Chuẩn bị thi THPT quốc gia 2019: Tìm giải pháp 'chặn' tiêu cực

Đoàn công tác của Bộ GD&ĐT kiểm tra công tác chuẩn bị thi tại Yên Bái Ảnh: nghiêm huê
Đoàn công tác của Bộ GD&ĐT kiểm tra công tác chuẩn bị thi tại Yên Bái Ảnh: nghiêm huê
TP - Theo nhận định của lãnh đạo Bộ GD&ĐT, kỳ thi THPT quốc gia 2019, khâu chấm thi đã có những giải pháp kỹ thuật để chống gian lận thi cử. Vì vậy, khâu coi thi, khâu làm đề cần phải được chú ý sát sao. Vì rất có thể, những gian lận có thể tập trung ở hai khâu này. Nhất là vấn đề lộ, lọt đề thi sẽ gây ảnh hưởng rất lớn đến toàn kỳ thi. Rút kinh nghiệm từ năm 2018, chống gian lận thi cử là một trong những nhiệm vụ quan trọng của các ban chỉ đạo thi.

Sau gian lận, 3 địa phương cam kết lấy lại niềm tin trong nhân dân

Cơn bão tiêu cực thi cử quét qua ba địa phương Sơn La, Hòa Bình, Hà Giang năm 2018 để lại một khoảng trống rất lớn về nhân sự khi bước vào kỳ thi THPT quốc gia 2019.

Sơn La chỉ có duy nhất 1 phó giám đốc Sở GD&ĐT phụ trách mới được bổ nhiệm hơn 20 ngày. Trưởng ban chỉ đạo thi là phó chủ tịch UBND tỉnh cũng là người mới được giao nhiệm vụ gần 20 ngày. Đó còn chưa kể những đơn vị quan trọng như phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng, phòng Thanh tra của Sở cũng “thủng lỗ chỗ” khi những người đứng đầu đều liên quan đến gian lận thi cử phải điều chuyển từ đơn vị khác sang.

Hòa Bình cũng thay Trưởng ban chỉ đạo thi, lãnh đạo cấp sở GD&ĐT chỉ còn 1 giám đốc và 1 phó giám đốc, 2 phó giám đốc còn lại đang trong thời gian xem xét vì liên quan đến gian lận thi cử. Các phòng chức năng cũng không còn đội ngũ cũ nhiều kinh nghiệm tổ chức thi.

Tương tự, Hà Giang cũng lâm vào cảnh thiếu nhân sự trầm trọng khi 2 giám đốc vướng lao lý, phòng Khảo thí cũng như rắn mất đầu khi trưởng phòng bị bắt ngay từ lúc tiêu cực thi cử được khui ra. Như vậy nhân sự trong Ban chỉ đạo thi của các địa phương này chủ yếu dựa vào các trường ĐH, CĐ tham gia coi thi, chấm thi. Theo phân công của Bộ GD&ĐT, 12 trường ĐH, CĐ sẽ phối hợp làm công tác thi tại Sơn La, Hòa Bình, Hà Giang.

Rút kinh nghiệm từ năm 2018, dù bộ phận chủ chốt là những người mới, nhưng 3 địa phương đều quyết tâm tổ chức một kỳ thi an toàn, nghiêm túc, lấy lại niềm tin trong nhân dân và xã hội. Theo ông Nguyễn Văn Chiến, Phó giám đốc phụ trách Sở GD&ĐT Sơn La, Phó ban Thường trực thi tỉnh Sơn La, tất cả cán bộ tham gia làm thi của địa phương này đều phải qua vòng thẩm định nhân thân của công an, những ai đảm bảo được các yêu cầu về phẩm chất chính trị, tinh thần trách nhiệm, năng lực chuyên môn… mới được lựa chọn. Điều này thể hiện sự quyết tâm của tỉnh trong việc tổ chức một kỳ thi thực sự an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế.

Đặc biệt, Sở GD&ĐT Hòa Bình vừa gửi văn bản đến các đơn vị trực thuộc đề nghị giới thiệu nhân sự tham gia thanh tra coi kỳ thi THPT quốc gia năm 2019. Yêu cầu đầu tiên của Sở đối với cán bộ, giáo viên tham gia thanh tra coi thi phải đảm bảo điều kiện: Có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt; Có ý thức trách nhiệm, liêm khiết, trung thực, công minh, khách quan; Là cộng tác viên thanh tra có kinh nghiệm thanh tra thi; Nắm vững Quy chế thi và nghiệp vụ thanh tra, kiểm tra thi; Không có người thân (cha, mẹ, vợ, chồng, con, anh, chị, em ruột; cha, mẹ, anh, chị, em ruột của vợ hoặc chồng) tham dự kỳ thi THPT quốc gia năm 2019; Không trong thời gian bị kỷ luật hoặc đang trong quá trình xem xét trách nhiệm liên quan đến tiêu cực về thi. Mỗi đơn vị căn cứ vào số lượng cộng tác viên thanh tra giới thiệu 2 cán bộ, giáo viên tham gia làm nhiệm vụ thanh tra coi thi kỳ thi THPT quốc gia năm 2019. Vì là những người mới nên Sở GD&ĐT Hòa Bình đã mời  lãnh đạo Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD&ĐT trực tiếp tập huấn cho toàn bộ cán bộ, chuyên viên làm nhiệm vụ thi năm nay của Sở.

