cơ duyên đến với nghệ thuật thư pháp Việt. Đó là quá trình dài rèn luyện để tạo nên những dấu ấn riêng. Nhiều người đã được vinh danh giải thưởng quốc gia.

Trung tâm Rèn luyện kỹ năng- luyện chữ đẹp Ái Nghĩa (81/24 Nguyễn Thái Học, TP Tam Kỳ) do cô giáo Nguyễn Thị Nghĩa - giáo viên Trường Tiểu học Kim Đồng (đường Điện Biên Phủ, TP Tam Kỳ) lập nên là nơi họ tề tựu trong những ngày qua. Cô Nghĩa cho biết, nhiều năm qua, những người gắn bó với nghệ thuật thư pháp Việt thường hay “hò hẹn” qua các trang mạng xã hội để tâm tình cùng nhau.

“Cái duyên của những người chung niềm đam mê, gắn bó đã đưa chúng tôi xích lại gần nhau. Dù đã có được những thành tựu riêng, nhưng ai trong chúng tôi cũng thấy mình còn khiếm khuyết để học hỏi thêm, trau dồi, hướng đến hoàn thiện nghệ thuật thư pháp Việt”, cô Nghĩa nói.

Cô Nguyễn Ngô Nữ Quân - giáo viên Trường Tiểu học Cam Phước Tây 1 (huyện Cam Lâm, Khánh Hòa) cho biết, cơ duyên đến với nghệ thuật viết chữ đẹp là tình yêu với tiếng Việt. Theo cô, tiếng Việt rất phong phú, đa dạng, có thể biểu đạt được mọi cung bậc của cảm xúc qua những nhạc phẩm, thi phẩm, văn học, kịch...

“Tôi dạy cho tất cả những ai muốn viết chữ đẹp như học sinh, sinh viên, giáo viên, bác sỹ. Tôi muốn truyền đến họ tình yêu tiếng Việt qua nét bút tao nhã để biểu hiện thế giới sống động, lan tỏa những vẻ đẹp nhân văn đến với mọi người”, cô Quân nói. Theo cô Quân, trong suốt quãng thời gian giảng dạy trong nhà trường, cô luôn đề cao nghệ thuật trang trí bảng - bố trí, trình bày các bài giảng thật bắt mắt, cuốn hút, mời gọi khám phá của học sinh, qua đó kích thích giác quan sáng tạo cũng như khơi dậy tư duy khám phá của mỗi em.

Chiều sâu văn hóa

Thầy Phạm Xuân Dũng - giáo viên đến từ TP Hồ Chí Minh đã trình bày, chia sẻ với các giáo viên về nghệ thuật thư pháp calligraphy. Theo thầy Dũng, calligraphy có thể truyền cảm hứng cho tất cả những ai muốn gắn bó với nghệ thuật thư pháp Việt bằng tình yêu sâu sắc. Bút dùng cho nghệ thuật này có thể là bút cán thẳng hoặc cán nghiêng. Trong đó, bút nghiêng chấm mực là loại có thể tạo ra nhiều hiệu ứng tốt nhất.

Cây bút thường có cán bằng gỗ, ngòi sắt được gắn góc xéo so với thân gỗ, tạo góc nghiêng với cán bút. Loại mực dùng cũng có độ đặc hơn mực thông thường để bám tốt vào ngòi. Các kỹ thuật viết tạo nét thẳng, nét uốn lượn, nét thanh, nét đậm, độ nghiêng chuẩn, duy trì đúng kích cỡ chữ cái, đúng khoảng cách con chữ, đúng quy tắc phông chữ đều là những điểm khó trong bộ môn này mà người viết cần thao tác đúng.

Chứng kiến các buổi giao lưu, học tập, nhận thấy không gian im ắng, nghiêm trang, người trình bày lẫn người học đều kiên nhẫn, tập trung, phong thái đĩnh đạc, tĩnh tâm vốn là đặc trưng của nghệ thuật thư pháp. “Chữ chính là từ tâm mà viết ra. Chữ phản ánh rõ đời sống tinh thần, chiều sâu văn hóa của người thể hiện. Ai rèn luyện, trau dồi càng sâu sắc thì càng có thể biểu đạt được vẻ đẹp tinh khiết”, thầy Dũng nói.

Theo học nghệ thuật thư pháp Việt, các cô giáo cho rằng, rèn chữ, rèn nghệ thuật đã giúp họ vượt qua được nhiều thăng trầm của cuộc sống. Thư pháp giúp họ vững niềm tin yêu, vượt qua được nhiều bế tắc và khẳng định mình qua những nét bút vững vàng, thanh thoát, cương nghị mà mềm mại.

“Chữ viết thể hiện nội tâm của con người. Rèn thư pháp giúp tôi khơi dậy những tình cảm trong sáng lành mạnh, loại bỏ những nhỏ nhen khiến cho tâm hồn rộng mở”, cô Nghĩa nói. Tâm niệm của cô Nghĩa cũng như các giáo viên trong những ngày qua là rất tâm huyết gắn bó với duyên nghiệp hay con đường nghệ thuật đã chọn. Họ bảo, thấy tràn đầy sinh lực, hạnh phúc khi được theo đuổi, duy trì niềm đam mê và lan tỏa cái đẹp thư pháp đến với đông đảo mọi người.

MỚI - NÓNG