Chung kết EURO: Người Anh hãy cẩn thận

0:00 / 0:00
0:00
Đội trưởng tuyển Ý Chiellini được cho là đã chơi đòn tâm lý chiến với đội trưởng tuyển Tây Ban Nha với những hành động thân mật cực kỳ khoa trương trong lúc trọng tài tiến hành tung đồng xu chọn cầu môn thực hiện loạt sút luân lưu
Đội trưởng tuyển Ý Chiellini được cho là đã chơi đòn tâm lý chiến với đội trưởng tuyển Tây Ban Nha với những hành động thân mật cực kỳ khoa trương trong lúc trọng tài tiến hành tung đồng xu chọn cầu môn thực hiện loạt sút luân lưu
TP - Người Ý xuất hiện ở chung kết, không chỉ tuyển Anh phải đối mặt với đối thủ khó khăn nhất, mà ngay cả UEFA cũng phải dè chừng những tay “cáo già” đến từ đất nước hình chiếc ủng.

Cầu thủ Ý đa phần sở hữu nhan sắc “Nam thần”, toát lên vẻ phong trần, cuốn hút và hào hoa. Một số ngôi sao sân cỏ còn giống như một chính khách, lịch lãm và đầy quyền uy. Đơn cử như cựu danh thủ Alessandro Costacurta. Ông được những người hâm mộ Ý đặt cho biệt danh “thượng nghị sỹ”, một trí thức toàn diện trên sân cỏ.

Costacurta là cầu thủ duy nhất và độc nhất không chỉ của Ý sau khi rời sân cỏ là vùi đầu vào thư viện. Costacurta biết rành rẽ 5 ngoại ngữ, có hai bằng Đại học, làm MC cho một chương trình ca nhạc ăn khách trên radio và có kiến thức rộng lớn về hội họa và lịch sử.

Nhưng Costacurta lại… không đại diện cho cầu thủ Ý nói chung, cũng không đại diện cho các hậu vệ Ý nói riêng. Bởi lẽ, Costacurta không chơi tiểu xảo, không dùng mưu mô “chiếm lợi thế trước đối thủ”. Các đồng nghiệp khác thì ngược lại. Họ luôn ra sân với cả chuyên môn lẫn rất nhiều những đòn ngón tiểu xảo khiến đối phương muốn tử tế cũng chẳng thể bình yên!

Cả thế giới biết đến danh hiệu “đồ tể” của Matterazzi, điển hình là pha gây ức chế để Zinedine Zidane thực hiện cú húc đầu và nhận thẻ đỏ, để rồi sau đó, Pháp mất ngôi vô địch World Cup 2006. Trung vệ có gương mặt vừa giống quỷ sứ, vừa giống bố già luôn là nỗi khiếp đảm của các tiền đạo.

Trước Matterazzi, tuyển Ý còn vô số những cầu thủ đá vừa rắn, vừa tiểu xảo trứ danh. Euro 1980 và World Cup 1982, Michel Platini của Pháp, Diego Maradona của Argentina, Rumenigger của Đức cùng hàng loạt ngôi sao tấn công thế giới từng ám ảnh đến mức “sởn gai ốc” với những cú tắc bóng của hậu vệ Ý Claudio Gentile.

Chưa kể, trong lúc đeo bám, Gentile còn “đụng chạm” và có những lời lẽ có ý đồ gây ức chế với đối phương, khiến họ không thể thi đấu bình thường. Các trọng tài hồi đó chưa nghiêm như bây giờ và Gentile đã tận dụng triệt để kẽ hở này để “dằn mặt” tất cả các ngôi sao mà ông được giao nhiệm vụ kèm cặp. Người Ý từng thành công với những hậu vệ có phong cách thi đấu “phá đối phương” như thế.

Tuy nhiên, hiện nay không chỉ các hậu vệ, mà toàn bộ các thành viên tuyển Ý đã biết cách cùng nhau tham gia vào cuộc chiến tâm lý trước những đối thủ quan trọng.

