Như vậy, năm nay, Bộ GD&ĐT vẫn chưa công nhận chứng chỉ ngoại ngữ theo khung 6 bậc châu Âu do các trường ĐH của Việt Nam tổ chức thi và cấp chứng chỉ để miễn thi ngoại ngữ cho thí sinh khi xét tốt nghiệp THPT.
Trước đó, năm 2014, Bộ GD&ĐT đã ban hành Thông tư khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc cho Việt Nam. Từ năm 2015, Bộ đã công nhận một số cơ sở giáo dục ĐH được tham gia rà soát năng lực ngoại ngữ giáo viên tiếng Anh và được cấp chứng chỉ ngoại ngữ này. Năm 2016, Bộ GD&ĐT cũng đã ban hành Quyết định 1477 về định dạng đề thi đánh giá năng lực sử dụng tiếng Anh bậc 3 theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam (dành cho học sinh trung học phổ thông).
Bộ GD&ĐT có trách nhiệm trong việc công nhận giá trị chứng chỉ ngoại ngữ nội Ảnh: Mạnh Thắng |
Hằng năm, Bộ GD&ĐT đều công bố danh sách các cơ sở giáo dục ĐH đủ điều kiện tổ chức thi và cấp chứng chỉ ngoại ngữ nội. Tuy nhiên, thực tế, những chứng chỉ này chỉ dùng để đánh giá giáo viên phổ thông trong việc giảng dạy tiếng Anh, gần như không được các trường ĐH sử dụng để xét tuyển sinh. Năm 2022, Trường ĐH Ngoại ngữ, ĐH Quốc gia Hà Nội là đơn vị đào tạo ĐH đầu tiên sử dụng chứng chỉ ngoại ngữ nội để xét tuyển sinh ĐH và có 21 thí sinh đã trúng tuyển ngành ngôn ngữ Anh và sư phạm tiếng Anh. Đây cũng là một trong những đơn vị được Bộ GD&ĐT cho phép tổ chức thi và cấp chứng chỉ ngoại ngữ nội đầu tiên ở Việt Nam.
Năm nay có thêm một số cơ sở giáo dục ĐH khác công nhận chứng chỉ này để tuyển sinh như ĐH Bách khoa Hà Nội; ĐH Quốc gia TPHCM, đồng thời cũng yêu cầu các trường thành viên công nhận chứng chỉ ngoại ngữ nội để tuyển sinh, đào tạo và xét công nhận tốt nghiệp.
Một nghịch lý là bản thân chính các trường được phép tổ chức thi, cấp chứng chỉ ngoại ngữ cũng không sử dụng chứng chỉ này để tuyển sinh. Về phía Bộ GD&ĐT, dù đã cho phép các trường tổ chức thi, cấp chứng chỉ từ năm 2015 nhưng đến nay, chứng chỉ ngoại ngữ nội chưa từng được công nhận để miễn thi ngoại ngữ cho học sinh khi xét tốt nghiệp THPT.
Lãnh đạo các trường ĐH tổ chức thi cấp chứng chỉ ngoại ngữ nội cho biết từng gửi kiến nghị lên Bộ GD&ĐT nhưng không nhận được câu trả lời thỏa đáng.
“Lép vế” trên sân nhà
Trong khi đó, PGS.TS Trần Trung Kiên, Trưởng phòng Tuyển sinh, ĐH Bách khoa Hà Nội cho hay, tuyển sinh là do các trường ĐH, quyết định sử dụng chứng chỉ nào là do các trường. “ĐH Bách khoa Hà Nội đã cho sinh viên thi thử chứng chỉ ngoại ngữ và thấy có thể chấp nhận được nên từ năm nay, Đề án tuyển sinh có đưa chứng chỉ này vào danh mục xét tuyển”, TS Kiên chia sẻ.
Tuy nhiên, những người trong cuộc nhìn nhận bài thi đánh giá năng lực ngoại ngữ trong nước chưa có quy chuẩn đồng đều. Chất lượng kỹ thuật tổ chức thi và chất lượng khảo thí gồm chấm thi, người chấm thi chưa đảm bảo tính công bằng như thi quốc tế. Hạn chế lớn nhất của chứng chỉ ngoại ngữ nội hiện nay là chưa được quốc tế và các đơn vị sử dụng lao động công nhận. Chính vì vậy dù chi phí thi rẻ, đã có một số trường ĐH công nhận nhưng chứng chỉ ngoại ngữ nội vẫn “lép vế” trên sân nhà. Một chuyên gia cho rằng cần có sự đối sánh giữa bài thi trong nước và quốc tế để có nhìn nhận khách quan về chất lượng chứng chỉ, định hướng cho người thi.
Trao đổi về vấn đề này, đại diện cục quản lý chất lượng Bộ GD&ĐT cho biết năm nay Bộ chưa đưa chứng chỉ nội vào danh mục miễn thi ngoại ngữ để xét tốt nghiệp THPT nhưng trong tương lai khi thành lập Hội đồng đánh giá và đối sánh sẽ xem xét và khuyến khích việc này.
Chia sẻ về ưu điểm của chứng chỉ nội, PGS. TS Hà Lê Kim Anh, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại ngữ, ĐH Quốc gia Hà Nội cho biết chứng chỉ đã được Bộ GD&ĐT phê duyệt. Đây cũng là định dạng bài thi được xây dựng trên cơ sở những đề tài nghiên cứu khoa học của Đề án ngoại ngữ quốc gia nên chất lượng của những bài thi bảo đảm và có thể sánh ngang các bài thi quốc tế. Qua một năm triển khai, tất cả thí sinh trúng tuyển đều đáp ứng tốt yêu cầu ngoại ngữ, kỹ năng giao tiếp và có thể học tốt tại trường.