Anh H. Nam (Hoàng Mai, Hà Nội) chia sẻ dù anh đã không thể hoàn thiện thông tin thuê bao theo tin nhắn từ nhà mạng yêu cầu trước ngày 24/4, nhưng tới sáng nay (25/4), thuê bao của anh vẫn hoạt động bình thường.
"Vẫn không có gì xảy ra, thuê bao của tôi đang liên lạc bình thường", anh Nam nói.
Dường như những trường hợp tương tự anh Nam đều không bị nhà mạng chặn dịch vụ một chiều sau "giờ G" như thông báo.
Nhà mạng chỉ "hù" người dùng
Theo ghi nhận trên nhiều diễn đàn viễn thông lớn, chưa có người dùng nào phản ánh bị khóa một chiều dịch vụ sau 24/4, dù nhận được tin nhắn yêu cầu bổ sung thông tin từ nhà mạng nhưng không thể hoàn thành như quy định.
Thậm chí, nhiều thành viên còn khẳng định "chứng tỏ nhà mạng chỉ hù để người dùng xếp hàng chụp ảnh chân dung".
Chia sẻ từ đại diện các nhà mạng, do ngày 25/4 rơi vào dịp nghỉ lễ nên họ chưa thể có số liệu tổng hợp chính xác số lượng thuê bao hiện còn trong diện có khả năng bị khóa một chiều theo quy định tại Nghị định 49.
Việc chưa có thuê bao nào bị khóa một chiều sau ngày 24/4 cũng dễ hiểu, bởi thuê bao không đủ thông tin theo yêu cầu của Nghị định 49 sẽ chỉ bị khóa sau khi đoàn kiểm tra của cơ quan chức năng làm việc với nhà mạng, và phát hiện vi phạm.
Nếu phát hiện những thuê bao nào chưa hoàn thiện thông tin như thông báo, nhà mạng sẽ buộc phải dừng cung cấp dịch vụ viễn thông một chiều sau 15 ngày kể từ ngày gửi thông báo đầu tiên tới khách hàng, đồng thời thông báo thuê bao sẽ bị tạm dừng cung cấp dịch vụ hai chiều sau 15 ngày tiếp theo, nếu vẫn không hoàn thiện thông tin.
Sau 60 ngày kể từ lần thông báo đầu tiên, nếu chủ thuê bao tiếp tục không hợp tác, nhà mạng sẽ được yêu cầu cắt hợp đồng dịch vụ, thu hồi SIM số.
Các nhà mạng hiện chưa có con số cụ thể về số lượng thuê bao nằm trong diện có khả năng bị khóa một chiều. Ảnh: Phúc Minh.
Đại diện Cục Viễn thông cũng chia sẻ mốc 24/4 chỉ là hạn cuối cùng để các nhà mạng thực hiện trách nhiệm hoàn thiện thông tin khách hàng. Sau thời điểm này, nếu còn thuê bao thiếu thông tin chính chủ, nhà mạng sẽ phải chịu trách nhiệm với cơ quan chức năng, và phải thực hiện khóa dịch vụ với các thuê bao không bổ sung thông tin.
Cũng theo thông tin đại diện Cục Viễn thông chia sẻ với báo chí, trong số hơn 80 triệu thuê bao di động trả trước thì tỷ lệ đăng ký thông tin thuê bao chính xác khoảng 25%. Còn khoảng 75% thuê bao thông tin đăng ký sai, do đó phải bổ sung thông tin chính xác và chụp ảnh, để xác định chủ thuê bao này là có thật.
Nhiều phòng giao dịch nghỉ lễ, người dùng thư thả
Ngày 25/4, tại TP.HCM, nhiều cửa hàng giao dịch của các nhà mạng lớn đóng cửa nghỉ Giỗ tổ Hùng Vương.
Tại một điểm giao dịch lớn của nhà mạng MobiFone trên đường Lê Quang Định (quận Bình Thạnh), một nhân viên cho biết phần lớn cửa hàng của nhà mạng này đóng cửa.
Một điểm đăng ký thông tin, hình ảnh của nhà mạng MobiFone ở quận Phú Nhuận (TP.HCM) đóng cửa nghỉ lễ Giỗ tổ Hùng Vương. Ảnh: Phúc Minh.
“Riêng cửa hàng tại đây chúng tôi chỉ hỗ trợ làm thủ tục đăng ký SIM chính chủ cho khách hàng đến 17h chứ không làm đến 20h như mọi ngày, chị này cho biết.
Bên trong cửa hàng, số lượng người đến đăng ký bổ sung thông tin cũng không quá đông, chỉ trên dưới 20 người. Thủ tục làm rất nhanh, trung bình mỗi người mất khoảng 30 phút.
Số lượng các điểm giao dịch của nhà mạng Viettel mở cửa trong ngày nghỉ lễ để hỗ trợ khách hàng đăng ký thông tin nhiều hơn hai nhà mạng còn lại. Tuy nhiên, các điểm này lại rất vắng khách.
Tại điểm giao dịch trên đường Nguyễn Văn Đậu (quận Bình Thạnh), một nhân viên nói: “Lượng khách chỉ hơi đông vào buổi sáng, đến chiều thì gần như không còn ai". Tuy nhiên, anh nói cửa hàng đã chuẩn bị phương án ngày mai sẽ quá tải, vì khách sợ khóa SIM.
Anh Hoàng Nam ở quận 3, một khách hàng của Viettel, cho biết vì không có nhiều thời gian và nghe nói nhà mạng tiếp tục hỗ trợ đăng ký sau ngày 24/4 nên anh sẽ không vội.
“Sáng nay, tôi kiểm tra thử việc gọi đi và nhờ người khác gọi lại vào thuê bao của mình nhưng không có gì xảy ra. SIM vẫn bình thường, không có vấn đề gì thì cứ thư thả”, anh nói.