'Chưa hẳn vay tiền mua voi dễ vỡ nợ hơn mua chuột'

Cầu Bãi Cháy (Quảng Ninh) được xây dựng bằng vốn vay ODA, đang phát huy hiệu quả. Ảnh: Hồng Vĩnh
Cầu Bãi Cháy (Quảng Ninh) được xây dựng bằng vốn vay ODA, đang phát huy hiệu quả. Ảnh: Hồng Vĩnh
TP - Chúng ta mua một con voi thì phải trả nhiều hơn mua một con chuột, nhưng không hẳn là vay tiền để mua voi thì sẽ dễ vỡ nợ hơn là mua chuột - nhà nghiên cứu Nguyễn Trần Bạt nhận định.

> Năm 2012, kéo lạm phát xuống dưới 10% là khả thi
> Không nên quá lo lắng về nợ công?
> Nóng bỏng lạm phát, tai nạn giao thông

Cầu Bãi Cháy (Quảng Ninh) được xây dựng bằng vốn vay ODA, đang phát huy hiệu quả. Ảnh: Hồng Vĩnh
Cầu Bãi Cháy (Quảng Ninh) được xây dựng bằng vốn vay ODA, đang phát huy hiệu quả. Ảnh: Hồng Vĩnh.

Ông Nguyễn Trần Bạt nói: Nợ công ở châu Âu lớn, nhưng không phải nợ công của chúng ta bé đâu. Nợ nhiều hay nợ ít tùy mục tiêu mua. Chúng ta mua một con voi thì phải trả nhiều hơn mua một con chuột, nhưng không hẳn là vay tiền để mua voi thì sẽ dễ vỡ nợ hơn là mua chuột.

“Chúng ta chưa đủ bản lĩnh vay để mua, nuôi và khai thác một con voi mà chúng ta đã vội mua voi thì cái sai nằm ở chỗ là không cân đối được khả năng khai thác để trả nợ, khả năng đầu tư để tìm kiếm nguồn lợi để trả nợ” - nhà nghiên cứu Nguyễn Trần Bạt.

Nếu khả năng trả nợ của chúng ta không phù hợp với đòi hỏi quy mô nợ để mua một con chuột, thì chúng ta vẫn vỡ nợ. Nếu chúng ta mua một con voi, mà con voi ấy được sử dụng tốt để có thể thu hồi vốn trả nợ, thì cứ mua. Vấn đề là khả năng trả nợ.

Phải chăng chúng ta nhà nghèo mà lại thích nuôi voi?

Tôi nghĩ rằng, nhà nghèo không nuôi voi thì sẽ không bao giờ có voi cả. Nhiều nhà hoạch định chính sách rất muốn nuôi voi để chúng ta có quy mô, có tầm vóc. Khát vọng ấy không phải tồi, và không nên chỉ trích. Nhưng vay tiền để mua một con voi và khai thác con voi ấy để ra tiền trả nợ lại là một chuyện khác, đấy là bản lĩnh chung của cả nhà nước và xã hội.

Vì đầu tư là một loại kinh doanh tiền vốn, chúng ta không kinh doanh tiền vốn phù hợp với nợ nần của chúng ta, thì đấy là cái sai. Cái sai nằm ở đấy chứ không phải ở quy mô của sự vay mượn.

Nếu chưa biết sử dụng con voi ấy thì chưa nên mua voi vội?

Cái đấy thì đúng. Nhưng ai chứng minh là chúng ta chưa có khả năng nuôi voi nếu chúng ta không nuôi voi thử một lần? Cho nên, mọi sai lầm đều có thể tha thứ được, cái chính là nhận thức của chúng ta trong quá trình sửa chữa các sai lầm.

Ông Nguyễn Trần Bạt
Ông Nguyễn Trần Bạt .
 

Ông nhìn nhận thế nào về vấn đề nợ công gắn với chi tiêu công?

Trong khi nền kinh tế khó khăn, nợ công nước ngoài của chúng ta lên tới năm bảy chục tỷ đô la, dự trữ ngoại tệ của một nền kinh tế gần 100 triệu dân chỉ có mươi tỷ đô la thôi, thì mọi sự mua sắm không cân nhắc đều có lỗi cả. Nhưng tôi cũng không đồng ý với chiều cực đoan ngược lại, tức là để công chức, quan chức cao cấp của nhà nước sử dụng những chiếc xe, sập sệ có vẻ tiết kiệm như 30-40 năm trước đây chúng ta làm.

Một quan chức, hay một cương vị cần phải được tôn trọng, được xác định địa vị xã hội thông qua một số phương tiện vật chất. Vấn đề ở đây là tính hợp lý của quá trình mua sắm. Về chuyện này, tôi không có điều kiện để khảo sát tỉ mỉ, cho nên không thể chê hoặc khen được.

