Chưa đến lúc bỏ cuộc
Thành công trong bất kỳ mặt nào của cuộc sống cũng thường là kết quả của việc bám lấy các vấn đề lâu hơn một chút...
Ảnh: minh họa - Internet |
Trên báo từng đăng về một chàng trai trẻ người Đài Loan đã viết tới 700 lá thư tình cho một cô gái trong hơn 2 năm. Tức là hầu như ngày nào cũng có một bức thư. Mà tôi không nói về e-mail đâu. Bảy trăm lá thư viết tay bao gồm cả việc gấp thư lại, dán phong bì (có thể là… liếm), dán tem, ghi địa chỉ và gửi đi. Bảy trăm lá thư nói về cảm xúc của anh đối với cô gái. Trong nhiều lá thư, anh còn cố thuyết phục cô chấp nhận lời cầu hôn của anh.
Hai năm viết thư cuối cùng cũng có kết quả. Cô gái thông báo lễ đính hôn của mình… với người đưa thư vẫn giao cho cô tất cả những bức thư đó. Tất nhiên, chuyện này là dễ hiểu. Cô ấy gặp NGƯỜI ĐƯA THƯ hằng ngày. Có thể người đưa thư đã gặp may mắn vì anh chàng si tình kia đã không bỏ cuộc quá sớm.
Có thể có thời điểm để bỏ cuộc, và anh chàng đó có thể đã bỏ lỡ một vài cơ hội tốt để bước ra khỏi chuyện tình cảm đơn phương của mình. Đôi khi, sẽ là dễ hiểu hơn nếu người ta bỏ cuộc và đi tiếp để làm việc gì đó khác. Bất kỳ ai đã từng có một mối quan hệ tiêu cực hoặc một công việc quá căng thẳng và nặng nề hẳn là biết rõ điều này.
Nhưng cũng có những thời điểm chúng ta cần bền bỉ - để tiếp tục cố gắng. Kinh nghiệm nói cho tôi biết rằng bỏ cuộc quá sớm thường là vấn đề lớn hơn. Và lý do rất đơn giản: Thường thì bỏ cuộc với một chuyện gì đó bao giờ cũng dễ hơn là tiếp tục gắn với nó.
Hồi còn nhỏ, tôi cũng thường muốn thôi học nhạc. Bố mẹ tôi động viên tôi đừng bỏ cuộc quá sớm. "Cứ gắn bó với các bài tập nhạc đã nào" - Bố mẹ tôi bảo. Sau này, tôi thấy mừng vì mình đã làm theo. Tôi đã nói chuyện với rất nhiều người trưởng thành - họ bảo tôi: "Tôi cũng từng học nhạc hồi còn nhỏ. Tôi rất tiếc là mình đã bỏ cuộc quá sớm. Bây giờ tôi ước giá như mình biết chơi piano". Chứ tôi chưa bao giờ nói chuyện với một người trưởng thành nào mà lại nói là: "Tôi cũng từng học nhạc hồi còn nhỏ. Tôi rất tiếc là tôi đã không bỏ học sớm hơn".
Tất nhiên, đây không chỉ là chuyện học nhạc. Mà là nhận thức rằng, khi mọi chuyện trở nên khó khăn, thì bạn nên tiếp tục cố gắng hay vứt bỏ. Có bao nhiêu cuốn sách đã không bao giờ được viết ra chỉ vì ai đó đã bỏ cuộc quá sớm? Có bao nhiêu mối quan hệ đã chết yểu và bao nhiêu giấc mơ không bao giờ thành hiện thực vì có ai đó đã bỏ cuộc?
Có những thời điểm tốt để rời bỏ một công việc, để tìm kiếm một mối quan hệ mới hoặc để ngừng đóng cùng một cái đinh cũ vốn không thể nào ghim vào được. Nhưng chuyện thường xuyên xảy ra hơn là chúng ta thường thỏa hiệp với cái cám dỗ bỏ cuộc luôn, bỏ cuộc sớm. Chúng ta không cố gắng bám đuổi đủ lâu để xem chuyện gì có thể xảy ra nếu mình kiên trì thêm một chút nữa.
Albert Einstein có lần từng nói: "Tôi nghĩ và nghĩ suốt hàng tháng và hàng năm trời". Bạn có thể tưởng tượng việc mình bám lấy một vấn đề lâu như thế không? "Chín mươi chín lần, kết luận của tôi là sai" - Ông nói tiếp - "Rồi lần thứ một trăm thì tôi đúng".
Tôi không nghĩ rằng Albert Einstein gặp vấn đề bỏ cuộc quá sớm. Có một câu nói rất nổi tiếng của ông là: "Không phải là tôi rất thông minh đâu, chỉ là tôi bám lấy các vấn đề lâu hơn thôi". Ông hiểu được giá trị của việc không bỏ cuộc quá sớm - và chỉ riêng việc đó thôi đã cho thấy ông thực sự thông minh đến mức nào.
Tôi sẽ không bao giờ hiểu được môn Vật lý hay vũ trụ như Einstein, nhưng dù không phải là một thiên tài, tôi cũng biết rằng giờ chưa phải là lúc bỏ cuộc. Thành công trong bất kỳ mặt nào của cuộc sống cũng thường là kết quả của việc bám lấy các vấn đề lâu hơn một chút. Mà việc đó thì ngay cả tôi cũng làm được thôi.
Theo Đặng Mỹ Dung
Sinh viên Việt Nam