>> WWF đưa cá tra khỏi danh sách đỏ
WWF muốn ngành nuôi cá tra Việt Nam dùng tiêu chuẩn ASC. Ảnh: Duy Khương. |
Ông Phạm Anh Tuấn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT), cho biết: Chiều 16-12, phía Việt Nam tiếp tục làm việc với ông Mark Powell, người phụ trách chương trình thủy hải sản toàn cầu của WWF, về kế hoạch giúp Việt Nam phát triển bền vững ngành cá tra. Tuy nhiên, một số nội dung hai bên vẫn chưa thống nhất do vượt quá thẩm quyền của ông Powell.
Theo ông Tuấn, WWF muốn Việt Nam khi xây dựng các tiêu chuẩn toàn cầu, thì sử dụng tiêu chuẩn của Hội đồng Quản lý Nuôi trồng thủy sản (ASC). “Phía bạn muốn ghi thẳng vào bản ghi nhớ là sử dụng ASC, nhưng tôi không đồng ý. Lý do đơn giản là chúng ta chưa thực hiểu ASC là thế nào. Chúng tôi chỉ ghi trong bản ghi nhớ là cùng nhau hướng đến việc hỗ trợ người nuôi cá tra đạt được các tiêu chuẩn toàn cầu về các khía cạnh môi trường, xã hội, về vệ sinh an toàn thực phẩm. Ngày 17-12, tiếp tục làm việc với họ về việc này”, ông Tuấn nói.
Về việc WWF đã đưa cá tra ra khỏi danh sách đỏ như lời hứa của ông Powell hôm đối thoại 15-12 chưa, ông Tuấn cho biết, ông Powell chưa nhận được thông tin từ văn phòng ở châu Âu nên chưa xác nhận việc này.
Ông Nguyễn Tử Cương (Hội Nghề cá Việt Nam) cho biết, hiện nhiều tổ chức phi chính phủ hoặc các tổ chức xã hội nghề nghiệp vào Việt Nam và đưa ra các kiểu chứng chỉ như SQF 1000, Global GAP, MSC… Còn ASC do WWF xây dựng và công bố từ ngày 30-10. Những loại chứng chỉ trên không phải là luật pháp quốc tế, càng không phải quy định của chính phủ nhập khẩu, không phải văn bản pháp quy của Việt Nam. Việc người nuôi trồng có áp dụng hay không, hoàn toàn theo cơ chế tự nguyện.
Ông Cương nói: “Xin các vị đừng bao giờ gọi đây là tiêu chuẩn quốc tế, vì dân nghe sợ lắm. Như thế là làm giàu cho họ, và làm nghèo dân mình. Ở đây, nên hiểu là: Hướng dẫn của ai đó, về cái gì, với tên gọi là. Chẳng hạn, Hướng dẫn Hiệp hội Tiếp thị Thực phẩm Mỹ về an toàn thực phẩm, gọi là SQF 1000 CM”.
Riêng Global GAP, ông Cương cho hay hiện ở Việt Nam có 4 trung tâm, tổ chức được tổ chức Global GAP quốc tế giao quyền đi ký hợp đồng và cấp chứng nhận với mức phí 7.500 USD/cơ sở nuôi 5 ha.