Chùm truyện 99 chữ của Sáu Nghệ

Chùm truyện 99 chữ của Sáu Nghệ
TP - Thi với người giàu

> Chùm truyện 99 chữ của Sáu Nghệ

Tam Phượng thi vào lớp tại chức với nhiều người giàu nên khấp khởi, học thày không tày học bạn, biết đâu cơ hội thoát nghèo. Môn đầu, cô giáo than máy lạnh ở nhà hư, nhờ lớp sửa giùm; lớp cười, góp tiền mua cái mới tặng. Môn tiếp theo, thầy giáo kêu láp-tóp cũ, lớp cũng cười và góp tiền. Tam Phượng trình bày cảnh nghèo, mong lớp châm chế. Lớp bảo: “Nghèo đừng đi học”. Kết quả, Tam Phượng làm bài tốt nhưng trượt, ngộ ra thi với người giàu khó đậu.

Không làm chuyên môn

Kiểm tra để chọn kỹ thuật viên nông nghiệp. Giám khảo là một nhà chuyên môn nhưng thích thơ phú. Biết vậy, khi trả lời về quan điểm với nông nghiệp, Tam Phượng láu lỉnh vận dụng thơ: “Muôn đời ta vẫn là ta”. Giám khảo cắt ngang: “Ta vẫn là ta thì không cần học hành, thay đổi gì cả hay sao?”. Tam Phượng vội xoa tay, lễ phép: “Dạ, xin cho đậu để có đồng lương hàng tháng chứ tôi xin thề, không làm chuyên môn, chỉ làm quản lý”. Tam Phượng đậu.

Như đi chùa

Đưa con đi thi, Tam Phượng mới thấy sự học là trời bể. Ở nhà nhất mẹ nhì con, đến trường thi thấy nhiều người sáng láng không bì được, còn thấy thiên hạ quá trời giàu có. Cửa trường thì hẹp, Tam Phượng thương con đến nỗi bữa cơm cứ nghẹn ngào. Nhưng thấy bên cạnh, có hai cha con còn nghèo hơn, chỉ ăn khoai. Tam Phượng sớt cơm đem mời. Hai cha con luống cuống từ chối. Tam Phượng nói: “Con sãi thôi mà, xin coi như chúng ta gặp nhau ở chùa”.

Khổ con trẻ

Con đi thi về kể, đề mở nên làm hứng thú, chỉ lo không đúng đáp án. Vợ Tam Phượng hỏi: “Đề mở sao còn có đáp án?”. Tam Phượng nói: “Người lớn muốn vậy”. Vợ hỏi tiếp: “Những đề thi về lòng trung thực, dũng cảm, sao bình luận dữ dằn?”. Tam Phượng hỏi lại: “Mình nghèo thì muốn con thế nào?”. Vợ Tam Phượng trả lời ngay: “Giàu có!”. Tam Phượng thở dài: “Khổ con trẻ! Người lớn thiếu thứ gì là cứ muốn con trẻ phải có thứ đó và làm ầm lên”.

Cần Thơ tháng 5/2013

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG