Ông Trí đang làm việc tất bật với các ngân hàng để có tiền trả nợ nông dân và cứu Bình An cho bằng được vì gia đình ông dồn hết tâm huyết vào đây. |
Ngày 6-8, ông Trần Văn Trí, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Thủy sản Bình An (Bianfishco) bay ra Hà Nội đàm phán một lần nữa với các chủ nợ ngân hàng để thống nhất chủ sở hữu 25 triệu cổ phần trước đây thuộc sở hữu của vợ là bà Phạm Thị Diệu Hiền. Số cổ phần này do Bianfishco phát hành, mệnh giá 250 tỷ đồng, chiếm 50% vốn điều lệ của Công ty Bình An.
Chuyện nhập nhằng xảy ra một phần do lúc còn làm Tổng giám đốc Bianfishco, bà Hiền đồng thời thế chấp 25 triệu cổ phần cho Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) và Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) chi nhánh khu vực Cần Thơ - Hậu Giang. Chưa hết, sau đó bà lại bán chính số cổ phần này cho Công ty cổ phần Đầu tư, tư vấn, dịch vụ Hồ Mây.
Cụ thể, ngày 2-8-2010, bà Hiền thế chấp toàn bộ số cổ phần cá nhân đang nắm giữ tại Bianfishco cho BIDV để lấy vốn đầu tư sản xuất kinh doanh. Đến ngày 11-1-2011 số cổ phần này được bà Hiền thế chấp cho VDB chi nhánh Cần Thơ - Hậu Giang và hai bên đã đăng ký giao dịch bảo đảm.
Nửa năm sau, ngày 13-7-2011 bà Hiền tiếp tục mang 25 triệu cổ phần chuyển nhượng cho Công ty Hồ Mây (được Habubank ủy thác). Ngày 9-9-2011 thêm một cổ đông của Bianfishco chuyển nhượng cho Công ty Hồ Mây trên 9 triệu cổ phần, chiếm 10,01% vốn của Công ty Bình An. Tổng cộng tất cả các khoản góp vốn, ủy thác đầu tư, Habubank nắm tới 39 triệu cổ phần, tương đương 78% vốn điều lệ Bianfishco.
Habubank sau đó phải tái cơ cấu, sáp nhập vào Ngân hàng cổ phần Sài Gòn - Hà Nội của bầu Hiển, nên toàn bộ các khoản nợ của Bình An được chuyển giao sao cho chủ mới là SHB.
Để chính thức trở thành cổ đông lớn nhất của Bianfishco, SHB cam kết phát hành thư bảo lãnh (không hủy ngang vô điều kiện) cho Bianfishco nhằm thực hiện nghĩa vụ trả nợ vay (cả gốc, lãi và các nghĩa vụ tài chính phát sinh có liên quan) của VDB tại các hợp đồng tín dụng đầu tư, tín dụng xuất khẩu. Khi thư bảo lãnh có hiệu lực, VDB giải chấp toàn bộ tài sản bảo đảm tiền vay của Bianfishco, trong đó có 25 triệu cổ phần mang tên Phạm Thị Diệu Hiền để ông Trí và SHB đến Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Cần Thơ làm giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh mới.
Công văn của VDB đồng ý giao sổ cổ đông do bà Hiền đứng tên cho SHB khi phát hành thư bảo lãnh nợ nần của Bianfishco. |
Cứ tưởng mọi chuyện được giải quyết êm đẹp, nào ngờ hai tuần trước Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Cần Thơ nhận được công văn của BIDV chi nhánh Sở Giao dịch TP HCM với nội dung 25 triệu cổ phần do Bianfishco phát hành mang tên bà Hiền đã được thế chấp tại đây. Ngân hàng này yêu cầu Sở kế hoạch và Đầu tư TP Cần Thơ nếu muốn thực hiện các thủ tục pháp lý thay đổi giấy phép kinh doanh cho Bianfishco liên quan đến 25 triệu cổ phần của bà Hiền thì phải có văn bản giải chấp của BIDV.
Lý giải về chuyện một tài sản được đem đi thế chấp tại nhiều ngân hàng, Tổng giám đốc Bianfishco Trần Văn Trí cho biết, hai năm trước, vợ ông được BIDV đề nghị giao 25 triệu cổ phần để được ngân hàng này bơm thêm vốn đầu tư kinh doanh. Thế nhưng khi giao cổ phần mà Bianfishco không nhận được thêm đồng nào từ phía BIDV.
"Khoản Bianfishco nợ 193 tỷ đồng tại BIDV chỉ liên quan đến tài sản thế chấp trị giá trên 300 tỷ đồng là dây chuyền sản xuất và vùng nuôi trồng thủy sản 100 ha”, ông Trí nói.
Còn về việc tại sao sau đó cổ phần đã thế chấp ở VDB rồi bà Hiền vẫn bán cho đơn vị khác, ông Trí không giải thích rõ, chỉ cho biết, việc mua bán giữa bà Hiền và Công ty Hồ Mây được thực hiện theo hợp đồng kỳ hạn 5 năm. Rất có thể bà Hiền tính toán thời điểm bàn giao cổ phần là khi đến thời hạn giải chấp khoản vay ở VDB.
