> Sự thật vụ tranh chấp khối tài sản 1.000 tỷ đồng
Mong muốn các bên ngồi lại trong ngôi nhà mà bà Ph từng sinh sống vẫn chưa thực hiện được khi tranh chấp vẫn diễn ra. Ảnh: L.N. |
Ra tòa
Trao đổi với Tiền Phong, người đại diện cho ông Phương khẳng định, ngày 6-6, phía ông Phương đã có đơn khởi kiện Ngân hàng Sacombank lên tòa án nhân dân quận 3 (TPHCM) với lý do Sacombank đơn phương mở ngăn tủ sắt và giao cho bên thứ ba khi chưa có sự đồng ý của ông Phương. Ngoài ra, đơn vị này đã không tiếp tục gia hạn hợp đồng cho ông thuê ngăn tủ sắt.
Tuy nhiên, trước đó, ngày 30-5, giữa ông Phương và chị L cùng đại diện Ngân hàng Sacombank đã ngồi lại làm việc về thanh lý hợp đồng thuê két sắt gửi tài sản tại đây. Nhưng hai bên không đi đến thông nhất.
Một ngày sau, Sacombank gửi thông báo thanh lý hợp đồng thuê ngăn tủ sắt cho ông Phương và chị L.
Người đại diện của Sacombank cho rằng, việc thanh lý là đúng pháp luật và quy định bởi thời hạn thuê két sắt của các bên là 12 tháng đã hết.
Ngoài ra, trong khi chị L muốn cho ông Phương cơ hội để chứng minh tài sản chung vốn làm ăn bằng cách yêu cầu ngân hàng cho thuê thêm 30 ngày nữa nhưng ông Phương từ chối.
Phía ngân hàng cho biết, ông Phương đã từ chối đề nghị của ngân hàng về việc cùng chị L ký tiếp một hợp đồng mới gửi tiếp vào két sắt ngân hàng thêm 30 ngày với điều kiện “trong vòng 30 ngày, nếu ông Phương không đưa ra được bất kỳ di chúc, văn bản, giấy tờ hợp pháp nào chứng minh quyền sở hữu đối với tài sản hoặc bất kỳ quyết định nào của tòa án hoặc cơ quan nào khác có thẩm quyền thì chị L được phép rút toàn bộ tài sản ra khỏi két sắt ngân hàng”.
Nói về vụ kiện, đại diện Ngân hàng cho rằng mình làm đúng quy trình, làm đúng pháp luật.
Người đại diện phía ông Phương cũng cho biết, đang hoàn tất thủ tục để khởi kiện ra tòa đòi lại tài sản mà anh em ông Phương đã hùn hạp với bà Ph.
Trước đó, trao đổi với Tiền Phong, phía chị H.L cũng đồng ý sẽ giao lại tài sản nếu như các cậu của mình chứng minh được có sự đóng góp tài sản của họ trước tòa.
Trong trường hợp không chứng minh được, một nguồn tin thân cận chị L cũng cho biết, người này cũng sẽ trích một phần để gửi cho các cậu.
Hợp tác
Người con nuôi thừa kế khối tài sản từ mẹ đã viết một bức thư gửi cho các cậu ở Việt Nam và ở Đức để nói lên nguyện vọng của mình. Trong bức thư, Thạch Hà H. L, cô gái 25 tuổi cho biết: “Hiện tại, cháu chỉ mong muốn gia đình mình hợp tác trên cơ sở pháp luật nhằm tìm một hướng giải quyết hợp tình, hợp lý cho những bất đồng quan điểm về thừa kế di sản đã tồn tại hơn một năm vừa qua”.
Đây cũng là ý nguyện mà nhiều lần cô gái này khẳng định: “Muốn giải quyết sự việc trong hòa khí gia đình chứ không muốn người thân phải kéo nhau ra tòa”.
“Cháu xin thông báo với các cậu và gia tộc về việc cháu rất sẵn sàng và vui lòng trao lại những tài sản trong di sản của má cháu nếu bất cứ người nào chứng minh được quyền sở hữu của mình theo quy định của pháp luật”- cô gái tiếp trong bức thư.
Thông qua luật sư đại diện, chị Thạch Hà H. L cho biết: “Để giữ hòa khí trong gia đình, cháu xin được tạm gác lại việc cậu T.V.P thất hứa và không thực hiện cam kết được ghi nhận trong vi bằng hơn một năm trước, cũng như việc cậu nhiều lần ép cháu kiện ra tòa. Hiện tại, cháu chỉ mong muốn gia đình mình hợp tác trên cơ sở pháp luật nhằm tìm một hướng giải quyết hợp tình, hợp lý cho những bất đồng quan điểm về thừa kế di sản đã tồn tại hơn một năm vừa qua”.
Trước khi bức thư gửi đi, người đại diện của chị L cho biết, chị L đã nhận thừa kế di sản là 23 số tài khoản tiền gửi tại các ngân hàng một cách hợp pháp. Ngoài ra, chiếc xe ô tô mà bà Ph để lại cũng đã được chị L hoàn thành các thủ tục nhận thừa kế từ nhiều tháng qua.
Nhiều ý kiến cho rằng, trong khi sổ tiết kiệm vẫn gửi két sắt ở ngân hàng nhưng tại sao vào tháng 5-2011 chị L. vẫn đi khai nhận di sản và được công chứng số di sản này?
Nhiều luật sư ở Đoàn luật sư TPHCM đều khẳng định nếu các tài khoản tiết kiệm tại ngân hàng, người đi khai có thể xin giấy xác nhận của ngân hàng chứng minh tài sản đó của người đã chết nếu không có giấy tờ gốc.
Đại diện nơi công chứng cho chị L cũng cho biết: đối với một số di sản thì người đi khai mới phải xuất trình giấy tờ bản chính. Còn các tài khoản tiết kiệm thì có giấy xác nhận của ngân hàng là đủ.
Trao đổi với Tiền Phong, luật sư Lê Anh Trung - Giám đốc Văn phòng luật sự Lê Anh Trung, TPHCM cho biết, đến thời điểm này chủ nhân của khối tài sản vẫn chưa công bố con số chính xác tài sản mà bà Ph để lại. Con số 1000 tỷ đồng chỉ là thống kê từ dư luận. Trong khi đó, phía gia đình ông Phương muốn khởi kiện chị L ra tòa thì chỉ khởi kiện số tài sản mà họ hùn hạp làm ăn với bà Ph, chứ không thể khởi kiện trong khối tài sản 1000 tỷ kia được. “Nếu như phía ông Phương có các chứng từ, hóa đơn, hợp đồng góp vốn làm ăn với bà Ph với số tiền 200 tỷ thì họ chỉ khởi kiện để đòi số tiền này thôi. Do đó án phí sẽ không cao”- luật sư Trung nói |