Anh Nguyễn Thanh Hùng cho biết bắt đầu từ ngày 9 tháng Chạp (âm lịch), anh bắt đầu dọn đồ nghề ra địa điểm gần nhà để bắt đầu với công việc nhận chùi và đánh bóng lư đồng cho khách.
“Năm nào cũng vậy, sau ngày 23 tháng Chạp, các gia đình cúng tiễn ông Táo và gia tiên thì cũng là thời điểm mọi người dọn dẹp bàn thờ để ngày Tết cúng rước ông bà. Do đó, những ai có bộ bộ lư đồng, đồ đồng trang trí đã cũ đều tìm đến những người thợ chùi lư để làm mới. Thời điểm này công việc của chúng tôi trở nên tất bật”- Anh Hùng chia sẻ.
Chị Kiều – vợ anh Hùng đang tỉ mỉ ghi lại thông tin khách hàng để tránh nhầm lẫn lư của khách.
Việc ghi chú được tiến hành cẩn thận trên từng sản phẩm.
Vợ anh Hùng, chị Nguyễn Thị Kiều cho biết: công việc chùi lư làm theo mùa vụ. Mỗi năm chỉ đông khách từ đầu tháng Chạp âm lịch và đến 30 Tết. Do đó để đảm bảo cuộc sống, ngày bình thường, vợ chồng chị bán gà nướng và cơm tấm ở gần nhà.
Còn theo anh Hùng, việc chùi, đánh bóng lư đồng không đơn giản như nhiều người nghĩ. Để đánh bóng một bộ lư đồng, người thợ phải trải qua nhiều công đoạn.
“Mỗi bộ lư có mỗi giá khác nhau. Tuỳ vào kích cỡ, hiện trạng của bộ lư mà quyết định. Giá mỗi bộ mỗi khác, không hề giống nhau. Có những bộ khó chùi nên phải tốn sức và tốn tiền mua thuốc tẩy rửa nên giá cũng cao cao. Công chùi một bộ giá từ vài chục đến vài trăm nghìn. Có những bộ lư khó phải tốn sức thợ nên giá lên đến 600 nghìn đồng” – anh Hùng chia sẻ.
Tháo những chi tiết nhỏ trên sản phẩm để dễ lau chùi, đánh bóng.
Rửa với nước tẩy và xà phòng.
Đối với những sản phẩm khó chùi sạch, anh Hùng sẽ dùng thuốc tẩy rửa.
Việc dùng thuốc tẩy rửa được tiến hành cẩn thận.
Sau khi nhận lư đồng từ khách, công đoạn tiếp theo là rửa sơ lư đồng với dung dịch tẩy rửa và xà phòng, Việc phải dùng thuốc tẩy và axit nên cũng ảnh hưởng ít nhiều đến sức khỏe người thợ.
Chị Nguyễn Thị Kiều (vợ anh Hùng) chia sẻ: “Hoá chất tẩy rửa rất nóng, nếu không để ý mà bị dính vào tay thì sẽ có cảm giác bỏng rát vô cùng khó chịu”.
Công đoạn dùng máy để đánh bóng. Các mảng bám do quá trình oxi hoá sẽ được đánh bay, chiếc lư đồng sẽ dần sáng bóng như lúc mới được sản xuất.
Sản phẩm trước và sau khi được đánh bóng.
Vẫn theo chị Kiều, từ ngày 25 tháng Chạp, điểm chùi lư đồng của vợ chồng chị đã nhận khoảng 50-70 bộ lư đồng. Chị Kiều ước tính, những ngày cận Tết số lượng khách gửi lư để chùi sẽ gia tăng đột biến. Do đó, chị và chồng đã nhờ người anh rể ở quê lên hỗ trợ để kịp làm giao cho khách.