Đối với nhân sự để tổ chức kỳ thi, ông Nguyễn Thế Bình, Phó giám đốc phụ trách, Sở GD&ĐT Hà Giang cho hay việc này được chủ động rà soát, lựa chọn và phối hợp với ngành chức năng như công an, viện kiểm sát để xem xét nhân sự tham gia kỳ thi trước khi có quyết định chính thức. Sở cũng đã chủ động phối hợp với công an tỉnh đề nghị có sắp xếp cán bộ theo yêu cầu của quy chế.

Không chỉ riêng 3 địa phương này, mà vấn đề nhân sự năm nay cũng được các địa phương khác rất quan tâm và có sự chuẩn bị kỹ lưỡng.

Không dùng một phương thức chung cho tất cả các điểm thi

Kiểm tra thực tế tại một số địa phương, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ cho biết mỗi điểm thi có đặc điểm về cơ sở vật chất, khoảng cách với nhà dân, độ cao tường rào, cách bố trí các phòng thi… khác nhau. Do đó, chúng ta không thể dùng một công thức chung cho tất cả điểm thi mà phải căn cứ vào tình hình thực tiễn để có kế hoạch phù hợp, khả thi. Để làm được việc này, cần phải đi thực địa, làm việc trước với điểm thi để biết cách bố trí phòng thi, điều kiện thực tế của nơi đó ra sao, từ đó mới đưa ra kế hoạch bố trí nhân sự giám sát, công an, các phương án tổ chức… chặt chẽ và triển khai thực hiện hiệu quả. Ông cũng nhấn mạnh đến việc các cán bộ làm thi không được tự “sáng tạo” quy chế thi. “Phân công rõ người, rõ việc, rõ quy trình, rõ trách nhiệm và rõ sản phẩm; “5 rõ” này nếu chúng ta làm tốt thì sẽ kiểm soát tốt được các khâu của kỳ thi” – Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ lưu ý và nhắc lại quan điểm chỉ đạo kỳ thi THPT quốc gia phải chặt chẽ, đúng quy chế, nghiêm túc nhưng không tạo không khí căng thẳng, để thí sinh có tâm lý thoải mái và hoàn thành tốt các bài làm của mình.

Theo ông Vũ Đình Chuẩn, Vụ trưởng Vụ giáo dục Trung học, Bộ GD&ĐT, , các địa phương cần chú ý đối tượng thí sinh tự do. Năm 2018, có thể thấy đối tượng này khá phức tạp. Do đó, cần phải quan tâm đặc biệt đến những thí sinh này. Đặc biệt là các chiến sĩ nghĩa vụ. Các khâu cũng phải phân công cụ thể, chi tiết. Phải có biên bản ghi lại. Từng người phải chịu trách nhiệm cụ thể. Đảm bảo mỗi người trong phần việc của mình phải nắm quy chế. Tức phải chuyên nghiệp từng vị trí. Chánh Thanh tra Bộ GD&ĐT Nguyễn Huy Bằng cùng đại diện của A06, A03 Bộ Công an đều nhắc nhở các địa phương vai trò của lực lượng công an, lực lượng thanh tra, lực lượng giám sát trong quá trình tổ chức kỳ thi.

Năm 2018, khi những gian lận thi cử được đưa ra ánh sáng, Bộ GD&ĐT nhận thấy có trách nhiệm của lực lượng thanh tra trong khâu chấm thi. Ví dụ như tại Hà Giang, hai cán bộ của trường ĐH Tân Trào được giao nhiệm vụ thanh tra chấm thi đã bỏ “chốt” về trường tham gia bỏ phiếu tín nhiệm. Và đúng ngày hôm đó, hơn 100 thí sinh đã được nâng điểm thi.

Chính vì vậy. năm nay, công tác thanh tra theo ông Nguyễn Huy Bằng có nhiều đổi mới. Trong đó, cán bộ thanh tra, kiểm tra chịu trách nhiệm liên đới đối với các vi phạm Quy chế thi của tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện nhiệm vụ được giao.

Đặc biệt, cán bộ, công chức, viên chức, không tham gia công tác thanh tra, kiểm tra thi khi đang trong thời gian bị kỷ luật hoặc đang trong quá trình xem xét trách nhiệm liên quan đến tiêu cực về thi. Bộ GD&ĐT yêu cầu cán bộ thanh tra, kiểm tra làm việc liên tục tại vị trí được phân công; báo cáo Trưởng đoàn thanh tra kịp thời về lý do vắng mặt tại địa điểm thanh tra, kiểm tra trong thời gian thanh tra, kiểm tra (nếu có).

Điểm mới của kỳ thi năm nay đó là ngoài sự giám sát của lực lượng thanh tra, hệ thống camera cũng được lắp đặt và hoạt động 24/24 tại các phòng chấm thi. Tại Nghệ An, ngoài lắp camera khu vực chấm thi, khu vực làm đề cũng có camera để giám sát.

MỚI - NÓNG
Vang mãi khúc quân hành
Vang mãi khúc quân hành
TPO - Ngày 14/12, Học viện Kỹ thuật Quân sự tổ chức Ngày hội văn hóa và chương trình nghệ thuật “Vang mãi khúc quân hành” thiết thực hướng tới chào mừng kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam và 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân.