Chùa dở dang vì phật tử 'hứa mà không làm'

Chùa dở dang vì phật tử 'hứa mà không làm'
TP - Ngôi chùa Nam Thiên ở tỉnh Đắk Lắk có toà chánh điện xây dở dang, phơi sương nắng hơn một năm nay. Đại đức Thích Giác An trụ trì chùa cho biết, do một số phật tử là doanh nhân bất động sản hứa cúng tiền mà không thực hiện.

> Khởi công xây chùa Phật Tích Trúc Lâm Bản Giốc
> Tiếp tục chống dột chùa Một Cột

Toà chánh điện dở dang. Ảnh: NGỌC DUYÊN
Toà chánh điện dở dang. Ảnh: NGỌC DUYÊN.

Những phật tử doanh nhân bất động sản ấy ở TPHCM, Hà Nội. “Món tiền họ hứa cúng dường khoảng 6 tỷ đồng, nay chánh điện thiếu chừng 3 tỷ nữa là hoàn thiện, chủ yếu để đổ bê tông mái”, Đại đức Thích Giác An nói.

Chùa Nam Thiên nằm cạnh Quốc lộ 14, cách trung tâm TP Buôn Ma Thuột 13 km, ở đoạn thôn 4, xã Hòa Thuận. Chùa lập năm 1958, khởi đầu là một ngôi chánh điện mái tranh vách nứa, qua nhiều lần trùng tu, sang thế kỷ 21 đã xuống cấp trầm trọng. Tuy nhiên, phật tử xa gần về lễ bái ngày càng đông.

Cổng chùa Nam Thiên
Cổng chùa Nam Thiên.

Tỳ kheo Thích Giác An được Ban trị sự Phật giáo tỉnh Đắk Lắk bổ nhiệm về trụ trì chùa Nam Thiên từ tháng 10/2005. Đại đức Thích Giác An kể, vào những ngày đại lễ có lúc cả ngàn người về tụng niệm và lễ bái, chánh điện nhỏ hẹp nên các cụ thường xuyên phải trải chiếu ngồi ngoài hiên để tụng kinh.

Có hôm đang lễ Phật, trời đổ mưa, phật tử phải nhốn nháo tránh chùa dột. Phật tử mong xây ngôi chánh điện trang nghiêm làm trung tâm tu học và là cảnh quan văn hóa Phật giáo trên đường vào thành phố Buôn Ma Thuột.

Đáp ứng nguyện vọng đó, chính quyền tỉnh Đắk Lắk cho phép đại trùng tu chùa Nam Thiên, lễ động thổ diễn ra ngày 25/3/2010. Toà chánh điện xây mới trên diện tích gần 3.000m2, có một tầng trệt, hai mê (tầng lầu), mái đổ bê tông lợp ngói.

Xây dựng gần xong phần thô, đến phần đổ bê tông mái, lợp ngói và trang trí nội điện thì hết tiền. Những phật tử doanh nhân bất động sản hứa hẹn cúng tiền cũng biến mất. “Bổn tự tốn mấy trăm triệu đồng đi lại, nhắc thực hiện lời hứa nhưng không có kết quả”, Đại đức Thích Giác An nói.

Đã hơn một năm công trình xây dựng tạm ngừng, Đại đức Thích Giác An lo ngại nếu kéo dài thêm thì thiệt hại lớn thêm vì những phần đã xây dựng sẽ xuống cấp, hư hỏng. Phật tử địa phương dù có tâm đạo cao nhưng hầu hết là thuần nông, sống nhờ cây cà phê, mà thời gian qua cà phê vừa thất thu vừa mất giá nên không thể cúng dường cho phật sự trọng đại.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG