Chưa phát hiện trường hợp ngủ rũ do tiêm vaccine cúm

Chưa phát hiện trường hợp ngủ rũ do tiêm vaccine cúm
TP - Trước thông tin một số trẻ em tại 12 quốc gia trên thế giới sau tiêm cúm có biểu hiện ngủ rũ, hôm qua, TS Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ cho biết, nguyên nhân có thể là do cơ địa nhạy cảm.

> Chưa phát hiện trẻ mắc chứng ngủ rũ sau tiêm vắc-xin cúm H1N1

Việt Nam đã đưa vaccine tiêm phòng cúm mùa vào tiêm chủng gồm các týp B, H3N2 và H1N1 đại dịch nên đã có khả năng phòng cúm A/H1N1.

Ông Nguyễn Nhật Cảm, Trưởng khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm và vaccine sinh phẩm (Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội) cho biết, Hà Nội chưa ghi nhận trường hợp nào phản ứng với vaccine này cũng như chứng ngủ rũ kể từ khi đưa vaccine phòng cúm A/H1N1 vào tiêm chủng (tháng 9 năm 2010). Nhưng để kết luận chính xác cần phải có nghiên cứu trên mẫu số bệnh nhân đủ lớn mới có thể đưa ra được khuyến cáo.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới, chứng ngủ rũ là một rối loạn giấc ngủ, gây mệt mỏi và thường khiến bệnh nhân rơi vào giấc ngủ mà không cảnh báo trước hoặc ngay trong khi đang làm việc gì đó. Bệnh thường xuất hiện ở người trẻ và hiếm khi gây tử vong.

Thống kê dịch tễ trong những năm vừa qua cho thấy virus cúm A/H1N1 và cúm A/H5N1 và cúm B thay phiên nhau lưu hành tại Việt Nam. Hiện nay đang là dịch cúm H1N1, so với năm ngoái số lượng bệnh nhân tăng hơn, chiếm 70-80% số bệnh nhân mắc cúm.

Thời điểm này, cúm A/H1N1 đang quay trở lại. Tuy có tăng về số lượng ca mắc nhưng lại giảm về các triệu chứng. TS Hiển cho hay đến nay chưa tìm thấy sự biến chủng và kháng thuốc của virus cúm A/H1N1.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG