Tại hội nghị, Bộ GD&ĐT giới thiệu về chuẩn cơ sở giáo dục ĐH gồm 6 tiêu chuẩn, 20 tiêu chí với 28 chỉ số. Trường ĐH sẽ phải nhập dữ liệu vào hệ thống sau đó Bộ sẽ công bố công khai cho xã hội.
Bộ GD&ĐT cho hay hiện chưa có chế tài với các cơ sở giáo dục ĐH chưa đạt chuẩn nhưng dựa vào công bố công khai để tạo sự cạnh tranh giữa các trường. Căn cứ chuẩn cơ sở giáo dục ĐH bộ sẽ sửa lại các Thông tư để ép các trường chưa đạt chuẩn như Thông tư về mở ngành đào tạo, Thông tư xác định chỉ tiêu…
Sinh viên ĐH Bách khoa Hà Nội đang học tập tại phòng lap Ảnh: Nghiêm Huê |
Tuy vậy, trình bày tại hội nghị, GS.TS Vũ Văn Yêm, ĐH Bách khoa Hà Nội thông tin, hiện ĐH này có trên 44 nghìn sinh viên các hệ đã được quy đổi. Diện tích của ĐH Bách khoa hiện nay là 26 ha. Nếu áp theo tiêu chuẩn, tiêu chí, chỉ số về cơ sở vật chất như trong Thông tư là 25m2/sinh viên thì ĐH Bách khoa Hà Nội còn thiếu 20ha mới đạt được chuẩn.
Ghi nhận bên hành lang buổi tập huấn, đại diện các trường ĐH cho biết hiện ngoài tiêu chí về diện tích đất, còn có một số tiêu chí khác ít trường tại Việt Nam đạt như diện tích sàn (2,8m2/sinh viên), số giáo trình (40 giáo trình/ngành), doanh thu từ nghiên cứu khoa học (doanh thu 3 năm gần nhất không thấp hơn 5% trên tổng doanh thu), công bố quốc tế (0,3 bài/năm/giảng viên cơ hữu) như Thông tư đặt ra.
Hướng tới quy hoạch mạng lưới trường ĐH
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn nhấn mạnh, từ khi thực hiện chủ trương tự chủ ĐH, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật của Giáo dục ĐH đã từng bước có những thay đổi. Các cơ quan quản lý nhà nước, cụ thể là Bộ GD&ĐT ban hành các văn bản như chuẩn cơ sở giáo dục ĐH, chuẩn các chương trình đào tạo…
Ông Sơn khẳng định mục đích đầu tiên của chuẩn cơ sở giáo dục ĐH là để thực hiện quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục ĐH. Khi quy hoạch mạng lưới được ban hành sẽ có nhiều việc phải làm, trong đó có việc sắp xếp, mở rộng không gian phát triển, định hướng phát triển của các cơ sở giáo dục ĐH, đều phải dựa trên những tiêu chuẩn đã được ban hành, đáp ứng các nhu cầu về nguồn nhân lực, về phát triển khoa học công nghệ. Đây là yêu cầu của cả hệ thống giáo dục ĐH.
Theo ông Sơn, chuẩn cơ sở giáo dục ĐH là vấn đề giám sát, công khai minh bạch để cơ quan nhà nước và toàn xã hội giám sát cũng như để các trường phấn đấu nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động.
Với các tiêu chuẩn, tiêu chí, chỉ số trong Thông tư, ông Sơn cho rằng các tiêu chí mang tính đại diện khá đầy đủ cho các lĩnh vực, các mảng hoạt động, kết quả hoạt động cốt yếu của các trường ĐH, từ tổ chức bộ máy quản trị, cho tới nguồn lực về đội ngũ giảng viên, về cơ sở vật chất, về tài chính, kết quả hoạt động về tuyển sinh, đào tạo, nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo. Các chỉ số mang tính định lượng cao, khá đơn giản trong việc tính toán, giám sát, theo dõi, thực hiện.
Ông Sơn mong muốn các cơ sở giáo dục ĐH sẽ hiểu đúng, hiểu rõ thông tư, thực hiện có hiệu quả, đồng thời làm căn cứ để các trường có những đối sánh giữa năm trước, năm sau và trong tương lai, giữa các cơ sở giáo dục ĐH, để đánh giá hiện trạng như thế nào, đặt ra các mục tiêu theo từng khía cạnh, từng tiêu chí.
PGS.TS Nguyễn Thu Thuỷ, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD&ĐT hy vọng, việc thực hiện chuẩn cơ sở giáo dục ĐH sẽ giúp các trường nâng cao năng lực, có cơ sở dữ liệu để so sánh, thực hiện tốt hơn nữa công việc giảng dạy, đảm bảo nhu cầu cho người học, các nhà hoạch định chính sách sẽ hoạch định chính sách hiệu quả từ thông tin, dữ liệu của các cơ sở giáo dục ĐH.
Theo đánh giá của chuyên gia, việc ban hành chuẩn cơ sở giáo dục ĐH, Bộ GD&ĐT mong muốn “dọn đường” để quy hoạch lại mạng lưới các trường ĐH. Trong đó, yêu cầu về diện tích đất là một trong những điểm cốt yếu để đưa các trường ĐH từ khu vực nội thành các thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM ra ngoại thành.