Tôi chỉ lưu ý, cần sự thận trọng trong việc chi tiêu trong điều kiện dự trữ của đất nước chúng ta mỏng, so với gánh nặng nợ nần mà chúng ta đã vấp phải trong quá trình phát triển.

Ông đánh giá việc đầu tư khoản vay như thế nào, có đem lại giá trị gia tăng nhiều, lợi nhuận nhanh hay không?

Chúng ta vay nợ để làm gì? Vay nợ xong chúng ta giao tiền cho ai? Hiệu suất đầu tư của đối tượng mà chúng ta bỏ tiền vào thế nào? Cho nên ngay lập tức khái niệm nợ công gắn liền với vấn đề cải cách các xí nghiệp nhà nước, nơi chính phủ chúng ta bỏ tiền nhiều nhất. Mà chính phủ chúng ta bỏ tiền vào doanh nghiệp nhà nước thì không phải là một hành vi kinh tế thuần túy, mà còn là một hành vi chính trị tổng hợp. Cho nên cuộc cải cách ấy gắn liền với nhiều cuộc cải cách khác mà đôi khi chúng ta làm nhưng không gọi tên được.

Phải giám định xã hội các quyết định quan trọng

Vậy, có cần giám định xã hội đối với các quyết định đầu tư công lớn để tránh lãng phí?

Giám định xã hội về các quyết định đầu tư là cực kỳ quan trọng. Chúng ta chưa có quy trình giám định xã hội. Quyền hạn của Quốc hội trong việc phê chuẩn các đề án bị hạn chế.

Hồi đến Pháp, đi trên đường phố Paris, tôi đọc được một cái biển thông báo do thị trưởng thành phố Paris ký, khắc bằng đồng, treo ở chỗ công cộng: “Thưa quý ông, quý bà, cách đây bao nhiêu thế kỷ chúng ta đã xây dựng con đường vòng quanh điện Pantheon. Lúc đó phương tiện giao thông nhỏ, người đi bộ nhiều nên chúng ta làm vỉa hè rộng hơn so với đường phố.

Bây giờ các phương tiện đi lại được hiện đại hóa, ô tô lớn hơn, người đi xe nhiều hơn người đi bộ. Vì thế, cho nên chúng tôi muốn làm nhỏ vỉa hè lại để mở rộng con đường ra. Xin quý ông, quý bà cho ý kiến để tòa thị chính có một quyết định phù hợp với ý nguyện của quý ông, quý bà”. Điều đó đáng được quan tâm, học hỏi.

Nhưng có nhiều việc chúng ta làm một chiều, chúng ta nói là nói theo ý chí của nhà quản lý, không tham khảo ý kiến của xã hội. Ví dụ như vấn đề thay đổi giờ làm, giờ học, thay đổi phương tiện giao thông. Tôi nghĩ là những quyết định quan trọng như vậy mà dựa vào một vài khảo sát, nghiên cứu sơ lược thì đấy là sự bộc lộ tính không có kỷ luật dân sự trong các quyết định điều hành.

Cảm ơn ông.

Bỏ ngôn ngữ xin - cho khỏi văn bản pháp luật

Ngôn ngữ xin-cho trong các văn bản pháp luật còn rất nặng nề, từ pháp luật cho đến hệ thống chính sách. Nhà nước giữ quyền cho và do đó phản ứng đương nhiên của xã hội là giữ quyền xin.

Đấy không phải là ngôn ngữ pháp quyền hay nói cách khác đấy là sự vắng bóng chất lượng pháp quyền ở trong hệ thống ngôn ngữ. Khi vắng bóng chất lượng pháp quyền thì không xây dựng nhà nước pháp quyền được. Tôi nghĩ có lẽ nên bắt đầu nhận thức việc cải cách thể chế bằng việc cải cách hệ thống ngôn ngữ.

Chúng ta phải nhìn nhận tất cả mối quan hệ xin - cho được khẳng định trong hệ thống ngôn ngữ văn bản như là một nhược điểm. Và, cải cách, đổi mới tức là chúng ta thay thế, loại bỏ các nhược điểm đó trong quá trình xây dựng các hệ thống văn bản pháp quy. Áp lực phải xin, áp lực phải cho, dù dưới dạng này hay dạng kia đều thể hiện quan hệ không lành mạnh giữa nhà nước và xã hội.

Phùng Nguyên

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Ninh Bình có tân Giám đốc Công an
Ninh Bình có tân Giám đốc Công an
TPO - Chiều 4/11, Cục Tổ chức cán bộ, Bộ Công an đã công bố quyết định điều động, bổ nhiệm Đại tá Đinh Việt Dũng, Phó Cục trưởng Cục An ninh nội địa, Bộ Công an làm Giám đốc Công an tỉnh Ninh Bình, kể từ ngày 6/11.