Chưa rõ sừng tê giác của ông Trầm Bê về đâu

Chưa rõ sừng tê giác của ông Trầm Bê về đâu
TP - Chiều 11/10, trả lời PV Tiền Phong, ông Đỗ Quang Tùng, Giám đốc cơ quan quản lý Cites Việt Nam (Công ước về buôn bán quốc tế về các loại động, thực vật hoang dã nguy cấp) cho biết, sau hơn 1 năm vụ đại gia Trầm Bê (Phó Chủ tịch Thường trực HĐQT Sacombank) mất sừng tê giác, hiện Cites Việt Nam vẫn chưa nhận được nguyên nhân mất và kết quả điều tra vụ việc từ phía công an.

> ‘Sừng tê giác không phải là thần dược hay đẳng cấp’
> Việt Nam tiêu thụ nhiều sừng tê giác?

Theo ông Tùng, về nguồn gốc, mẫu vật tê giác trưng bày nhà ông Trầm Bê là hợp pháp. Tuy nhiên, quy định Cites hiện còn chung chung, ở Việt Nam chưa quy định cụ thể việc nhập hợp pháp có được cho, tặng, đưa ai sử dụng hay để nhờ nhà người khác hay không.

Đại diện Cites Việt Nam cho biết, hiện cơ quan này đang phối hợp với Quỹ quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF), xây dựng thông tư hướng dẫn quản lý các mẫu vật sau săn bắn trên. Lâu nay, Cites kiểm tra bằng cách rà chíp (gắn trên sừng tê giác) ở một số người nhập về, nhưng cũng không thể tiếp cận, kiểm tra đầy đủ các mẫu vật này. Ở Việt Nam, khi thuộc sở hữu cá nhân, việc kiểm tra kiểm soát khó, vì họ có quyền được thừa kế, cho tặng, chuyển giao.

Theo Cites Việt Nam, từ đầu năm 2012, Việt Nam đã ngừng việc nhập khẩu các mẫu vật tê giác. Từ đầu năm 2013 đến nay, Việt Nam phát hiện bắt giữ 4 vụ (hơn 20 kg) vận chuyển trái phép sừng tê giác có nguồn gốc từ Nam Phi. Các vụ việc này đều bị xử lý hình sự.

Liên quan đến bản báo cáo tóm tắt về tình hình sử dụng sừng tê giác ở Việt Nam do WWF và Mạng lưới Kiểm soát buôn bán động thực vật hoang dã (Traffic) công bố hồi tháng 9/2013, Cites Việt Nam cho rằng, thông tin chưa chính xác, bảng câu hỏi thiếu căn cứ khoa học, được xây dựng theo chủ ý của hai tổ chức trên. Việc này đã gây hiểu nhầm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến nỗ lực, uy tín của Việt Nam trong việc thực thi Cites.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG