Chữa hóc xương bằng mẹo: May mắn ít, rủi ro nhiều

Ảnh minh họa: Internet
Ảnh minh họa: Internet
Khi thấy xương ra ngoài thì bạn có thể vui cười, trường hợp đó rất ít. Còn nếu xương trôi vào trong, bạn hết cảm giác mắc họng cũng đừng vội mừng, bởi chúng có thể làm thủng dạ dày, ruột.

Xương không ra mà rách thực quản

Chỉ vì muốn nuốt trôi cái xương cá bị hóc, anh Trương Văn B., 45 tuổi (Đống Đa, Hà Nội) đã phải cấp cứu vào Bệnh viện 345 vì tắc ruột. Nguyên nhân là do tối hôm trước anh ăn cá thì bị hóc xương. Anh cố gắng móc nhưng xương không ra. 

Sau đó, anh đã lên internet tra cách chữa hóc xương rồi thực hiện theo. Theo đó, anh ăn cùi bưởi, rồi chập 3 miếng cam làm 1 và nuốt chửng để cho xương trôi xuống. Sáng hôm sau anh bị đau bụng quằn quại, phải đi cấp cứu và kết quả chụp CT có khối xơ tắc tại ruột non. BS. Trương Thanh Tùng, Khoa Ngoại Chung, BV. 354, Đội Cấn, Hà Nội cho biết, tắc ruột do đọng bã thức là một bệnh nguy hiểm, nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến những biến chứng nặng như hoại tử, viêm phúc mạc và xuất huyết. Hầu hết, bệnh nhân thường phải phẫu thuật cấp cứu nếu không rất dễ tử vong.

Trước đó, BSCKII Vũ Đức Chung, Trưởng khoa Nội tiêu hóa bệnh viện 354, cũng đã phải gây mê nội soi gắp hai chạc xương cánh gà trong thực quản bệnh nhân Nguyễn Thị Lan, 38 tuổi (Sơn La). Bệnh nhân đến viện trong tình trạng đau vướng họng, ho, khạc ra máu. Nguyên nhân là do chị bị mắc xương gà và cố chữa bằng mẹo. Nội soi phát hiện mảnh xương gà mắc vào niêm mạc thực quản đoạn 1/3 giữa. Các bác sỹ đã tiến hành nội soi gây mê và lấy ra được cả một đoạn cánh gà có chạc trong thực quản bệnh nhân. Bác sỹ Chung cho biết tình trạng của chị Lan mà để thêm 1–2 ngày nữa có thể nguy hiểm tới tính mạng bởi dị vật đã bắt đầu tạo ổ áp xe, gây chảy máu, nếu xương đâm vào thực quản sẽ gây chảy máu ồ ạt và khó cứu.

Bác sỹ Chung cho rằng việc chữa hóc xương bằng mẹo như như dùng đũa cả hay ăn nắm cơm thật to, thậm chí nuốt cọng tàu chuối… là sai lầm. Các cách trị trên, nếu xương ra hoặc trôi vào chỉ là ăn may, còn hầu hết thì phải nhập viện trong tình trạng nặng hơn. Bởi khi cố tình lấy xương ra, xương có thể có thể từ thực quản chui ra ngoài. Khi đó, sẽ có nguy cơ xương cắm vào mạch máu, vì thực quản nằm sát với mạch máu lớn từ tim ra. Nếu xương làm thủng mạch máu, bệnh nhân rất dễ tử vong.

Xương trôi vào lại làm thủng ruột

hoc xuong

Các bác sỹ Khoa ngoại nhân dân BV Trung ương Quân đội 108, Hà Nội cũng đã phẫu thuật lấy ra được một cái xương cá đâm xuyên thủng hai thành ruột non của bệnh nhân Lê Thị Đ, ở Gia Hưng, Gia viễn, Ninh Bình. Bà D có triệu chứng đau dữ dội vùng quanh rốn và vùng mạn sườn trái. Gia đình đưa đi cấp cứu tại bệnh viện Ninh Bình vì nghĩ bà đau ruột thừa. 

Điều trị 3 ngày không đỡ nên bà được chuyển tới khoa ngoại nhân dân B15, bệnh viện Trung quân đội 108 trong tình trạng bụng chướng hơi, đau khắp ổ bụng, bụng tăng cảm. Kết quả siêu âm các quai ruột đầy hơi, chụp X quang thấy nhiều mức khí trong ổ bụng. Bệnh nhân được mổ cấp cứu trong ổ bụng có ít dịch mủ và giả mạc, đoạn tiểu tràng có 2 lỗ thủng do xương cá. Khai thác lại bệnh sử, người nhà bệnh nhân cho biết trước đó khoảng 20 ngày bệnh nhân có ăn cá, bị mắc xương và đã dùng mẹo để trôi xương vào.

Giải thích điều này, PGS.TS Triệu Triều Dương, Chủ nhiệm khoa Ngoại nhân dân, BV Trung ương Quân đội 108 cho biết, hệ thống tiêu hóa bao gồm đường tiêu hóa trên và tiêu hóa dưới. Những chất bã còn lại và những dị vật sẽ được đào thải ra ngoài. Về nguyên tắc những dị vật tròn, tù thì dễ di chuyển và được tống ra ngoài khi đại tiện còn những dị vật sắc, nhọn, dài có nguy cơ rất cao gây thủng ruột. Bác sỹ Dương cho biết bệnh viện cũng từng phẫu thuật cấp cứu cho không ít trường hợp tương tự.

Bác sỹ Dương cũng cảnh báo không chỉ người già, trẻ nhỏ mới dễ bị hóc xương mà những người trưởng thành, do bất cẩn khi ăn nhậu cũng rất dễ bị. Vì vậy mỗi người phải cẩn trọng và có biện pháp kiểm duyệt khi ăn uống.

Còn về các mẹo dân gian chữa hóc xương, bác sỹ Dương cho rằng cách chữa để xương trôi vào không phải cách hay. Nếu có khiến trương trôi vào thì cũng tăng nguy cơ thủng ruột, dạ dày nguy hiểm tính mạng.

Ứng cứu đúng khi hóc xương

- Khi thấy có dấu hiệu bị hóc xương, cần ngay lập tức ngưng nuốt.

- Cần cố gắng nôn ọe ra càng sớm càng tốt. Phương châm là đưa xương ra ngoài chứ không đẩy xương xuống dạ dày.

- Nếu xương không ra thì nên đến gặp bác sỹ để dùng dụng cụ y tế gắp ra.

Tuyệt đối không:

- Thò tay vào cố móc xương ra vì có thể làm xương trôi vào sâu.

-Không cố gắng khạc quá nhiều vì có thể gây phù thanh quản.

- Không dùng mẹo nuốt bất cứ thứ gì như cam, lá, chuối, cơm...

Theo Theo SKGĐ
MỚI - NÓNG