Ngay sau trận bán kết giữa tuyển Anh và Đan Mạch, lần lượt Chiellini, Verratti, rồi truyền thông bản địa ở Ý đã cùng lên tiếng gây sức ép với đối thủ. “Bố già” Chiellini thay mặt cả đội, “nhắc nhở” cả tuyển Anh lẫn UEFA về lợi thế sân nhà mà thầy trò HLV Gareth Southgate được hưởng. “Chào các bạn, rất dễ đoán là tuyển Anh sẽ vào đến chung kết vì họ có 6 trận thi đấu sân nhà”, trung vệ đội trưởng tuyển Ý mở đầu cuộc họp báo hôm 8/7 trước buổi tập. Một lời phát biểu đầy hàm ý!

Tiếp đó, ngay sau buổi tập, Chiellini tung cú đấm thứ hai khi khen ngợi: “Tuyển Anh dùng đội hình dự bị cũng đủ vô địch Euro”. Dễ nhận thấy, trung vệ này muốn tạo ra “điểm mù” trước dàn cầu thủ trẻ của Anh, để họ bớt đi quyết tâm và phần nào, nhìn nhận đối thủ nhẹ nhàng hơn.

Trước đó, báo chí Anh cũng “soi” màn tiểu xảo của Chiellini với Jordi Alba trong vụ tung đồng xu chọn sân đá luân lưu khi trận Tây Ban Nha - Ý kết thúc hoà sau 120 phút. Kết quả, tuyển Ý có lợi thế khi màn “đấu súng” diễn ra bên phía cầu môn có đông CĐV Ý và tuyển Ý giành chiến thắng sau cú sút hỏng của Morata.

Sau Chiellini, Verratti - tiền vệ luôn tranh luận nhiều nhất với trọng tài, đối thủ trong tất cả các trận đấu, từ PSG đến tuyển Ý - lên tiếng… khen ngợi Danny Makkelie: “Trọng tài đã thể hiện đức tính tốt khi hào phóng với tuyển Anh bằng quyết định thổi phạt penalty Đan Mạch”.

Và cũng giống Chiellini, chân chuyền này lập tức khen ngợi dàn cầu thủ Anh chất lượng và HLV Southgate là người giỏi nhất xứ sương mù.

Một ngày sau phát biểu của hai trụ cột tuyển Ý, báo chí bản địa vào cuộc. Tờ La Gazzetta dello Sport mô tả tình huống phạm lỗi của hậu vệ Đan Mạch với Sterling “không hề tồn tại” và họ đặt dấu hỏi về tính minh bạch trong việc “có hay không chuyện UEFA ủng hộ đội chủ nhà?”.

La Gazzetta dello Sport còn nhấn mạnh đến khía cạnh, UEFA “có thể muốn đáp lễ” Thủ tướng Anh Boris Johnson vì ông là người có tiếng nói mạnh mẽ, ủng hộ việc hủy bỏ Super League, nơi 6 CLB lớn gồm Man City, MU, Chelsea, Tottenham, Liverpool, Arsenal “đầu têu” khởi sự.

Một serie đòn tâm lý chiến trước trận chung kết được người Ý ném ra truyền thông có thể chưa phải yếu tố then chốt giúp họ giành chiến thắng trước tuyển Anh. Tuy nhiên, chắc chắn một điều là UEFA, các đài truyền hình và cả thầy trò HLV Gareth Southgate cũng phải cực kỳ thận trọng khi trận chung kết diễn ra.

VAR phải làm việc và can thiệp mạnh mẽ hơn nếu trường hợp tương tự trận Đan Mạch xảy ra. Còn UEFA, họ sẽ phải làm vài động tác xoa dịu tuyển Ý bằng cách này hay cách khác để không khí trận đấu không nóng lên theo hướng tiêu cực.

Thế nhưng, cũng chưa ai có thể dự đoán được, các cầu thủ cáo già của đội bóng này, như Chiellini, Verratti, Bonucci, Di Lorenzo và cả Jorginho - người rất hiểu bóng đá Anh sẽ ứng xử thế nào với đồng nghiệp ở trận đấu này. Cách chơi triệt hạ kiểu Gentile không tồn tại nữa, nhưng phương án gây ức chế bằng nhiều cách như Matterazzi đã làm với Zidane ở World Cup 2006 thì vẫn có thể xảy ra. Người Ý luôn luôn là bậc thầy trong các cuộc đấu tay đôi một mất một còn theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng!

MỚI - NÓNG