Tác giả nghiên cứu Ravi Marthy và cộng sự đã tiêm bào tử dòng vi khuẩn Clostridium Novy-NT vào khối u của 6 bệnh nhân ung thư. Kết quả cho thấy 5 người vẫn còn sống trong 7 tháng sau đó và 1 người tử vong với nguyên nhân không liên quan đến bệnh trạng. Sự tăng trưởng của vi khuẩn được theo dõi qua hình ảnh chụp cắt lớp vi tính (CT) và hình ảnh cộng hưởng từ (MRI).
TS Marthy giải thích: “Khi đạt đến kích thước nào đó, nhiều phần trong khối u không nhận được ôxy và kháng với liệu pháp thông thường như xạ trị hay hóa trị. C.Novy-NT phát triển trong điều kiện đó, bám vào khu vực thiếu ôxy và phá hủy khối u từ bên trong nhưng không tác động đến các mô bình thường”. Nhà nghiên cứu TS Filip Janku nói thêm: “Về căn bản, C.Novy-NT gây nên tình trạng nhiễm trùng có khả năng tiêu diệt ung thư bên trong khối u”. Mặt khác, nhóm nghiên cứu cho rằng C.Novy-NT đồng thời kích hoạt phản ứng kháng ung thư của hệ miễn dịch.