Chưa nên thông qua Luật giáo dục Đại học kỳ này

Chưa nên thông qua Luật giáo dục Đại học kỳ này
TP - Ngày 25-5, các đại biểu QH thảo luận một số nội dung còn có ý kiến khác nhau về dự thảo Luật Giáo dục Đại học. PV Tiền Phong có cuộc trao đổi với một số chuyên gia về vấn đề này.

> Phân cấp cho địa phương không phải nới lỏng thi tốt nghiệp

Chúng ta đang làm ngược quy trình

GS TS Phạm Phụ

Nếu thông qua Luật Giáo dục Đại học (ĐH) trong kỳ họp Quốc hội lần này thì chúng ta làm ngược quy trình.

Luật Giáo dục ĐH là nội dung phải hành lang hóa các đường lối chính sách của nhà nước. Đường lối của Giáo dục thể hiện ở chiến lược giáo dục.

Tuy nhiên, Luật Giáo dục ĐH đang được Quốc hội bàn thảo để thông qua trong hoàn cảnh chiến lược Giáo dục 2011-2020 được đưa ra để bàn thảo đã bị dư luận phê bình và đã rút vào im lặng cách đây 3 năm;

Dự án Giáo dục ĐH 2 đang còn thuê tư vấn nước ngoài tốn hàng triệu đô la Mỹ để làm kế hoạch tổng thể trong 2 năm qua vẫn chưa xong! Điều quan trọng hơn cả là đến tận tháng 10-2012, hội nghị Trung ương 10 mới ra nghị quyết về GD&ĐT.

Điều đó có nghĩa là các quyết định lớn về đường lối chính sách cho Giáo dục ĐH còn chưa có. Vậy thì Luật Giáo dục ĐH nay nếu được thông qua làm sao có thể “hành lang hóa” các chính sách lớn? Nói quy trình ngược là vì vậy.

Theo tôi, có rất nhiều vấn đề quan trọng mang tính chiến lược nhưng chưa được đề xuất trong dự thảo Luật Giáo dục ĐH lần này.

Ví dụ, vấn đề tài chính cho Giáo dục ĐH là một bài toán khó, cần có những quyết định về đường lối có nhiều vấn đề liên quan như: Học phí, công bằng xã hội, vấn đề quỹ cho sinh viên vay vốn… Đây là những vấn đề dường như vắng bóng trong Luật Giáo dục ĐH lần này.

Ngoài ra, do chưa hiểu đúng những vấn đề bản chất, những người biên soạn Luật Giáo dục ĐH còn nhầm lẫn những vấn đề cơ bản trong ĐH tư thục khi phân biệt ĐH vì lợi nhuận, ĐH phi lợi nhuận và ĐH có mức độ lợi nhuận thích hợp hay cổ đông (trường ĐH hoạt động không vì lợi nhuận sẽ không có cổ đông).

Ở Khoản 7 Điều 4 còn nói, ĐH có vốn đầu tư nước ngoài mà lại không vì lợi nhuận (!) làm gì có chuyện đó, tại điều 4 còn có cả khái niệm tù mù là “tài sản chung không chia”, có cả “cổ đông” trong ĐH không vì lợi nhuận.v.v…

Những vấn đề bản chất như thế do người biên soạn không thấu hiểu mà đưa ra sẽ gây nhiễu, không có giá trị, không khả thi và thậm chí có hại trong cuộc sống.

Theo tôi, chúng ta chưa nên thông qua Luật Giáo dục ĐH trong kỳ họp QH lần này. Phải đợi ít nhất đến sau hội nghị Trung ương tháng 10 để có đường lối rõ ràng, có thể soạn thảo lại và thông qua vào năm 2013.

Tiến bộ hơn nhưng chưa đầy đủ

Chưa nên thông qua Luật giáo dục Đại học kỳ này ảnh 1
 

(GS TS Khoa học, Lâm Quang Thiệp, nguyên Vụ trưởng Vụ ĐH Bộ GD&ĐT) Dự thảo Luật Giáo dục ĐH lần cuối so với dự thảo lần đầu có nhiều tiến bộ và cho thấy đóng góp của Thường vụ QH rất lớn nên mới tạo được những tiến bộ đó.

Cụ thể là tôi quan tâm đến 3 tiến bộ mới: Hội đồng trường, đại học tư không vì lợi nhuận cũng quan trọng, phân tầng các trường ĐH để có thể đầu tư có chọn lọc.

Tuy nhiên, tôi vẫn chưa thấy thỏa mãn với bản dự thảo cuối cùng này, vì những điều đưa vào chưa triệt để lắm. Ví dụ, khái niệm Hội đồng trường được đưa ra từ năm 2003 nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện được.

Trong khi tôi chờ đợi Luật Giáo dục ĐH khẳng định: Hội đồng trường là cơ quan quyền lực cao nhất của một trường ĐH thì chúng ta vẫn còn nặng với cơ chế của Bộ chủ quản. Còn nhiều thứ chưa được đưa vào luật. Văn bản lần này đã có tiến bộ nhưng chưa đầy đủ.

Nếu Luật Giáo dục ĐH được thông qua thì sẽ phải sử dụng văn bản dưới luật quy định bổ sung những điều còn thiếu. Chúng tôi mong muốn nghị quyết Trung ương 10 ra trước và Luật Giáo dục ĐH ra sau.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Hà Nội cần phải bố trí, sắp xếp gần 2.500 cán bộ, công chức
Hà Nội cần phải bố trí, sắp xếp gần 2.500 cán bộ, công chức
TPO - Ngày 13/12, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài – Trưởng Ban Chỉ đạo thành phố về tổng kết thực hiện Nghị quyết số 18 đã ký ban hành Thông báo kết luận của Thường trực Ban chỉ đạo thành phố về định hướng sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị thành phố.