> Mưa to tắc đường, ngập sâu ở nhiều nơi
Trận mưa chiều 14-6 nhấn chìm nhiều tuyến phố. |
Theo Cty Thoát nước Hà Nội, dù Cty đã chủ động lên phương án để giữ mực nước trên toàn hệ thống mương, sông, hồ ở mức thấp, tổ chức ứng trực tại hiện trường, vớt rác tại miệng thu hàm ếch, khơi thông dòng chảy, nhưng do lượng mưa lớn tập trung trong thời gian ngắn, nên nhiều vị trí bị úng ngập và ứ đọng nước.
“Với những trận mưa lớn hơn 100 mm như chiều 14-6, trên địa bàn đã xảy ra nhiều điểm úng ngập. Theo thống kê, trong mưa, trên địa bàn có trên 30 điểm ngập úng”, đại diện Cty Thoát nước cho biết.
Theo Sở Xây dựng Hà Nội, để hạn chế tình trạng úng ngập cục bộ trên địa bàn, thành phố đang hoàn thiện quy hoạch thoát nước đô thị Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn 2050 để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Quy hoạch hướng tới mục tiêu xóa bỏ từng bước ngập úng ở trung tâm Thủ đô. |
Theo ông Nguyễn Lê, Tổng giám đốc Cty Thoát nước Hà Nội, phương án thoát nước mùa mưa và phòng chống úng ngập khu vực nội thành năm nay được Cty đưa ra với mục tiêu đưa nước nhanh nhất về các nguồn tiêu, giảm thiểu mức độ úng ngập đô thị.
Tuy nhiên, với lượng mưa trên 100mm, ngoài các biện pháp đã lên phương án, Cty buộc phải phá dỡ các đập chắn, đập dẫn dòng trên hệ thống thoát nước.
“Chúng tôi buộc phải tháo dỡ rất nhiều đập chắn, cho đến ngày 15-6, Cty vẫn phải tiếp tục xả nước, tháo đập chắn”, ông Lê nói.
Ông Lê cho biết, ngoài 21 điểm đen về ngập úng, hiện còn phát sinh thêm nhiều điểm ngập mới do các công trình, dự án thi công chậm tiến độ, chậm bàn giao công trình.
Qua mấy trận mưa đầu mùa vừa qua, ở khu vực đường Vành đai 3 đoạn qua đường Nguyễn Xiển, Nghiêm Xuân Yêm; khu vực chân cầu Vĩnh Tuy thuộc đường Minh Khai đã xảy ra ngập úng cục bộ. Đây là những điểm phát sinh mới về ngập úng gây ách tắc giao thông.
“Các phương án, lực lượng đều chủ động, nhưng với hệ thống hạ tầng hiện nay thì lượng mưa trên 100mm cần phải có thời gian chứ không thể giảm úng ngập ngay được”, ông Lê nói.