Cũng theo ông Trí, do Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Cần Thơ nhận được văn bản của BIDV nên Sở này đề nghị ông làm việc với Chi nhánh Sở Giao dịch 2, TP HCM. Trong những ngày hàng chục nông dân đến biệt thự trên đường 30/4, TP Cần Thơ đòi Bianfishco trả tiền bán cá, ông Trí từ Hà Nội bay về TP HCM đàm phán với BIDV chi nhánh Sở Giao dịch 2, TP HCM liên quan đến 25 triệu cổ phần của bà Diệu Hiền.
Một nguồn tin cho biết, việc đàm phán của ông Trí đã đạt được kết quả tốt đẹp nhưng mọi giấy tờ phải được Chi nhánh Sở Giao dịch 2 TP HCM chuyển ra Hội sở chính của BIDV tại Hà Nội để lãnh đạo ngân hàng này phán quyết theo thẩm quyền. Theo ông Trí, có thể ngày 7-8 sẽ bay về mang theo đầy đủ giấy tờ cần thiết để được Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Cần Thơ cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh với hai thay đổi chính là SHB chiếm 50% vốn điều lệ của Bianfishco và người đại diện theo pháp luật là ông Trí, thay thế cho bà Phạm Thị Diệu Hiền.
Đường đi của 25 triệu cổ phần Bianfishco từ tháng 8/20120 đến khi bán cho Công ty Hồ Mây theo hợp đồng ủy thác với Hababubank. |
Lý giải về việc trên giấy tờ SHB nắm giữ 78% vốn điều lệ của Bianfishco nhưng thực tế ngân hàng này chỉ đề nghị ghi nhận sở hữu với 50% cổ phần, ông Trí nói: “Theo tôi, Công ty Bình An làm ăn thua lỗ nên số cổ phần của Diệu Hiền đang được bàn tán xôn xao giờ đây chỉ còn là tờ giấy lộn. Vì vậy, ngân hàng của bầu Hiển chỉ cần nắm giữ 50% vốn điều lệ của Bianfishco. Sau này Công ty Bình An tái cấu trúc theo hướng tăng thêm vốn điều lệ lên 1.200 - 1.500 tỷ đồng thì SHB bơm thêm vốn cho đủ 600-750 tỷ đồng. Trước mắt, nếu có giấy phép đăng ký kinh doanh thì SHB sẽ rót tiền về để tôi trả nợ nông dân”, ông Trí nhấn mạnh.
Nữ đại gia Phạm Thị Diệu Hiền vẫn điều trị bệnh tại Mỹ chưa về nên trước mắt các nghi vấn xung quanh đường đi của 25 triệu cổ phần Bianfishco chưa thể làm sáng tỏ. Vấn đề được đặt ra là có hay không có sự khuất tất trong việc một tài sản được đem thế chấp tại 3 ngân hàng rồi lại bán cho một bên thứ tư.
Luật sư Nguyễn Văn Đức (Đoàn Luật sư TP Cần Thơ) cần làm rõ động cơ dùng 25 triệu cổ phần chưa được giải chấp ở ngân hàng này mà thế chấp cho ngân hàng kia rồi bán cho doanh nghiệp khác của bà Hiền.
“Theo tôi, cơ quan chức năng cần làm rõ có hay không hành vi gian dối của bà Hiền trong việc cầm cố, thế chấp và chuyển nhượng ở 3 nơi. Đối với bên nhận thế chấp, khi tiếp nhận giấy chứng nhận sở hữu cổ phần của bà Hiền, ngân hàng có biết 25 triệu cổ phần đã được bà Hiền thế chấp ở nơi khác. Nếu biết thì ngân hàng cũng phải chịu trách nhiệm trong vụ này”, luật sư Đức nêu quan điểm.
Trong khi đó, một luật sư khác tại Hà Nội (xin giấu tên) cho biết: “Một tài sản đảm bảo có thể thế chấp tại nhiều nơi với điều kiện số giá trị của tài sản bảo đảm lớn hơn tổng các nghĩa vụ được bảo. Hơn nữa, cũng chưa thể nói bà Hiền có dấu hiệu lừa đảo ở việc bán cổ phần này bởi còn phải xem xét những thỏa thuận riêng giữa các bên”.
Liên quan đến nợ nần của Công ty Bình An, UBND TP Cần Thơ đã có cuộc họp tổ thống kê và xử lý nợ tại Bianfishco. Theo báo cáo, đến giữa tháng 6-2012 Bianfishco nợ các ngân hàng, nông dân, đối tác và bảo hiểm xã hội thể hiện trên giấy tờ khoảng 1.791 tỷ đồng. Trong khi đó tài sản của Bianfishco chỉ hơn 1.320 tỷ đồng nên mất cân đối gần 500 tỷ đồng.
Tuy nhiên, ông Trí khẳng định sau khi bán tài sản, đất đai để trả nợ, hiện nay Bianfishco chỉ còn nợ trong nợ ngoài khoảng 900 tỷ đồng. Trong đó có khoảng 300 tỷ đồng là nợ phải thu được VDB đồng tình với Công ty Mua bán nợ và tài sản của doanh nghiệp (DATC – Bộ Tài chính) là chuyển thành vốn góp khi tái cơ cấu nợ của Bianfishco. Trong một biên bản ký kết với Bianfishco và ngân hàng của bầu Hiển, DATC chịu trách nhiệm làm đầu mối đàm phán với BIDV, VBD và các chủ nợ khác khoanh nợ cho Bianfishco trong hai năm không tính lãi.
Theo Vnexpress