Vụ cá chết hàng loạt ở các tỉnh miền Trung:

Chưa công bố nguyên nhân cá chết vì chờ phản biện

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP chủ trì buổi họp báo.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP chủ trì buổi họp báo.
TP - Tại buổi họp báo thường kỳ của Văn phòng Chính phủ (VPCP) chiều 2/6, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng cho biết, mặc dù bước đầu đã xác định được nguyên nhân gây ra vụ cá chết hàng loạt ở miền Trung trong thời gian qua, song vẫn còn phải chờ các nhà khoa học phản biện để xác định được nguyên nhân chính xác nhất.

Sẽ công bố nguyên nhân trong tháng 6

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng cho biết, Luật Bảo vệ môi trường 2014 và các Nghị định hướng dẫn thi hành đã quy định rõ, tuy nhiên thực tế việc đánh giá tác động môi trường của một số dự án đầu tư làm chưa tốt, ý thức bảo vệ môi trường, việc chấp hành pháp luật của nhiều doanh nghiệp, hộ gia đình còn hạn chế, nhiều trường hợp còn xả thải trực tiếp gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, công tác thanh kiểm tra và xử lý vi phạm còn hạn chế, chưa nghiêm. 

Theo Bộ trưởng Dũng, hiện công tác điều tra, nghiên cứu, xác định nguyên nhân thủy hải sản chết bất thường tại miền Trung đang được triển khai quyết liệt, đồng thời việc hỗ trợ thiệt hại cho người dân vẫn đang được tiến hành. Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo tổng kiểm tra, rà soát các dự án, cơ sở sản xuất có xả thải ra môi trường, yêu cầu phải thực hiện đúng quy định về xử lý nước thải, về quan trắc tự động môi trường nước thải; khởi tố vụ án nếu có dấu hiệu tội phạm hình sự, không loại trừ bất cứ một tổ chức, cá nhân nào.

“Đến nay các nhà khoa học đã xác định được nguyên nhân cá chết. Thủ tướng Chính phủ đã giao các cơ quan chức năng mời tư vấn trong và ngoài nước để phản biện độc lập trước khi kết luận chính thức. Quan điểm của Thủ tướng là nếu phát hiện tổ chức, cá nhân vi phạm sẽ xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật, không loại trừ bất kỳ tổ chức, cá nhân nào”. 

Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng

Sau khi xảy ra sự việc đặc biệt nghiêm trọng tại vùng biển miền Trung, hơn 30 cơ quan bộ ngành, địa phương cùng hàng trăm nhà khoa học trong, ngoài nước đã vào cuộc, thu thập chứng cứ, xác minh, tìm ra nguyên nhân vụ cá chết trên nguyên tắc dựa vào khoa học để đảm bảo tính khách quan, chặt chẽ về tính pháp lý. Theo ông Dũng, đến nay các nhà khoa học đã xác định được nguyên nhân cá chết. Thủ tướng Chính phủ đã giao các cơ quan chức năng mời tư vấn trong và ngoài nước để phản biện độc lập trước khi kết luận chính thức. 

“Vì xác định đây là vấn đề rất quan trọng, khi công bố nguyên nhân phải đảm bảo chứng cứ, đảm bảo tính pháp lý khách quan, đồng thời Thủ tướng cũng yêu cầu triển khai các giải pháp đảm bảo môi trường biển được an toàn lâu dài”, ông Dũng nói. 

Trao đổi thêm về việc này, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn cho biết, dù các nhà khoa học đã xác định được nguyên nhân, tuy nhiên, việc điều tra nguyên nhân cá chết là của tập thể các nhà khoa học trong và ngoài nước nên cần sự phản biện một cách rốt ráo mới đủ cơ sở khoa học để kết luận chính thức.

Bên lề buổi họp báo sau đó, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cũng cho biết sẽ công bố nguyên nhân trong thời gian sớm nhất, ngay trong tháng 6 này. Cùng tham dự nhưng trong và sau buổi họp báo, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà không lên tiếng xung quanh vụ việc cá chết hàng loạt trong thời gian qua.

Yêu cầu giảm 1.866 tỷ đồng mở rộng Quốc lộ 1

Tại buổi họp báo, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai cho biết, năm 2015, Bộ Tài chính đã tiến hành thanh tra 8 dự án mở rộng Quốc lộ 1 bằng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ. 8 dự án trên có tổng mức đầu tư hơn 53 nghìn tỷ đồng. 

“Trong quá trình thanh tra, đã kết luận và kiến nghị với các chủ đầu tư và các Ban quản lý dự án giảm tổng mức đầu tư 1.866 tỷ đồng. Trong đó, tính không đúng định mức và khối lượng là 1.321 tỷ đồng, còn lại giảm do điều chỉnh quy mô dự án”, bà Mai nói, đồng thời cho biết, kết luận này đã được ban hành, Bộ Tài chính cũng gửi văn bản và đề nghị Bộ GTVT chỉ đạo các đơn vị thực hiện giảm tổng mức đầu tư theo kết luận thanh tra, chỉ đạo giảm giá trị dự toán, giảm nghiệm thu quyết toán…

Trước đó, Bộ Tài chính đã có văn bản về việc thực hiện kết luận thanh tra tài chính về 8 dự án đầu tư xây dựng mở rộng Quốc lộ 1A tại 8 tỉnh, thành: Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận. Đoàn thanh tra đã phát hiện ra nhiều vi phạm tại 8 dự án ở 8 tỉnh. 

Trong tổng số 1.866 tỷ đồng kể trên, thì việc bổ sung một số hạng mục công trình chưa đúng với chỉ đạo của Thủ tướng là 192,6 tỷ đồng. Việc lập phê duyệt dự án thiết kế thi công bản vẽ không đúng là 330 tỷ đồng; dự toán lập phụ cấp không ổn định sản xuất là 122 tỷ đồng; nghiệm thu thanh toán không đúng 274 tỷ đồng; sử dụng khoản kinh phí dự phòng chi hỗ trợ tái định cư chưa đủ căn cứ pháp lý trên 237 tỷ đồng.

Trả lời phóng viên về chủ trương mở rộng sân bay Nội Bài, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường cho biết, hiện Thủ tướng Chính phủ đã có phê duyệt tổng thể bốn nhà ga T1, T2, T3, T4. Đối với nhà ga T1 và T2 đã xong và được cắm mốc lộ giới. Theo ông Trường, tốc độ tăng trưởng hàng không của Việt Nam những năm qua rất lớn, như năm nay dự kiến tăng khoảng 16%. 

Ông Trường cho biết, nhà ga T3, T4 là hai dự án lớn, phải trình Quốc hội xem xét như sân bay Long Thành và có thể mất từ 5 - 7 năm, thậm chí tới 10 năm. Do vậy để đáp ứng được nhu cầu phải tính đến phương án mở rộng sân bay Nội Bài. Trên cơ sở đó sẽ xây dựng thêm đường cất hạ cánh, mở rộng nhà ga T1 để đáp ứng khách nội địa. Về phương án cụ thể, ông Trường cho biết sẽ lập và trình Chính phủ, song về tiến độ sẽ cố gắng thực hiện trước năm 2020.

MỚI - NÓNG